Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Duy Hòa – Thanh Hoá

Thứ Sáu 10:15 19-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án luật này tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Trước hết, về chủ thể tố cáo thì công dân đương nhiên là chủ thể tố cáo. Nhưng theo tôi nghĩ, chủ thể tố cáo có thể là tập thể vì 4 lý sau sau:

Lý do thứ nhất là nhằm phát huy dân chủ thì kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm và tội phạm;

Lý do thứ hai là khuyến khích việc phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực và chống tham nhũng;

Lý do thứ ba là trong hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta đang tồn tại quy định việc tập thể có quyền tố cáo;

Lý do thứ tư là trên thực tế đời sống xã hội thì chúng ta vẫn phải tiếp nhận và giải quyết khá nhiều việc tố cáo tập thể.

Đấy là 4 lý do mà cá nhân tôi thấy nên quy định là ngoài công dân là chủ thể tố cáo thì tập thể cũng nên được quy định là chủ thể tố cáo. Việc quy định như thế nào cho chặt chẽ, tránh lạm dụng tập thể để tố cáo, gây rối, tình hình, gây phức tạp tình hình thì luật của chúng ta cần phải chi tiết, cụ thể. Đồng thời cũng quy định rõ trong luật là không giải quyết tố cáo giấu tên, nặc danh, mạo danh, không rõ địa chỉ, không có chứng cứ nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng quyền tố cáo để vu cáo gây phức tạp tình hình. Tuy nhiên, nói như thế thì chưa đầy đủ, bởi vì có những người người ta tố cáo hành vi vi phạm và phạm tội là thật, nhưng vì lý do gì đó người ta không dám nói tên thì đối với những tố cáo giấu tên, không ghi địa chỉ, nhưng sự việc tố cáo được kèm theo chứng cứ xác thực thì nên được quy định giải quyết theo phương thức thanh tra, kiểm tra, điều tra nhằm phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm kịp thời, triệt để và bảo vệ người tố cáo đúng. Như thế có nghĩa là việc tố cáo nặc danh mà có chứng cứ xác thực, có cơ sở xem xét thì giải quyết bằng con đường khác, không quy định, điều chỉnh trong dự án luật này.

Nội dung thứ hai, về đối tượng bị tố cáo, theo cá nhân tôi nghĩ luật này nên bao quát hơn, toàn diện hơn, chứ nếu như chúng ta tách một phần của Luật khiếu nại, tố cáo ra để xây dựng luật này mà không bao quát, không toàn diện thì theo tôi nghĩ chưa đầy đủ và chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng đối tượng bị tố cáo là mọi công dân, tức là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân, nông dân, công nhân quốc phòng, quân nhân, công an, tức là mọi công dân. Chứ nếu như trong dự án luật chỉ nêu rằng cán bộ, công chức, thế thì viên chức bị tố cáo thì ai giải quyết và nếu chỉ qui định cán bộ công chức, viên chức thì công an, quân nhân bị tố cáo thì ai giải quyết và giải quyết như thế nào luật này chưa điều chỉnh. Nếu như công dân người ta tố cáo lẫn nhau, công dân A, tố cáo công dân B thì luật nào điều chỉnh? Vì thế cho nên tôi thiết nghĩ rằng chúng ta nên qui định đối tượng bị tố cáo là mọi công dân.

Đồng thời đối tượng bị tố cáo còn có thể là tập thể, tức là đơn vị hoặc tổ chức. Tức là có một đơn vị nào đó, có một tổ chức nào đó có hành vi vi phạm hoặc phạm tội thì người ta tố cáo đơn vị đó, tố cáo tập thể đó, thì mình phải coi tập thể hoặc đơn vị này là đối tượng bị tố cáo.

Về nội dung tố cáo là hành vi, vi phạm hoặc phạm tội, hay vi phạm đạo đức, quy tắc ở bất kỳ lĩnh vực nào và bất kỳ phạm vi nào. Từ đó để dự án luật xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhau để giải quyết tố cáo đối với các đối tượng khác nhau và ở các lĩnh vực, phạm vi khác nhau. Hành vi tố cáo tội phạm thì cơ quan giải quyết khác. Hành vi tố cáo vi phạm hành chính thì cơ quan giải quyết khác. Hành vi tố cáo vi phạm trong đất đai thì cơ quan giải quyết khác. Hành vi tố cáo trong lĩnh vực an ninh quốc phòng thì cơ quan giải quyết khác.

 Về hình thức tố cáo, tôi nhất trí cao với dự án luật hình thức tố cáo có thể là trực tiếp hoặc bằng văn bản. Còn trường hợp tố cáo qua điện thoại, qua thư điện tử, qua Fax thì giải quyết như thế nào? Nếu như không chấp nhận thì phát huy không đầy đủ dân chủ, thậm chí bỏ lọt những tin báo tố giác rất quan trọng, thậm chí tố giác những tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Do đó cho nên theo tôi những trường hợp tố cáo qua điện thoại, qua thư điện tử, qua fax thì chỉ được thụ lý giải quyết khi có họ tên, địa chỉ cụ thể, rõ ràng và được xác minh, nhằm kịp thời đấu tranh ngăn chặn vi phạm và tội phạm. Theo đó cũng không chấp nhận giải quyết theo thủ tục tố cáo các trường hợp không rõ tên và không rõ địa chỉ bằng các hình thức nói trên. Như vậy nếu như tố cáo đó có cơ sở, đặc biệt là tố cáo tội phạm thì phải khẩn trương xem xét, xác minh và giải quyết, những tố cáo không rõ địa chỉ, không rõ ràng nội dung thì không cần xem xét. Theo tôi nghĩ việc quy định trong luật này hay bằng nghị định hướng dẫn chúng ta nên tính toán, làm như thế nào để phát huy được quyền dân chủ, phát huy được tinh thần đấu tranh chống vi phạm và tội phạm, nhưng mặt khác cũng hạn chế việc lạm dụng các công cụ, phương tiện truyền thông để gây rối, gây phức tạp tình hình, thậm chí là vu cáo người khác.

Về thủ tục, trình tự và thẩm quyền giải quyết, hiện nay như chúng ta đã biết nhiều văn bản pháp luật quy định việc viện dẫn Luật khiếu nại, tố cáo để giải quyết, đồng thời nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể việc giải quyết tố cáo ở các lĩnh vực khác nhau. Do đó trong dự án luật này chúng ta cần thu hút các quy định về giải quyết tố cáo ở các văn bản khác nhau vào luật này để luật này trở thành luật cơ bản về giải quyết tố cáo. Nếu luật này ban hành nhưng việc giải quyết tố cáo vẫn tuân theo các luật chuyên ngành đó để giải quyết, theo tôi nghĩ như vậy là không toàn diện và độ bền cũng như sức sống của dự án luật không được dài. Mặt khác, do các đối tượng bị tố cáo khác nhau, việc tố cáo diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ở các phạm vi khác nhau, do đó dự án luật này cần quy định rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo ở các đối tượng bị tố cáo khác nhau và ở các lĩnh vực khác nhau nhằm loại trừ khoảng trống vì không có cơ quan, đơn vị nào có thẩm quyền giải quyết, cần được quy định trong luật. Mặt khác, lại phải khắc phục tình trạng chồng lấn, chồng chéo trong việc giải quyết tố cáo, tức là một đơn tố cáo một cán bộ, cán bộ này là Đảng viên thì 2, 3 cơ quan giải quyết, nhưng một đơn tố cáo một công dân có vi phạm thì không ai giải quyết. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng dự án luật này nện chú ý để khắc phục việc có khoảng trống trong các luật với nhau về việc giải quyết tố cáo, nhưng mặt khác cũng cố gắng khắc phục việc chồng lấn trong việc giải quyết tố cáo. Theo đó là thủ tục, trình tự giải quyết đồng bộ, chặt chẽ và có điểm dừng.

Cuối cùng là quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc phải tương thích với các luật hiện hành và có hiệu quả để tránh hình thức. Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan