Góp ý của ĐBQH Phạm Văn Tấn – Nghệ An đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:19 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Về lời nói đầu tôi đồng ý với việc giải trình là kế thừa, bảo đảm tính cô đọng và xúc tích nhưng tôi phân vân và đề nghị 2 việc;

Phân vân về việc Hiến pháp năm 1992 nêu khái quát như sau: Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhưng Hiến pháp sửa đổi thì phần tương ứng này lại cụ thể ví dụ như nó phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có thể xem đây là những quy định về các chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa thì tôi thấy nó không khái quát bằng Hiến pháp năm 1992.

Hai, tôi phân vân về chế định về an ninh, quốc phòng, trong này đọc kỹ nhưng thấy nó không rõ. Tôi đề nghị cụm từ "thực hiện công bằng xã hội" vào ngay sau cụm từ "tôn trọng bảo đảm quyền con người, quyền công dân" vì ở hai nội dung này nó có quan hệ liên quan. Ngay sau nội dung "phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" thì đưa cụm từ "giữ vững phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát triển khoa học công nghệ" vì đây là cả hệ thống về chế độ kinh tế văn hóa liền nhau thì nó phù hợp hơn.

Ý kiến thứ hai, Điều 42 được sửa đổi, bổ sung từ Điều 59 của Hiến pháp năm 1992, tôi so sánh thấy Hiến pháp năm 1992 có 6 nội dung, dự thảo có 2 khoản. Tuy vậy, các nội dung của Hiến pháp năm 1992 cơ bản được dự thảo sửa đổi sử dụng. Chỉ còn quy định bậc tiểu học là bắt buộc không phải trả học phí là không được đưa vào dự thảo sửa đổi. Nhưng theo giải trình của Ủy ban sửa đổi, bổ sung nói rằng thay quy định bậc tiểu học là bắt buộc không phải đóng học phí bằng việc Nhà nước quy định phổ cập giáo dục nhằm mở ra khả năng Nhà nước có thể quy định các cấp học khác về phổ cập nhưng tại bổ sung thì không có. Giải trình thì nói bỏ việc quy định bậc tiểu học bắt buộc và học sinh không phải trả học phí để mở rộng các cấp học có thể buộc phải phổ cập. Nhưng lại không có trong sửa đổi, bổ sung. Tôi đề nghị phần này cũng được nghiên cứu để bổ sung kỹ hơn.

Thứ ba, tôi đồng ý với bổ sung chế định mở rộng bầu cử quốc gia. Tuy vậy, với kết cấu thành hai điều là Điều 121 và Điều 122, tôi thấy có thể gộp hai điều thành một điều, vì cả năm khoản của hai điều này là sự thống nhất, liên kết của việc Hội đồng bầu cử quốc gia do ai thành lập, cơ cấu của nó, quyền hạn, nhiệm vụ của chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Cho nên hai điều này có thể nhập thành một điều được, tổ chức lại thành một điều.

Việc thứ tư, tôi đề nghị bổ sung, làm rõ, bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất chế định nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng cách hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại biểu, các cơ quan khác của Nhà nước.

Điều 120 của dự thảo được sửa đổi, bổ sung từ điều 125 của Hiến pháp năm 1992 thì Ủy ban Dự thảo giải trình là cơ bản giữ vững về mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước ở địa phương với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội như Hiến pháp năm 1992. Điều này được quy định là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân lắng nghe ý kiến kiến nghị của các tổ chức này, nói chính xác là Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội về việc xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu vẫn tiếp tục quy định như thế này, tôi thấy chưa đầy đủ vì chỉ lắng nghe thôi thì mới chỉ ở hành vi tiếp nhận thông tin từ kiến nghị và ý kiến.

Tôi có xem lại từ điển mới đây nhất thì lắng nghe chỉ là tập trung sức chú ý để nghe âm thanh thôi, tất nhiên Hiến pháp năm 1959 cũng sử dụng từ "lắng nghe" nhưng tôi thấy từ "lắng nghe" nó không đủ hết các hành vi trách nhiệm trong việc tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể. Đó là lý thứ nhất.

Lý thứ hai là yêu cầu trong tham gia quyền lực Nhà nước của công dân thông qua các cơ quan đại diện như thế là chưa hết. Hơn nữa, tại Khoản 2 Điều 30 của dự thảo có ghi Nhà nước công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận phản hồi ý kiến kiến nghị của nhân dân.

Thứ ba, thực tế chính quyền gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã thực hiện tiếp thu phản biện và phân công, phân loại tổ chức giải quyết báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Tuy trong thực tế chưa đáp ứng yêu cầu nhưng việc này đã làm cho mối quan hệ này tốt hơn và yêu cầu ngày càng cao hơn, cho nên tôi đề nghị sử dụng từ "lắng nghe" trong quan hệ này phải được xem xét lại.

Vấn đề thứ năm, Khoản 3, Điều 126, sửa đổi, bổ sung Điều 147 của Hiến pháp năm 1992 nội dung này có liên quan đến việc Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp năm 1992. Tôi đồng ý với nội dung đã được bổ sung vì những giải trình của Ủy ban dự thảo Hiến pháp là phải cụ thể hóa, đòi hỏi chặt chẽ khoa học bởi tính quan trọng của việc lắng nghe Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và Điều 126 cũng đã đáp ứng được điều này.

Tại Khoản 3 điều này quy định Ủy ban dự thảo Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp và trình Quốc hội xem xét. Tại Khoản 6 của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân cũng xác định Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1992 căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội có trách nhiệm ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân chỉnh lý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét. Những nội dung như trên tôi thấy nội dung Khoản 3 điều này phải là Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban dự thảo Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến nhân dân chứ không phải Ủy ban dự thảo Hiến pháp có quyền trực tiếp làm việc này bởi vì kể cả Nghị quyết và thực tiễn đã diễn ra kiểu này. Vì vậy tôi đề nghị thêm cụm từ đằng trước là: Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban dự thảo Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan