Góp ý của ĐBQH Nguyễn Bắc Việt – Ninh Thuận đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:19 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ hop.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin được tham gia về một nội dung hết sức quan trọng đấy là về dự thảo Hiến pháp. Tôi sẽ tham gia về 4 quyền: quyền của Đảng, quyền của dân, quyền của Quốc hội và quyền của Chủ tịch nước.

Thứ nhất, về vai trò, vị trí của Đảng cộng sản Việt nam. Theo tôi ở Điều 4, cần thể hiện rõ tư tưởng của Bác Hồ thể hiện trong di chúc. Đảng ta là một Đảng cầm quyền và câu này đang được thể hiện ngay tại Hội trường của Quốc hội đang họp ở đây thì trên cánh gà thấy rõ câu này. Vì vậy, ở điều này theo tôi phải thể hiện rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 2, Khóa XI. Điều này thì nếu nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy Bác Hồ viết di chúc vào thời điểm năm 1965, thời điểm lúc bấy giờ Bác đang là Chủ tịch Đảng và là Chủ tịch nước, lúc bấy giờ thể chế chính trị đã là nhất thể hóa Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Bác mất thì chúng ta chưa có điều kiện sửa trong Hiến pháp năm 80, Hiến pháp năm 92, Hiến pháp năm 2001.

Theo tôi, Quốc hội nên cho ý kiến và mạnh dạn đưa Đảng cầm quyền vào và có thể nói bởi vì hiện nay chúng ta đang thực hiện nhất thể hóa này ở việc Bí thư hoặc Phó Bí thư là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, cấp huyện, cấp xã chúng ta đang thí điểm bí thư vừa là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Điều này đang được thể hiện và đã được thể hiện, điều này nếu thực hiện có thể nói về mặt quan hệ đối ngoại chúng ta sẽ xử lý được các vấn đề lâu nay đang băn khoăn trong quan hệ đối ngoại. Đấy là nội dung thứ nhất.

Nội dung thứ hai là về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Theo tôi một lần nữa vẫn phải thực hiện làm sao được tư tưởng của Bác đã thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập đó là "mọi người sinh ra ai cũng có quyền sống tự do, bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc". Nhưng ở trong dự thảo lần này Điều 21 nêu chưa rõ nghĩa, chỉ nói là "mọi người có quyền sống" nhưng sống như thế nào thì lại không nói, theo tôi phải nói rõ đó là "quyền sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc".

Thứ hai, về quyền con người và quyền công dân ở Điều 30, theo tôi ở Điểm 1 nên viết "công dân có quyền tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận nhận xét kiến nghị đối với cơ quan nhà nước, các tổ chức, các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn" đây là nội dung ta vừa tham gia nghị quyết này phải được thể hiện ngay trong Hiến pháp ở nội dung này. Đây là vừa quyền của nhân dân tham gia xây dựng chính quyền trực tiếp và gián tiếp ở chỗ này. Điều này thể hiện rõ đánh giá cả tổ chức, hoạt động của Quốc hội và điều hành của Chính phủ để cùng với các chức danh.

Thực tế vừa qua ngay như nghị quyết mà Chính phủ, Quốc hội ban hành nếu chúng ta nhìn nhận và có nhận xét của nhân dân thì chúng ta sẽ có điều chỉnh trong chỉ đạo điều hành tốt hơn, còn về cơ quan nào thì ở phần sau chúng tôi sẽ có đề xuất. Ở Điều 30 này nên thêm một mục thứ ba trong này chưa nêu đó là "phải nghiêm cấm tổ chức, cá nhân ngăn cảm quyền của công dân tham gia xây dựng chính quyền" ở điểm thứ hai trong điều này.

Điểm thứ ba, Điều 31 cần bổ sung "công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý, điều tra dư luận xã hội, đánh giá sự tín nhiệm của nhân dânn đối với các tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, tức là Điều 31 phải thể hiện rõ điều này, đó là quyền của công dân.

Thứ ba, về quyền của Quốc hội và các tổ chức do Quốc hội lập. Điều 36 nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội ở Điểm 7 nên thêm một tổ chức nữa là Ủy ban điều tra dư luận xã hội, theo tôi cần phải có ủy ban này là một cơ quan độc lập cũng như kiểm toán nhà nước, đây là cơ quan gần như tổ chức nhân dân để nhân dân được tham gia đánh giá và kết quả này điều tra này cùng với việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng ủy ban này sẽ còn làm nhiệm vụ nữa là đánh giá hoạt động, kể cả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ trong từng thời gian, từng định kỳ hàng năm.

Điểm 8 theo tôi cần viết lại đánh giá tín nhiệm đối với tổ chức và người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu, phê chuẩn. Nên thể hiện như vậy và ở điểm này thể hiện rõ tư tưởng sinh hoạt phê bình và tự phê bình. Lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ xem xét kỷ luật mà ở đây tinh thần tự phê bình, phê bình là làm tốt thì khen, sai thì phê bình kiểm điểm, ta mới chỉ lưu ý đến phê bình kiểm điểm mà chưa có ý biểu dương khen thưởng ai làm tốt, ai có sự tín nhiệm cao. Như vậy, Quốc hội sẽ có sự nhìn nhận để khi cân nhắc bổ nhiệm bố trí cán bộ.

Thứ tư, về các tổ chức do Quốc hội lập, như ở trên Chương X theo tôi cần phải có Ủy ban điều tra dư luận xã hội. Ủy ban này có các nhiệm vụ cơ bản như kiểm toán nhưng sẽ rộng hơn như trên chúng tôi đã phân tích.

Về Chủ tịch nước, để gắn với nhất thể hóa theo tôi Chủ tịch nước cần có thêm một quyền đó là tổ chức Hội nghị chính trị đặc biệt như Hiến pháp năm 1959 đã xác định mà trong chống Mỹ Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị đặc biệt khi bàn và quyết các vấn đề quan trọng, lúc đó quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ. Xin hết.

Các văn bản liên quan