Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phan Văn Tường – Thái Nguyên

Thứ Tư 09:31 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản nhất trí với nội dung của dự án luật và xin góp ý kiến cụ thể vào 3 nội dung:

Mục 1, Chương III giải quyết khiếu nại. Tôi đề nghị thay bằng trách nhiệm giải quyết khiếu nại vì 4 lý do như sau:

Lý do thứ nhất, dùng trách nhiệm để thống nhất với các luật, đặc biệt hai luật mới ban hành, Luật cán bộ, công chức và Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước phù hợp với cải cách hành chính thay vì coi giải quyết khiếu nại là quyền và vấn đề việc làm thì bằng trách nhiệm giải quyết và vấn đề phải làm của cán bộ, công chức.

Lý do thứ hai, xuất phát từ thực tiễn được nhiều đại biểu đánh giá về công tác giải quyết khiếu nại. Tổ chức, cá nhân được pháp luật giao có thẩm quyền ấy thường nhường quyền, chia quyền hoặc thực hiện quyền ấy chưa tự giác và tích cực. Cấp trưởng thì giao cấp phó, thủ trưởng thì giao cơ quan, chưa thấy thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan nào đơn vị lạm quyền giải quyết đó. Xu hướng là thu hẹp, dưới thì gửi lên trên, trên thì chuyển xuống dưới. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu của khiếu nại kéo dài và khiếu nại đông người. Trong luật xác định khiếu nại là quyền của mọi công dân thì phải xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền mới tương xứng bao gồm cả chủ thể giải quyết, trình tự và phạm vi giải quyết.

Ý thứ tư là xác định trách nhiệm thuận lợi cho công tác giám sát, kiểm tra của nhân dân và các cơ quan dân cử. Xác định trách nhiệm theo tôi đề nghị theo hướng là trách nhiệm đến cùng với những quyết định, hành vi hành chính của người có thẩm quyền và phân định trách nhiệm đúng, sai và trách nhiệm liên đới, quyết định của cấp dưới thuộc quyền vì lý do sau: lý do thứ nhất là trách nhiệm đến cùng với quyết định, hành vi hành chính của mình trong trường hợp quyết định đó đúng pháp luật là thể hiện tính chiến đấu, trách nhiệm của công dân bảo vệ pháp luật trên cương vị người đứng đầu cơ quan, đơn vị là bản lĩnh của thủ trưởng, còn nếu sai thì đó là cầu thị và trách nhiệm về sai sót ấy thông qua khắc phục hậu quả. Đối với cấp dưới thuộc quyền khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, phân định rõ đúng, sai đây là thể hiện trình độ bản lĩnh trách nhiệm của cấp trên là năng lực cả về tổ chức và chuyên môn, nếu đúng phải kết luận là đúng, không chỉ bảo vệ pháp luật, bảo vệ chân lý mà còn tạo điều kiện cho cấp dưới làm việc được tin tưởng. Trường hợp quyết định hành chính, hành vi vi phạm của cấp dưới sai một phần, hoặc sai toàn bộ đồng thời kết luận rõ ràng và phương hướng giải quyết và xác định trách nhiệm của mình cùng cấp dưới khắc phục sai sót ấy. Do đó, tôi đề nghị soạn thảo chương này theo hướng trên, tức là xác định trách nhiệm của người có danh tính cụ thể giải quyết khiếu nại trong phạm vi quyền hạn được giao.

Ý thứ hai, tôi xin tham gia về khiếu nại đông người: Ý 5, Điều 10 trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại và cùng một nội dung thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn cho người viết đơn để được giải quyết, theo tôi thì không nên và nên giữ nguyên ý 4, Điều 61 cử đại diện để trình bày với người tiếp công dân trong trường hợp có nhiều người khiếu nại ở cùng một nội dung, vừa thuận tiện cho người tiếp công dân, nơi tiếp công dân và nhất là tạo điều kiện cho công dân, qua thực tiễn diễn biến và xu hướng của khiếu nại đông người trong các nguyên nhân, Chính phủ đã đánh giá một phần bất cập thay đổi về chính sách chủ yếu là về đất đai. Nguyên nhân này đúng, song không phải là chủ yếu vì chính sách chỉ áp dụng trên cả nước, nhưng trong tình hình từng tỉnh và cả nước không phải khiếu nại đông người tăng theo tỷ lệ thuận với việc thu hồi giải phóng mặt bằng mà theo tôi chủ yếu là do trách nhiệm như nêu ở phần trên.

Một lý do khác là do nhận thức của một số người dân về pháp luật, về chính sách còn hạn chế, rất có nhu cầu được tư vấn giúp đỡ trong quá trình đỏi hỏi quyền lợi mà hơn ai hết là những người cùng trong cảnh ngộ chia sẻ và cảm thông.

Thứ ba là sự trì trệ đùn đẩy của hệ thống bộ máy mà cần lấy số đông ở thời điểm nhạy cảm để tạo áp lực giải quyết. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu, xu thế hiện nay khiếu nại đông người là liên kết chặt chẽ và thông tin kịp thời và có đi, có lại, phụ thuộc lẫn nhau, liên tục và hài hòa lợi ích, nguồn lực do đóng góp một phần và do từ hiệu quả của các đợt khiếu nại trước sẽ là bình thường khi hiện trạng và của xu thế trên không bị kích động, lợi dụng nhưng xu thế đó phát triển phức tạp, khó lường khi bị kích động, lợi dụng từ mục đích này sang mục đích khác mà nhiều khi người trong cuộc không nhận ra. Do vậy xây dựng luật một mặt tích cực, chủ động, trách nhiệm giải quyết, mặt khác cũng phải tính đến việc lợi dụng khiếu nại đông người. Theo tôi là không nên cấm mà nên xây dựng một quy định về người đại diện, điều kiện cần và đủ để người đại diện khiếu nại, không chỉ tạo điều kiện cho công dân mà còn là hình thức gián tiếp tư vấn pháp luật của nhà nước.

Ý thứ ba, tôi xin tham gia vào Chương IV, việc tổ chức tiếp công dân được đề cập từ Điều 57 đến Điều 64, trách nhiệm, trụ sở, thời gian, hành vi bị cấm xử lý vi phạm. Tôi đề nghị thêm một nội dung nữa là trình tự và nội dung cơ bản của buổi tiếp công dân vào luật. Trong đó thông báo kết quả giải quyết khiếu nại từ phiên tiếp trước đến phiên tiếp sau một cách công khai bao gồm nội dung tiếp nhận đã giải quyết, đang giải quyết và việc không được giải quyết. Đây là đòi hỏi chính đáng của nhân dân và cũng là yêu cầu của cải cách hành chính, là thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của công chức, là hình thức làm việc công khai, rõ ràng và minh bạch. Tiếp công dân dưới nhiều hình thức, nhiều nơi và nội dung khác nhau là việc làm bình thường và thường xuyên của cán bộ, công chức nói chung và của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nói riêng, của cả đại biểu Quốc hội. Nhưng tiếp công dân trong Luật khiếu nại là tiếp có thể coi là ngoài ý muốn, thực tế đã chứng minh không tiếp do bận, thay đổi lịch tiếp, tiếp một cách hình thức, vì vậy, luật cần quy định cụ thể để tiếp dân là một chế độ công tác của thủ trưởng. Nếu buổi tiếp dân có thông báo kết quả giải quyết như trên thì rất nhiều tác dụng, thông báo đó giúp người khiếu nại biết được cụ thể việc của mình, từ đó có thái độ đồng tình hay phản đối, ít nhất cũng biết được việc của mình đã có người quan tâm. Thông báo công khai, rộng rãi để các cơ quan liên quan nắm đầy đủ thông tin, kể cả cấp trên, vì thực tiễn có một việc có thể khiếu nại đến nhiều nơi, nhiều cấp, có những đơn khiếu nại đã giải quyết lần hai nhưng vì trên không nắm được vẫn ghi vào đơn gửi về tỉnh yêu cầu giải quyết. Đồng thời khắc phục được tình trạng chuẩn bị thiếu chu đáo của cơ quan chuyên môn tiếp dân một cách hình thức của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, nếu làm như vậy sẽ tăng cường mối quan hệ công dân với các cơ quan, tổ chức. Nếu quyết định như vậy buổi tiếp công dân, tổ chức trong Luật khiếu nại thời gian đầu sẽ rất sôi động, nhưng chắc chắn thời gian sau thực hiện chất lượng các quyết định sẽ chất lượng cao hơn, hành vi cán bộ, công chức sẽ đúng pháp luật và ngày càng văn minh. Thông qua buổi tiếp công dân cũng là tự bồi dưỡng cho chính mình về mọi mặt. Do vậy Luật khiếu nại cần qui định cụ thể. Tôi cũng hình dung ra nếu mỗi tháng cấp tỉnh ít nhất tiếp công dân một lần và thông báo đầy đủ công việc khiếu nại đã giải quyết, đang giải quyết và việc không giải quyết. Đại biểu Quốc hội tiếp cận không chỉ là giám sát mà còn qua đó đánh giá tác động nhiều mặt của chính sách pháp luật đã ban hành. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan