Sửa Thông tư 13: Nhượng bộ từng phần

Thứ Năm 09:54 30-09-2010

Sửa Thông tư 13: Nhượng bộ từng phần

Tác giả: Lê Khắc

Bài đã được xuất bản.: 29/09/2010

(VNR500) - Cuối cùng, những thay đổi về Thông tư 13 đã được công bố. Tuy không hoàn toàn như đề xuất từ các tổ chức tín dụng, song sự sửa đổi này được hy vọng sẽ mang lại những biến động mới trên thị trường tiền tệ ngay khi bước vào quý cuối cùng của năm 2010.

Lãi suất có giảm

Điều lo ngại lớn nhất của các tổ chức tín dụng khi thực hiện Thông tư 13 là nguồn vốn sử dụng cho vay bị co rút khi nguồn huy động không kỳ hạn từ các tổ chức như kho bạc, bảo hiểm xã hội không được đưa vào cho vay; không cho phép đưa một số nguồn tự có của ngân hàng vào cho vay... Tuy nhiên, cả hai điểm này đều đã được sửa tại Thông tư 19 sửa đổi một số điều Thông tư 13.

Khoản 2 Điều I của Thông tư 19 quy định, tỷ lệ cấp tín dụng là 80% "từ nguồn vốn huy động".  Với quy định là trước đây, các ngân hàng đều hiểu việc cấp tín dụng chỉ có thể "so với nguồn vốn huy động" là không thể sử nguồn vốn tự có của các nhà băng.

Nhưng với quy định mới, là "từ nguồn vốn huy động" thì các ngân hàng sẽ được sử dụng nguồn vốn tự có, và nguồn vốn này không chịu ràng buộc bởi tỷ lệ cấp tín dụng theo quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong. Như vậy, nguồn vốn có thể sử dụng cho vay sẽ được tăng lên nhiều.

Tuy nhiên, thay đổi nay thực ra không có bất ngờ lớn. Bởi vì, ngay sau khi có phản ứng của về Thông tư 13, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cho biết, đây chỉ là một cách hiểu, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa, vốn tự có của các ngân hàng thì không ai cấm sử dụng.

Thay đổi lớn nhất, đánh vào đúng điểm gây phản ứng nhất là tại Điều 18, quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động. Đó là khi Ngân hàng Nhà nước cho phép tính thêm 25% tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và tiền vay của tổ chức tín dụng khác vào nguồn vốn huy động.

Tuy vẫn giữ nguyên tỷ lệ cấp tín dụng là 80% đối với ngân hàng và 85% cho tổ chức phi ngân hàng, nhưng do tổng nguồn vốn tăng lên, ngân hàng sẽ được phép cấp nhiều tín dụng hơn cho nền kinh tế.

Dù không được như đề xuất nhưng đây vẫn là một nhượng bộ của Ngân hàng Nhà nước, giúp các ngân hàng có thêm vốn cho vay và giảm chi phí hoạt động. Thậm chí, quy định này còn lớn hơn dự kiến ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là 15%.

Như vậy, những thay đổi mới đã tạo ra một nguồn tiền đáng kể để các ngân hàng đưa vào cho vay. Chỉ riêng việc dưa vốn tự có vào cho vay thì mỗi ngân hàng sẽ có thêm từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ đưa ra cho vay. Đây là nguồn vốn không nhỏ và rất có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, việc cho sử dụng 25% vốn huy động không kỳ hạn của các tổ chức cũng sẽ mang lại nguồn vốn lớn. Theo các ngân hàng, nguồn tiền này chiếm 10-15% vốn huy động. Con số đó là hàng trăm ngàn tỷ và chỉ cần 25% thôi cũng tạo ra tác động lớn.

Vấn đề đặt ra lúc này là bao giờ các ngân hàng các ngân hàng sẽ giảm lãi suất. Bởi vì, với điều chỉnh này, sẽ giảm áp lực phải tăng huy động của các ngân hàng do nguồn vốn huy động cũng được tăng lên, vốn sử dụng cho vay tăng lên...

Tại cuộc họp mới đây giữa Hiệp hội Ngân hàng và các thành viên, việc hạ lãi suất đã được đặt ra. Song, các ngân hàng lại cho rằng để hạ lãi suất thì ngoài Thông tư 13 thì cần thiết phải thay đổi quy định về sử dụng vốn liên ngân hàng để cho vay hiện nay là 20%. Nếu có thể thì việc hạ lãi suất sẽ bắt đầu tư đầu tháng 10.

Ngân hàng Nhà nước đã có bước nhượng bộ đầu tiên về Thông tq 13 nhưng vốn liên ngân hàng thì chưa có tín hiệu. Vì thế, việc giảm lãi suất từ đầu tháng 10 xuống 11% vẫn là dấu hỏi. Rất có thể, không chờ sự tự nguyện của các ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước lại phải có những động tác để cảnh bảo, gây sức ép may ra lãi suất mới thực sự giảm nhanh.

Coi trọng tiêu chí an toàn

Theo một chuyên gia ngân hàng, việc thay đổi trên đây của Ngân hàng nhà nước một điểm chỉ là hướng dẫn lại cho rõ về việc sử dụng vốn tự có, không có thay đổi quan điểm. Còn một điểm mang tính chất nhượng bộ một phần để thực hiện mục tiêu hạ lãi suất trước mắt theo yêu cầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, rất nhiều điểm đề xuất không chỉ các ngân hàng mà cả thị trường chứng khoán kỳ vọng đều bị từ chối.

Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước không hề thay đổi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng thương mại. Như vậy, tỷ lệ này vẫn sẽ được giữ nguyên ở mức 9% (vốn tự có so với tổng tài sản) như tại Thông tư 13. Điều này, đúng như quan điểm cứng rắn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước đây, bỏ qua những đề xuất từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, đề xuất xem lại hệ số rủi ro (250%) đối với các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán... vốn rất được các nhà đầu tư chứng khoán mong đợi nhưng đã không được thay đổi.

Thực tế này tiếp tục cho thấy, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ những quan điểm ưu tiên mục tiêu an toàn đối với hoạt động ngân hàng. Những thay đổi trên đây đều tâp trung tăng nguồn vốn cho vay, nhưng cơ quan quản lý vẫn rất cảnh giác không để nguồn tiền chuyển quá nhiều vào các lĩnh vực đầu tư được cho là rủi ro và dễ tạo nên lạm phát. Nguồn tiền sẽ tiếp tục hướng vào khu vực sản xuất và kinh doanh.

Vì thế, có thể sau sửa đổi Thông tư 13, công tác thanh tra đối với hoạt động cho vay để kiểm soát chất lượng tín dụng và hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng sẽ được tăng cường.

 

Các văn bản liên quan