Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Nga – Phú Yên

Thứ Sáu 10:21 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau. Trước hết, tôi xin tham gia ở Điều 1 phạm vi điều chỉnh. Khoản 2 tôi xin đề nghị bỏ cụm từ "báo tin tội phạm. Đây là Luật tố cáo thì chủ yếu chúng ta giải quyết vấn đề tố giác và tố cáo hành vi vi phạm. Còn báo tín thì nó ở những hoạt động khác cũng có thể làm được, cho nên bỏ cụm từ này.

Điều 23 về hình thức tố cáo thì tôi cũng có ý kiến giống như một số đại biểu nhưng cũng có khác một chút thì tôi xin phát biểu. Điều 23 không nên có hình thức tố cáo bằng điện thoại, bằng thư điện tử mà có thể chấp nhận nội dung thứ ba là bằng fax, bởi vì tôi nghĩ rằng khi người ta tố cáo bằng fax đã có Khoản 2 quy định: có tên, có địa chỉ, có nội dung rõ ràng cho nên chúng ta có thể chấp nhận được. Đó là Điều 23, ý kiến cá nhân tôi là như vậy.

Điều 25 và Điều 41 có quy định thời hạn giải quyết báo cáo, Điều 25 quy định: đối với các trường hợp vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thì giải quyết 60 ngày, phức tạp thì 180 ngày, nếu làm không xong thì gia hạn thêm 60 ngày nữa. Đối với các lĩnh vực khác, trong Điều 41 quy định 30 ngày, 60 ngày và gia hạn thêm 30 ngày. Tôi thấy quy định như Điều 25 thời gian quá lâu, tôi đề nghị quy định phải ngắn hơn, gần như giống Điều 41. Tại sao đối với cán bộ, công chức chúng ta quy định thời gian xử lý phải dài mà ở các lĩnh vực khác chúng ta xử lý trong thời gian ngắn hơn. Tôi đề nghị cân nhắc lại 2 điều khoản này ở 2 lĩnh vực này.

Điều 59, Khoản 2 quy định khi đại biểu chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, không có quy định khi tiếp nhận đơn của đại biểu thì có thông tin nào trở lại cho đại biểu hoặc cho đoàn đại biểu, nhưng khi giải quyết xong sau 7 ngày mới có thông tin. Như vậy nếu như gặp trường hợp như ở Điều 25 chúng ta thấy mất nửa năm đại biểu mới có thông tin trả lời cho cử tri, như vậy là không ổn. Tôi đề nghị trong này cần có thiết kế như thế nào đó, khi nhận đơn của đại biểu Quốc hội phải trả lời đã tiếp nhận đơn và ghi thời gian để xử lý, có như vậy thì đại biểu Quốc hội mới có thể thông tin lại cho cử tri được. Tôi đề nghị nghiên cứu thêm điều này.

Ở Điều 62, có qui định trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Ở đây có qui định trách nhiệm phối hợp nhưng mà lại có ý là "tạo điều kiện" thì tôi đề nghị bỏ từ "tạo điều kiện". Ở đây các cơ quan có trách nhiệm trong việc chịu sự giám sát của đại biểu Quốc hội, hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội, hoặc các cơ quan của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân, chứ không phải là tạo điều kiện, tôi đề nghị là như vậy.

Về một số quan điểm, nhiều đại biểu đã nêu ra là có giải quyết, ở đây tôi muốn tranh luận một số đại biểu là có nêu ra ý "tổ chức hoặc cơ quan đơn vị" có tố cáo hay không? thì quan điểm của tôi là ngược lại. Tôi nghĩ rằng một số người là công dân người ta tố cáo tập thể thì có thể giải quyết vì sao? vì khi mà cơ quan Nhà nước của chúng ta giải quyết về vấn đề minh bạch, vấn đề này, vấn đề khác, hoặc là giải quyết cho nó chấm dứt các tình trạng là trù dập này khác thì lúc đó người dân người ta sẽ không có việc tố cáo tập thể, hoặc lợi ích của một người thì người ta tố cáo cá nhân, nhưng lợi ích nó liên quan đến nhiều người thì cả một tập thể đó người ta có quyền người ta tố cáo, tôi nghĩ vấn đề đó phải giải quyết. Còn cơ quan, đơn vị mà có pháp nhân, người ta có văn bản yêu cầu, kiến nghị các cơ quan xử lý những vi phạm, chứ tại sao mình đi làm chuyện tố cáo, mình làm một cơ quan có pháp nhân, một tổ chức của  Nhà nước hoặc một đơn vị, một đoàn thể nào đó thì mình phải có trách nhiệm trong việc xây dựng Nhà nước, xây dựng các cơ quan và phản ánh thông tin này đến những cơ quan chức năng yêu cầu họ phải giải quyết. Không có chuyện cơ quan Nhà nước đi làm chuyện tố cáo thì sẽ loạn, không còn là tổ chức của Nhà nước và các đơn vị nữa. Cho nên theo quan điểm cá nhân tôi không đồng tình với việc cơ quan Nhà nước đi tố cáo những cơ quan khác, hoặc cá nhân là những người của Nhà nước thì tôi nghĩ không đúng.

Vấn đề cuối cùng, tôi muốn phát biểu về đơn thư nặc danh. Chúng ta quy định không nên giải quyết vấn đề này, nhưng tôi nghĩ có những trường hợp mình không giải quyết thì cũng nên quy định như thế nào đó trong luật. Bởi vì nếu đơn thư nặc danh có địa chỉ, có nội dung rõ ràng mà chúng ta không giải quyết thì chúng ta đâu còn là cơ quan Nhà nước phục vụ cho nhân dân, bởi vì những người nặc danh có thể là những người yếu thế, cho nên người ta không dám xưng tên, xưng địa chỉ của mình. Nhưng tiếp nhận những thông tin này một là có đầy đủ địa chỉ, có đầy đủ những nội dung cần thiết xử lý phải xử lý hoặc coi đó là một thông tin, không nên gạt bỏ một bên mà không xem xét những đơn thư này. Đấy là một số ý kiến của tôi, tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan