Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Tiến Dũng – Hà Tĩnh

Thứ Sáu 10:19 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu một số ý kiến.

Thứ nhất, cơ bản đồng tình với quan niệm, nguyên tắc xây dựng cũng như nhiều nội dung đã quy định trong dự thảo luật, theo Tờ trình của Chính phủ và trong dự thảo luật.

Tôi chỉ phát biểu quan điểm của mình về một số nội dung đang còn có ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, về cái chung, chúng tôi thấy lâu nay và hiện nay chúng ta vẫn có một cách nhìn nhận là đơn vị nào, địa phương nào, cơ quan nào, ngành nào, lĩnh vực nào nhiều đơn thư chỗ đó tình hình không tốt, ở đó thậm chí còn xấu, có vấn đề gì đó về quản lý, về lãnh đạo, thậm chí còn nhận xét yếu kém về phong trào, về cá nhân. Chúng tôi thấy nhìn nhận như vậy chưa hoàn toàn đúng, vì chưa thật sự tích cực cho nên tạo ra một cái là các đồng chí lãnh đạo chủ trì các địa phương, đơn vị lo làm thế nào chứ ảnh hưởng đó không lớn đối với mình. Cho nên, theo chúng tôi trong giải quyết đơn thư nói chung và đơn tố cáo nói riêng thì tôi quan trọng là việc tiếp nhận xem xét và giải quyết có kịp thời không? Có đúng pháp luật không, cái đó là điều cốt lõi nhất, chứ không phải là vấn đề nhiều hay ít, tất nhiên nhiều hay ít cũng thể hiện một tình cảm, nhưng cái đó không quan trọng và từ cách giải quyết đó, chúng ta rút ra được bài học gì, tìm ra những giải pháp gì và chấn chỉnh cơ chế gì, quản lý gì và xử lý như thế nào đối với trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tố cáo này chủ yếu là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thi hành công vụ, nhiệm vụ của Nhà nước giao, chứ tố cáo mà tố giác tin báo tội phạm với tham nhũng thì nó có Luật tố tụng hình sự và Luật phòng, chống tham nhũng quy định rồi, tôi chỉ nói việc đó. Cho nên, chúng tôi thiết nghĩ Ban soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề này một cách toàn diện để có một nội dung luật đảm bảo tính tích cực, tính chủ động và trách nhiệm làm thế nào, có làm được như vậy thì chắc chắn chúng ta mới tạo được bước chuyển biến tốt hơn trong công tác giải quyết đơn thư nói chung và giải quyết những đơn tố cáo nói riêng. Đó là vấn đề thứ nhất, chúng tôi xin tham gia.

Vấn đề thứ hai, về chủ thể tố cáo tôi thống nhất là chủ thể tố cáo chỉ là công dân, vì mấy lẽ: Vì Hiến pháp có quy định việc này.

Thứ hai là chúng ta đã có cơ chế chịu trách nhiệm về việc này. Nếu nói đến tổ chức, trách nhiệm tập thể không sao cả, không thực thi được.

Thứ ba, thực tế có nhiều người cùng tham gia tố cáo một nội dung vi phạm pháp luật, cùng tham gia ký đơn tố cáo một vi phạm pháp luật nào đó, chúng tôi cho rằng đây là nguồn thông tin không phải như khiếu nại, đây như một nguồn thông tin tố giác tội phạm và thông tin vi phạm pháp luật của cán bộ công chức Nhà nước, lĩnh vực tố giác tội phạm thuộc lĩnh vực hình sự khác. Đây là hành vi vi phạm chủ yếu là của cơ quan hành chính Nhà nước và các cán bộ, công chức Nhà nước, việc này chỉ có cá nhân, còn về các cơ quan tổ chức không phải là quyền tố cáo mà phải có trách nhiệm thông tin những vi phạm pháp luật diễn trong quản lý Nhà nước, trách nhiệm này phải cá thể ra là người đứng đầu cơ quan tổ chức đó chịu trách nhiệm về thông tin này. Họ không những có quyền mà có cả nghĩa vụ, trong chức năng, nhiệm vụ quản lý có những việc đó. Do vậy, dự thảo không cần quy định tổ chức cơ quan trong luật này, quy định như dự thảo không ảnh hưởng đến quyền cung cấp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị của ta đối với những việc quản lý hành chính này.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi không thừa nhận về tố cáo nặc danh vì lâu nay ta có quy định như thế này, thấy mặt tích cực cũng có, tiêu cực là nói thực trạng này không tốt nhưng khuyến khích tình trạng này phát triển thì không nên. Chúng ta nhìn nhận, tố cáo nặc danh chủ yếu là cán bộ công chức, dân có cần giấu tên đâu, cán bộ công chức, Đảng viên tố cáo: Một là mình trực tiếp tố cáo; Hai là mượn bàn tay của người dân bình thường để tố cáo. Cho nên mình làm như vậy sẽ khuyến khích việc này, phức tạp tình hình và không có tác dụng. Theo tôi luật không nên đặt vấn đề này để từng bước khắc phục, xóa bỏ chuyện này trong xã hội chúng ta về việc lợi dụng tố cáo, nhất là lúc nâng lương, đề bạt, lên cấp, lên chức, bầu cử, có những vấn đề quan trọng, nhiệm vụ quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của một số người là người ta tố cáo ngay, cho nên cản trở việc thi hành nhiệm vụ của mình. Đề nghị, chúng ta có cơ chế, trách nhiệm giải quyết thật tốt thì chắc chắn là được.

Về Chương VII, có 10 điều nói về công tác giám sát của đại biểu Quốc hội, của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, của Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên và thanh tra nhân dân. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại vì tất cả những vấn đề này đều đã được quy định ở Luật giám sát, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật thanh tra v.v... tất cả đều đã được quy định về quyền giám sát này. Có chăng mình không quy định cụ thể vào đây mà yêu cầu các cơ quan đó thực hiện chức năng giám sát, người ta có văn bản hướng dẫn thực hiện việc này, không phải giám sát việc giải quyết đơn thư tố cáo mà cả khiếu nại, trên mọi lĩnh vực chúng ta đều phải giám sát việc này, cho nên quy định vào đây tôi thấy không đầy đủ. Như vậy các lĩnh vực khác như thế nào? Đề nghị xem lại, có những điều nào đó quy định chung về trách nhiệm giám sát này, chứ không cần quy định đại biểu Quốc hội giám sát thế nào, Quốc hội giám sát thế nào, Hội đồng nhân dân giám sát thế nào, Ban thanh tra nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên thì giám sát như thế nào, thì nó lại vừa dài, vừa không đầy đủ. Chúng tôi trong phạm vi thời gian có hạn, chúng tôi xin tham gia bốn vấn đề như vậy, xin hết, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan