Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hà – TP Hà Nội

Thứ Tư 09:32 17-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có một số ý kiến đóng góp về dự án Luật khiếu nại như sau:

Trước hết tôi hết sức tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật khiếu nại trên cơ sở tách hai Luật khiếu nại, tố cáo thành Luật khiếu nại và Luật tố cáo. Đồng thời bổ sung, sửa đổi qui định hiện hành nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Nhìn chung dự thảo luật đã được chuẩn bị kỹ, các qui định trong dự thảo luật đã được qui định một cách chặt chẽ và rõ ràng, việc mở thêm hướng giải quyết khiếu nại ngay trong qui trình giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ tạo điều kiện để cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức lựa chọn hình thức khiếu nại để yêu cầu xem xét lại quyền lợi chính đáng cho mình. Hơn nữa việc qui định về việc không thụ lý khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai Điều 13, Khoản 7, khiếu nại đã được tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết khiếu nại bằng bản án quyết định của tòa án Điều 13, Khoản 8 sẽ chấm dứt được tình trạng cơ quan hành chính cấp trên tiếp tục thụ lý khiếu nại đã được giải quyết và việc tổ chức, cá nhân tiếp tục khiếu nại kéo dài.

Về các vấn đề cụ thể tôi xin được góp ý như sau. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng các Điều 1, 2 và 4 theo tôi chưa thực sự phù hợp.

Thứ nhất, Điều 1 dự thảo luật không quy định phạm vi điều chỉnh là khiếu nại và giải quyết khiếu nại của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên trong Điều 4, Khoản 2 lại quy định khiếu nại, giải quyết khiếu nại của các đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo luật này. Như vậy luật không quy định phạm vi là các đơn vị sự nghiệp nhưng đương nhiên các đơn vị sự nghiệp khi giải quyết khiếu nại các cá nhân, tổ chức có liên quan khi khiếu nại phải tuân theo luật này. Đây là sự chưa thống nhất về đối tượng áp dụng của luật.

Thứ hai, Điều 1 chỉ quy định phạm vi điều chỉnh đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức mà chưa điều chỉnh đối tượng là viên chức. Thực tiễn ở các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa có sự phân biệt cụ thể giữa công chức và viên chức trong Luật cán bộ, công chức và các văn bản dưới luật vì trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp vừa có đối tượng là cán bộ, công chức vừa có đối tượng là công chức. Nếu dự thảo luật không quy định đối tượng này trong luật sẽ phát sinh các trường hợp khi viên chức trong cơ quan hành chính nếu thực hiện quyền được khiếu nại sẽ không được đảm bảo.

Thứ ba, dự thảo luật quy định phạm vi điều chỉnh gồm cả việc tổ chức tiếp công dân, việc đưa nội dung này vào điều chỉnh thể hiện sự coi trọng đối với hoạt động tiếp công dân. Tuy nhiên việc tiếp công dân chỉ là một khâu trong quy trình giải quyết khiếu nại. Hơn nữa trong quá trình tiếp nhận khiếu nại cơ quan có thẩm quyền có thể tiếp nhận trực tiếp hoặc nhận đơn qua đường bưu điện như Điều 10. Do đó, phạm vi điều chỉnh nên sửa thành: "Việc tiếp nhận khiếu nại trong đó bao hàm cả việc tổ chức tiếp công dân"

Với 3 lý do trên, tôi đề nghị sửa Điều 1 như sau: "Luật này quy định về khiếu nại, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước và cơ quan sự nghiệp công lập, khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hoạt động giám sát công tác giải quyết khiếu nại" Nếu theo ý kiến này dự thảo luật cần có những quy định để phân định các trường hợp tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tính đặc thù của 2 mô hình trên.

Hai, về khiếu nại không được giải quyết ở Điều 13, các văn bản hiện hành và thực tế giải quyết khiếu nại tại cơ sở cho thấy còn một trường hợp không thụ lý giải quyết như: đơn khiếu nại gửi nhiều cơ quan thuộc nhiều cấp đề nghị giải quyết, đơn thư không rõ nội dung, đơn thư không có chữ ký của người khiếu nại. Hơn nữa Điều 10, Khoản 5 quy định: "Trong trường hợp nhiều người khiếu nại cùng một nội dung, người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người viết đơn riêng để được giải quyết" Điều này đồng nghĩa với việc đơn khiếu nại tập thể không được thụ lý giải quyết. Do đó, đề nghị bổ sung 4 trường hợp: đơn khiếu nại gửi nhiều cơ quan thuộc nhiều cấp để đề nghị giải quyết, đơn thư không rõ nội dung, đơn thư không có chữ ký của người khiếu nại, đơn khiếu nại tập thể vào Điều 13.

Thứ ba, về tổ chức tiếp công dân Chương V của dự thảo luật quy định về hoạt động tiếp công dân để tiếp nhận việc khiếu nại, tố cáo và kiến nghị phản ánh là chưa thật sự phù hợp với tên gọi của luật và nội dung quy định trong dự thảo luật. Hơn nữa, tiếp công dân là một khâu được thực hiện trước việc giải quyết khiếu nại nhưng Ban soạn thảo lại đưa chương này vào sau các chương về giải quyết khiếu nại là chưa đảm bảo tính logic, theo tôi chỉ nên quy định riêng hoạt động tiếp công dân để tiếp nhận khiếu nại trong luật này. Đồng thời quy định hoạt động tiếp công dân, tố cáo trong Luật tố cáo và quy định thêm các trường hợp tiếp nhận các kiến nghị phản ánh của công dân. Chính vì vậy, tôi đề nghị đưa nội dung này vào sau Chương I những quy định chung để đảm bảo tính logic của trình tự tiếp nhận đơn khiếu nại và giải quyết đơn khiếu nại.

Thứ tư, về giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, theo tôi đã được quy định trong Luật hoạt động giám sát và Nghị quyết số 228 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi. Tuy nhiên, các quy định trên chưa quy định rõ về mặt thời gian, trình tự các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời. Do đó việc thụ lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân còn rất chậm. Bởi vì, qua hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội của Hà Nội chúng tôi thấy trong 2 tháng 8 và tháng 9 thì đoàn đã chuyển 2.465 đơn nhưng chỉ nhận được 934 văn bản trả lời, tức là khoảng 37,8% . Trong đó trả lời trong thời hạn là 716 đơn, bằng 29,05%. Chính vì vậy để khắc phục thực tế hiện nay, xin đề nghị quy định cụ thể việc tiếp nhận, thụ lý các khiếu nại của công dân do Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được chuyển đến theo trình tự, thủ tục của luật này. Đồng thời quy định trong thời hạn 5 ngày phải có văn bản báo cáo về việc tiếp nhận thụ lý và giải quyết khiếu nại, các tổ chức cá nhân có thẩm quyền nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 41 và Điều 46 của luật này.

Trên đây là một số đóng góp ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan