Sửa Thông tư 13: Vẫn phập phồng chờ lãi suất hạ

Thứ Năm 09:54 30-09-2010

Sửa Thông tư 13: Vẫn phập phồng chờ lãi suất hạ

Tác giả: Lê Khắc

Bài đã được xuất bản.: 30/09/2010

(VNR500) - Thông tư 13 ban hành, các ngân hàng kêu khó hạ lãi suất theo lộ trình. Tuy nhiên, với việc sửa đổi thông tư này theo hướng mở hơn, đến bao giờ các ngân hàng có thể hạ lãi suất?

Trao đổi với báo chí ngày 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, xét trên yếu tố khách quan và chủ quan, việc ban hành Thông tư 13 là rất cần thiết. Việc sửa đổi bổ sung không phải là một bước nhân nhượng trước áp lực nào, mà thực tế triển khai xuất hiện một số bất cập.

Ban đầu, một số tiêu chí đưa ra cao để quyết tâm thực hiện nhưng tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi... nên phải điều chỉnh một số điểm cho phù hợp với thực tế. Đây cũng là điều dư luận cho rằng cần cân nhắc khi áp dụng, mặc dù Thông tư 13 được đánh giá là cần thiết vì sự an toàn của hệ thống, bảo vệ người tiêu dùng..

- Thưa ông, vì sao quy định tổ chức tín dụng được sử dụng 25% tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế vào tổng nguồn vốn cấp tín dụng?

- Tiền gửi thanh toán của các tổ chức theo Thông tư 13 không được cơ cấu vào nguồn cấp tín dụng. Hiện nay, nguồn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế chiếm khoảng 19% tổng nguồn nhưng lại biến động rất lớn. Chỉ cần biến động 30.00-50.000 tỷ thì hệ thống có vấn đề.

Ở các nước, họ không cấm cũng không ra chỉ tiêu sử dụng là bao nhiêu, nhưng do quản trị rủi ro tốt và kiểm soát chặt nên họ sử dụng linh hoạt và không lạm dụng. Song, ở Việt Nam, tính chất phát triển không đồng đều, nhiều tổ chức tín dụng tận dụng, tận thu, mở rộng càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Vì thế, khi cho sử dụng số nguồn này là lúc nào cũng phải lo có vấn đề xảy ra.

Theo khảo sát, biến động của tiền gửi không kỳ hạn có thể lên tới 70-80%. Ví dụ, tiền gửi 100.000 tỷ đồng thì sẽ có lúc họ rút ra tới 80.000 tỷ đồng. Thực tế sử dụng chỉ còn 20-30%. Ngân hàng Nhà nước quy định 25% là một sự cân đối nhưng sẽ tiếp tục theo dõi, để mắt đến tỷ lệ này, cả về khả năng quản trị và tính tự giác của mỗi ngân hàng.

- Thông tư sửa đổi quy định các tổ chức tín dụng được sử dụng tiền vay của các tổ chức tín dụng trên 3 tháng để tính vào nguồn huy động vốn cho vay. Điều này có phải quy định sử dụng tối đa 20% vốn cho vay từ thị trường liên ngân hàng không còn áp dụng?

- Mục tiêu khống chế 20% là nhằm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, mức 20% không phải là một quy định mà chỉ là một khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước. Với quy định mới, cách hiểu không còn khống chế 20% vốn cho vay từ thị trường liên ngân là đúng với các nguồn vốn có kỳ hạn trên 3 tháng. Tuy nhiên, để sử dụng vốn liên ngân hàng các tổ chức tín dụng phải nâng cao quản trị và đảm bảo an toàn tốt hơn.

- Với quy định mới từ Thông tư 19, Thống đốc có kỳ vọng gì về tác động đến việc sẽ giảm lãi suất trên thị trường thời gian tới?

- Lãi suất là do quan hệ cung cầu quyết định. Do khủng hoảng thế giới và kinh tế vĩ mô trong nước còn khó khăn nên lãi suất chưa ổn định. Năm nay, lãi suất cao cũng có nhiều nguyên nhân. Từ tháng 12/2009 rồi tháng 1-2/2010, lạm phát đều ở mức cao và chỉ giảm dần vào những tháng tiếp theo. Trong khi đó, biến động tiền gửi từ ở ngân hàng khá lớn, chủ yếu là do rút tiền từ bảo hiểm xã hội và kho bạc, khiến Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiềm để ổn định.

Trong khi đó, nguồn vốn cũng bị chi phối nhiều. Năm nay, chưa bao giờ Chính phủ lại phát hành trái phiếu lớn và lãi suất cao đến vậy. Riêng trái phiếu đã huy động từ hệ thống ngân hàng 48.000 tỷ. Bên cạnh đó, các thị trường khác đều cần vốn và ra sức huy động: bất động sản, chứng khoán, hàng hóa... DN phát hành trái phiếu huy động vốn khiến nguồn tiền vốn trên thị trường bị cạnh tranh và đẩy lãi suất lên.

Để hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt các công cụ tiền tệ để bơm đủ khối lượng tiền thỏa mãn các nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng thống nhất với các thành viên về hạ lãi suất.

Việc hạ lãi suất phải theo xu hướng giảm dần. Ngoài các công cụ của Ngân hàng Nhà nước, sự đồng thuận của các hiệp hội thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt hơn với Ngân hàng Nhà nước về chính sách tài chính và tiền tệ, cụ thể là quy mô và lãi suất phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng. Bản thân ngân hàng cạnh tranh mới hạ lãi suất xuống.

- Có ý kiến cho rằng, khó giảm lãi suất là vì quy định Thông tư 13 khiến chi phí vốn của ngân hàng tăng. Sao không tính đến việc hoãn thi hành Thông tư 13 để đạt mục tiêu hạ lãi suất?

- Đó là những ý kiến xuất phát từ những trường hợp cá biệt. Giảm lãi suất quan trọng là phải giảm từ đầu vào. Đây mới là khâu quyết định. Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, lãi suất giảm rất ít chỉ 0,01%.

Thông tư 13 không phải là nguyên nhân chính khiến khó giảm lãi suất. Xưa nay, các ngân hàng cũng chỉ sử dụng một phần vốn tương đương 80% huy động để cho vay cho nên không có gì khó khăn với quy định mới từ Thông tư 13. Tới đây, tôi sẽ bàn với Hiệp hội về hạ lãi suất đầu vào.

Bên cạnh đó, phần không cho vay để lại vẫn sinh lời. Loại trừ dự trữ an toàn và dự trữ thanh toán bằng tiền mặt còn lại đều có thể mua các công cụ để sinh lãi. Ví dụ, mua trái phiếu chính phủ, ngân hàng có hai cách để kiểm lãi (qua lãi suất trái phiếu và cầm cố) để vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước nhằm cho vay.

- Những diễn biến mới từ lạm phát tháng 9 cao đột biến có khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ không, thưa ông?

- Diễn biến lãi suất mới, Chính phủ đã chỉ đạo xem xét cân đối các nguồn cung hàng hóa. Hiện tại, chưa có dấu hiệu gì đáng lo ngại thái quá. Trước diễn biến lạm phát tăng trở lại, mới đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng khuyến cáo Việt Nam cảnh giác nếu nới lỏng tiền tệ.

Tuy nhiên, tôi nhắc lại, mục tiêu chính sách của chúng ta là ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các mục tiêu này và cụ thể nhất là tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay vẫn tiếp tục thực hiện. Không thắt chặt và không nới lỏng thêm.

- Thống đốc có thể cho biết, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này? Cụ thể vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ thế nào?

- Đến ngày 27/9, tăng trưởng tín dụng là 19,27% đến cuối tháng có thể lên đến 19,5% trên mục tiêu 25%. Với tốc độ này thì hoàn toàn không có gì bi quan về tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, tín dụng vào phi sản xuất là 18,2% vẫn còn thấp hơn mức tăng chung, tương đương 385.000 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản là 218.000 tỷ, tăng 17%, chứng khoán 15.000 tỷ, tăng 19,8%, tiêu dùng 151.000 tỷ, tăng 19,7%.

Trong các lĩnh vực Chính phủ ưu tiên, nông nghiệp tăng 19%, doanh nghiệp nhỏ và vừa 20% còn xuất khẩu 17%. Đây là một cơ cấu hợp lý. Từ nay đến cuối năm sẽ hướng đến mục tiêu 25% là hợp lý.

 

Các văn bản liên quan