Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Bình – Tuyên Quang

Thứ Sáu 10:16 19-11-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Việc xây dựng Luật Tố cáo cần xuất phát từ các yếu tố tích cực, thông qua việc tố cáo giúp các cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Báo cáo của Chính Phủ cho biết trong năm 2010, cả nước đã phát sinh 22.997 lượt đơn tố cáo với 13.152 vụ việc chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đọat tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý. Qua giải quyết đã kiến nghị, thu hồi cho Nhà nước 48.187 triệu đồng, 63,35 hecta đất, trả lại cho tập thể, công dân 50.982 triệu đồng, 123 hecta đất và xử lý hành chính 754 trường hợp, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 46 vụ với 89 người. Tôi thiết nghĩ con số này còn chưa đầy đủ, bởi không ít vụ việc tố cáo và giải quyết tố cáo kéo dài không dứt điểm, việc thực hiện pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo chưa nghiêm dẫn tới hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo chưa cao và cũng còn nhiều vụ việc chưa được tố cáo. Từ lý do trên tôi tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật tố cáo.

Sau khi nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy còn một số điều, khoản cần phải được bàn bạc, nghiên cứu kỹ hơn để luật đi vào cuộc sống có khả thi.

Thứ nhất, về chủ thể tố cáo còn có ý kiến khác nhau, tuy nhiên tôi tán thành với ý kiến đề nghị mở rộng chủ thể tố cáo, không chỉ là công dân, mà còn có thể là tổ chức. Tôi không cho rằng tố cáo có tổ chức là có trọng lượng hơn, yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết nhanh hơn như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Vì từ thực tiễn hiện nay cho thấy không chỉ cá nhân mà nhiều tập thể, tổ chức bị xâm phạm quyền lợi do cá nhân hoặc tổ chức gây ra. Do vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì tổ chức cũng có quyền đứng lên tố cáo. Nếu cần phải sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan cho phù hợp với thực tiễn thì đó cũng là một việc làm cần thiết, có như thế mới đảm bảo quyền lợi của công dân, mới có sự công bằng trong xã hội.

Thứ hai, tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 quy định đơn tố cáo phải ghi rõ tên, địa chỉ người tố cáo. Nghị định 136/2006 của Chính phủ cũng quy định không xem xét giải quyết tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ. Nhưng trên thực tế hiện nay việc tố cáo nặc danh, không phải đơn tố cáo nặc danh nào cũng vu khống, nói không đúng sự thật. Đã có nhiều vụ việc tiêu cực nhờ vào đơn tố cáo nặc danh các cơ quan chức năng đã phát hiện, phanh phui các sự việc tiêu cực. Thực tế không phải ai cũng đủ can đảm đứng ra tố cáo chống tiêu cực vì sợ bị trả thù, trù dập mặc dù chúng ta đã có các quy định để bảo vệ người tố cáo. Song, chờ đến khi pháp luật bảo vệ thì họ phải tự tìm cách bảo vệ mình trước, các đơn thư tố cáo có ghi tên, địa chỉ rõ ràng chỉ thuận lợi cho các cơ quan chức năng khi xác minh và giải quyết, chứ không thuận lợi cho việc tố cáo chống tiêu cực. Do đó, tôi đề nghị luật cần quy định đối với đơn thư tố cáo không rõ, tên, địa chỉ, nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cũng được các cơ quan chức năng xác minh giải quyết. Có như vậy chúng ta sẽ không để lọt lưới các vụ việc tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Đi vào các điều khoản cụ thể, Điều 14 quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, tại Điểm c, Khoản 1 người tố cáo được nhận thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 24 về tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo lại quy định "nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình phải chuyển cho người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo nếu có yêu cầu". Như vậy, các điều khoản trong luật có mâu thuẫn, theo tôi cần quy định rõ trong luật, người tố cáo có quyền được nhận thông báo khi vụ việc tố cáo được chuyển sang các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, không cần phải có yêu cầu, vì gửi đó là trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp nhận đơn thư.

Chương V, bảo vệ người tố cáo, Điều 48 bảo vệ bí mật của người tố cáo, theo tôi cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền được bảo vệ an toàn cho người tố cáo, nếu người tố cáo có yêu cầu bí mật thông tin và địa chỉ của mình. Trong dự thảo luật và thực tế cho thấy việc giữ bí mật của người tố cáo rất khó, các quy định đưa ra trong luật tôi thấy không khả thi vì khi, nhận được đơn tố cáo cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phân loại và xử lý nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển cho người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong quá trình chuyển đơn thư như vậy sẽ khó có thể giữ được bí mật, khi thông tin bị tiết lộ ra ngoài thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, người nhận đơn thư tố cáo ban đầu hay cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để làm rõ ai là người tiết lộ thông tin thì quả là một bài toán khó, do vậy điều này tôi thấy rằng khó có khả thi.

Khoản 2, Khoản 3 của Điều 49, khi người tố cáo bị phân biệt đối xử thì phải có căn cứ. Khi nhận được đề nghị của người tố cáo, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, nếu đề nghị của người tố cáo là chính đáng thì mới áp dụng các biện pháp bảo vệ. Theo tôi nếu người tố cáo có yêu cầu cần được can thiệp, bảo vệ thì các cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ, ngăn chặn ngay trước khi kiểm tra, xác minh sự việc. Có như vậy mới bảo đảm quyền, lợi ích của công dân.

Chương III, khen thưởng và xử lý vi phạm. Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 68 "can thiệp trái pháp luật về việc giải quyết tố cáo cũng bị xử lý vi phạm", bổ sung Khoản 6, Điều 70 "mua chuộc, hối lộ người giải quyết tố cáo cũng bị xử lý theo pháp luật".

Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan