VCCI_Góp ý chính sách về địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá
Kính gửi: Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan
Trả lời Công văn số 1252/TCHQ-QLRR của Tổng cục Hải quan về việc Góp ý Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
- Nguyên tắc đánh giá tuân thủ doanh nghiệp (Điều 4 Dự thảo)
Việc đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu (sau đây gọi tắt là đánh giá tuân thủ doanh nghiệp) có ý nghĩa quan trọng. Hoạt động này có thể giúp cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan. Đối với các doanh nghiệp, hoạt động này nếu được thực hiện một cách hiệu quả, có thể rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hoá, giảm chi phí, sớm đưa hàng hoá vào sản xuất, lưu thông…, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc pháp luật. Vì vậy, việc đánh giá tuân thủ doanh nghiệp cần được thực hiện trên các nguyên tắc tổ chức thực hiện cả từ phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, với mục tiêu tổng thể là nhằm tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới.
Điều 4 Dự thảo hiện đã đưa ra 3 nguyên tắc chung cho việc đánh giá tuân thủ pháp luật, song mới nhìn từ góc độ cơ quan hải quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể, quy định về công khai, minh bạch trong việc đánh giá tuân thủ (khoản 1), về phương thức (khoản 2) và trình tự (khoản 3) của cơ quan hải quan. Bên cạnh những nguyên tắc chung mà Điều 4 Dự thảo đã nêu, xuất phát khía cạnh của các doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các nguyên tắc theo hướng cụ thể hơn như sau:
- Chia sẻ thông tin, dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Đây sẽ là nguyên tắc căn bản cho việc thu thập thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ doanh nghiệp tại Điều 6 và những quy định khác có liên quan.
- Giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Cụ thể là các quy định trong Dự thảo không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, ví dụ như chi phí hành chính để đáp ứng nghĩa vụ thông tin, đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ, giấy tờ…
- Bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có thể thực hiện quyền khiếu nại kết quả đánh giá và việc áp dụng các biện pháp quản lý nếu có sự chưa chính xác trong thông tin đầu vào phục vụ cho việc đánh giá tuân thủ doanh nghiệp.
2. Về đánh giá phân loại doanh nghiệp tuân thủ Mức 1:
Khoản 1 điều 7 Dự thảo quy định việc đánh giá, công nhận doanh nghiệp ưu tiên (Doanh nghiệp tuân thủ Mức 1) được quy định tại Thông tư riêng của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, chưa rõ việc quy định tại thông tư riêng như vậy có là cần thiết? Để bảo đảm tính thống nhất, tạo thuận lợi trong việc tuân thủ và thực hiện của doanh nghiệp, đề nghị cân nhắc tới việc gộp các quy định về đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp của Thông tư số 72/2015/TT-BTC và Thông tư 07/2019/TT-BTC quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp vào Dự thảo, tránh trường hợp doanh nghiệp phải tra cứu ở nhiều nơi, mỗi văn bản sau đó lại được sửa đổi bổ sung nhiều lần gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh các quy định liên quan như “đình chỉ/tạm đình chỉ chế độ ưu tiên” (Điều 21, 22 Thông tư 72) để bảo đảm chuyển tiếp việc đánh giá của doanh nghiệp sang các mức độ thấp hơn nếu có.
3. Về thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ doanh nghiệp (Điều 6 Dự thảo)
Dự thảo Phiên bản trước đây có quy định việc “Thu thập, xác minh, quản lý thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu” (Điều 8) và “Hợp tác trao đổi cung cấp thông tin của doanh nghiệp với cơ quan hải quan phục vụ đánh giá tuân thủ pháp luật” (Điều 9). Đồng thời, Dự thảo có hẳn Danh mục thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp (Phụ lục 3) quy định cụ thể từng nội dung thông tin do cơ quan nào quản lý, nguồn và phương pháp thu thập, xác minh. Đây là cách quy định tiến bộ, thể hiện tinh thần công khai, minh bạch của Ban soạn thảo.
Tuy nhiên, trong Dự thảo phiên bản lần này các quy định trên được cắt đi gần hết (chỉ còn lại Điều 6 quy định rất chung) khiến cho quy định về thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ doanh nghiệp trở nên thiếu rõ ràng. Việc không quy định rõ về chủ thể thu thập, chủ thể cung cấp thông tin; phương pháp thu thập; sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, giữa các cơ quan quản lý khác nhau trong hoạt động này có thể sẽ khiến nảy sinh nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.
Hơn thế nữa, tham khảo quy định về quản lý rủi ro của các nước phát triển đều cho thấy một điểm chung là sự phối hợp trong trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu luôn được đặt lên hàng đầu. Mọi nguồn lực và tiến bộ về công nghệ thông tin khi được tận dụng tối đa phục vụ cho việc thống nhất thông tin về một mối không chỉ bảo đảm tính chính xác của thông tin mà còn thể hiện nguyên tắc giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp: doanh nghiệp không phải cung cấp một thông tin nhiều lần cho một hoặc nhiều cơ quan khác nhau. Do vậy, để bảo đảm tính minh bạch của văn bản, đề nghị Ban soạn thảo:
- Quy định rõ trình tự, thủ tục thu thập thông tin bao gồm: chủ thể, quyền và nghĩa vụ của chủ thể; thời hạn yêu cầu, thời hạn cung cấp;
- Quy định rõ: cơ quan quản lý không được quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin đã được các cơ quan khác thu thập tại các thời điểm trước đó;
- Làm rõ khoản 4 “Thông tin khác có liên quan” bao gồm những thông tin nào, hoặc bỏ khoản này nếu không làm rõ được;
- Quy định rõ nghĩa vụ hợp tác về thông tin giữa các cơ quan: hải quan, thuế, đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương…
4. Về việc áp dụng các biện pháp quản lý hải quan theo mức độ tuân thủ của doanh nghiệp (Điều 8 Dự thảo):
Đây được coi là nội dung cốt lõi của quản lý hải quan theo nguyên tắc rủi ro và do đó cần phải được quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng bảo đảm doanh nghiệp có thể tự theo dõi, đánh giá được mức độ tuân thủ của mình, cũng như bảo đảm cán bộ và cơ quan hải quan các cấp, các địa phương có thể hiểu và áp dụng một cách thống nhất, chính xác.
Quy định tại Điều 8 Dự thảo dường như chưa đạt được yêu cầu này. Ở phiên bản dự thảo trước (lấy ý kiến tháng 11/2018) Ban soạn thảo đã quy định rất chi tiết nội dung này tại Điều 13 với 6 khoản hướng dẫn cụ thể về từng phương thức quản lý, điều kiện và tần suất áp dụng.
Tuy nhiên, dự thảo lần này rút ngắn lại còn 3 khoản với các quy định rất chung chung, thiếu rõ ràng. VCCI cho rằng cần quy định rõ về vấn đề này thì mới bảo đảm được tính minh bạch trong việc áp dụng các biện pháp quản lý hải quan. Bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng các biện pháp hải quan cũng chính là bảo đảm các doanh nghiệp được đối xử công bằng trước pháp luật, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nâng cao mức độ tuân thủ, giảm thiểu những vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ thêm các điểm sau khi điều chỉnh Điều 8 Dự thảo:
- Điểm d khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định “Các nghiệp vụ hải quan khác” mà không dẫn chiếu đến bất kỳ văn bản nào quy định các nghiệp vụ khác này là gì. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ không thể biết được mình có thể bị áp dụng các biện pháp nào, đối với từng trường hợp cụ thể nào… và nảy sinh nguy cơ lạm dụng/áp dụng không thống nhất câu quét này trên thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ điểm d.
- Khoản 2 Điều này sử dụng một số cụm từ không rõ ràng, ví dụ như “tạo thuận lợi”, “giảm”, “tăng cường”. Trong khi khoản này là nội dung chính quy định cơ chế áp dụng các biện pháp quản lý thì việc quy định thiếu minh bạch này rất có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, áp dụng một cách không thống nhất.
5. Hỗ trợ tuân thủ pháp luật về hải quan (Điều 10 Dự thảo)
Trong 3 khoản của Điều này có 2 khoản quy định về:
- Cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về mức độ tuân thủ; giải đáp các thông tin liên quan đến đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ của doanh nghiệp;
- Cung cấp thông tin qua Cổng thông tin điện tử hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể: a) doanh nghiệp tra cứu mức độ tuân thủ và lý do phân loại mức độ tuân thủ b) Doanh nghiệp trao đổi, phản hồi thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ và phản ánh các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đánh giá tuân thủ;
Trong khi đó, tại Điều 11 Dự thảo, đây là quyền của doanh nghiệp (khoản 1 và 3) “được cơ quan hải quan thông báo mức độ tuân thủ; được quyền đề nghị cơ quan hải quan trả lời về lý do phân loại mức độ tuân thủ”. Vì vậy, các hoạt động này thực chất là nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của doanh nghiệp.
- Khoản 3 có nội dung: “tiếp nhận giải quyết các vướng mắc liên quan đến tuân thủ pháp luật và áp dụng biện pháp quản lý của cơ quan hải quan”. Tuy nhiên, hoạt động này phải được xác định là nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong việc thực thi công vụ, không phải là hoạt động hỗ trợ.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đưa các quy định tại điều này sang Điều 12 về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong thực hiện đánh giá tuân thủ doanh nghiệp.
6. Về cơ chế giải quyết vướng mắc liên quan đến đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp:
Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan không quy định cụ thể chế độ giải quyết khi có vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp liên quan đến việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật.
Dự thảo Thông tư này hướng dẫn hai Nghị định nói trên nhưng cũng không quy định cụ thể việc tiếp nhận giải quyết như thế nào (chỉ ghi một quy định chung chung tại Khoản 3 Điều 10: “Cơ quan hải quan…tiếp nhận giải quyết các vướng mắc liên quan đến tuân thủ pháp luật và áp dụng biện pháp quản lý của cơ quan hải quan”). Trong khi đó, Dự thảo chỉ quy định quyền của doanh nghiệp là được “bổ sung các tài liệu, chứng từ để cơ quan hải quan xem xét, điều chỉnh mức độ tuân thủ theo tiêu chí đánh giá tuân thủ”…nhưng hoàn toàn không quy định đơn vị tiếp nhận, giải quyết; thời hạn trả lời doanh nghiệp; hình thức xử lý khiếu nại….
Trong khi đó, việc phân loại doanh nghiệp, như đã phân tích ở trên, là một hoạt động có tác động lớn đối với mỗi doanh nghiệp. Giả sử có trường hợp phân loại nhầm, do thông tin không chính xác…hoặc bất kỳ trường hợp nào khiến kết quả phân loại mức độ tuân thủ của doanh nghiệp bị rơi vào nhóm không tuân thủ hoặc thấp, thì chắc chắn sẽ xảy ra thiệt hại cho doanh nghiệp đó.
Điều tra về hải quan năm 2018 do VCCI, Tổng cục Hải quan và USAID thực hiện cho thấy 60% doanh nghiệp tự làm thủ tục hải quan gặp vướng mắc trong việc tìm hiểu thông tin. Trong khi đó mức độ hài lòng đối với việc giải quyết vướng mắc chỉ ở mức trung bình: đánh giá tích cực nhất là ở Cục hải quan địa phương (59%) và thấp nhất ở Bộ Tài chính (38%). Điều này cho thấy còn rất nhiều khoảng trống để cơ quan hải quan nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, vướng mắc của doanh nghiệp.
Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Dự thảo một điều riêng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, vướng mắc của doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc việc đánh giá là khách quan, chính xác và kịp thời như Khoản 2 Điều 4 Dự thảo đã quy định.
7. Về Danh mục hành vi vi phạm áp dụng trong đánh giá tuân thủ đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa:
Các hành vi trong Danh mục đang được phân loại theo cả hai cách: (1) theo mô tả hành vi (2) theo mức xử phạt tiền tính bình quân trên mỗi tờ khai vi phạm. Điều này khiến cho việc đối chiếu các Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp tuân thủ có thể trở nên khó khăn hơn.
Phiên bản dự thảo trước đây quy định cụ thể các hành vi đi kèm với dẫn chiếu văn bản quy định. Đây là cách thiết kế hợp lý tạo sự minh bạch cho dù trên thực tế có thể sẽ phải sửa đổi thường xuyên Danh mục này do sự thay đổi của các văn bản dẫn chiếu.
Tuy nhiên, để bảo đảm doanh nghiệp có thể tuân thủ một cách dễ dàng, thúc đẩy nâng cao mức độ tuân thủ một cách nhanh chóng và thuận tiện thì vẫn nên giữ cách quy định hành vi đi kèm với dẫn chiếu văn bản quy định (nên lập bảng để dễ theo dõi). Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu phân loại theo cách dễ theo dõi hơn, bảo đảm tính khoa học của Danh mục.
8. Về Các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp tuân thủ:
Về tính khả thi: đánh giá chung về Phụ lục 1 – Các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu cho thấy cần nhiều lập luận hơn để minh chứng cho tính khả thi của cách đặt các tiêu chí này:
- Thứ nhất, như nhiều ý kiến tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Thông tư (tổ chức tại VCCI ngày 04/12/2018) đề nghị Ban soạn thảo tiến hành đánh giá thực tiễn mức độ tuân thủ hiện tại của doanh nghiệp tương ứng với từng tiêu chí được nêu tại Phụ lục để đánh giá mức độ khả thi của các tiêu chí (tránh trường hợp như đại diện Hiệp hội doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản nêu sẽ không có doanh nghiệp nào trong ngành đáp ứng được Mức 2, 3 nếu áp dụng các tiêu chí phiên bản cũ).
- Thứ hai, tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ không chỉ là công cụ quản lý của cơ quan hải quan mà còn cần là thước đo của chính doanh nghiệp. Trong khi đó cách phân loại tiêu chí như tại Dự thảo hiện nay chưa thực sự thân thiện với đối tượng áp dụng. Doanh nghiệp sẽ tính toán như thế nào tỷ lệ “kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu toàn quốc của năm trước liền kề” trong khi đây là số liệu nằm ở các cơ quan quản lý? Đây chỉ là một ví dụ cho thấy Ban soạn thảo cần phải đánh giá lại và thiết kế Bộ tiêu chí theo hướng dễ tra cứu, dễ áp dụng để bảo đảm doanh nghiệp có thể tự mình nhìn vào đó và cải thiện hoạt động của mình nhằm nâng cao mức độ tuân thủ – mục tiêu cao nhất của việc đánh giá rủi ro cần hướng tới.
Về tính minh bạch: Mục A. Doanh nghiệp tuân thủ mức 2, Tiêu chí số 6 quy định: “doanh nghiệp không bị cơ quan Hải quan đánh giá là doanh nghiệp không hợp tác trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và chấp hành các quy định khác…”. Đây là tiêu chí mà việc đánh giá phụ thuộc phần lớn vào chủ quan của cán bộ hải quan, chắc chắn sẽ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định này hoặc dẫn chiếu đến các quy định hiện có để bảo đảm tính minh bạch, hợp lý.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.