Góp ý của ĐBQH Phạm Thị Phương – Hà Tĩnh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:20 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin trình bày một số ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:

Tôi đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Tờ trình của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã trình bày. Tôi xin đề cập đến một số quy định ở Chương II của dự thảo. Tôi đồng tình việc đưa Chương quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ Chương V của Hiến pháp năm 1992 lên Chương II của dự thảo sửa đổi và đổi tên là "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân", điều này khẳng định nhà nước ta tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền con người và quyền công dân là hai phạm trù rất gần gũi nhưng không đồng nhất. Vì vậy, đề nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp xem xét làm rõ phạm trù quyền con người để khi người dân tiếp cận với dự thảo Hiến pháp dễ hiểu và không bị nhầm lẫn.

Bố cục Chương II nên sắp xếp lại các điều cho logic, khoa học hơn. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Vân - Hải Phòng, có thể sắp xếp theo trình tự sau: Những nguyên tắc chung, quyền con người, quyền công dân, nghĩa vụ công dân và các điều kiện, cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền hiến định.

Thực tế cho thấy không Hiến pháp của quốc gia nào có thể hiến định được tất cả các quyền của con người, quyền công dân. Hiến pháp chỉ quy định quyền cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo tính khả thi cao. Theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế không có quyền nào được coi trọng hơn quyền nào. Điều này dẫn tới yêu cầu phòng ngừa, coi nhẹ các quyền con người, quyền công dân không phải là quyền được quy định trong Hiến pháp. Đề nghị có thêm một điều quy định rõ việc hiến định các quyền trong Hiến pháp không có nghĩa phủ nhận hay hạ thấp các quyền khác của con người, của công dân như Hiến pháp của một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc đã quy định.

Một số điểm cụ thể ở Chương II, Điều 28 và Điều 39 về giới và bình đẳng giới. Trong dự thảo ở Điều 39 khi thì ghi nam trước khi thì ghi nữ trước để thể hiện sự bình đẳng giới. Theo tôi là chưa thống nhất và khi thực hiện về giới chỉ quy định là nam và nữ thì đã đủ chưa. Thực tế hiện nay, đã và đang có hiện trạng là người lưỡng giới, đồng tính. Đề nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp làm rõ nội dung này.

Ở Điều 8 Mục b Chương II, nghĩa vụ và quyền lợi công dân của Hiến pháp năm 1946 quy định ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những công dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương tiện để tiến kịp trình độ chung. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước ta về đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tinh thần này chưa thể hiện rõ trong dự thảo sửa đổi.

Từ những lý do trên, tôi đề nghị Điều 28 sửa lại như sau:

"1. Công dân không phân biệt giới, dân tộc có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

2. Nhà nước có chính sách đảm bảo quyền bình đẳng giới, bình đẳng dân tộc trên mọi lĩnh vực. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ, người dân tộc thiểu số nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới và dân tộc."

Về Điều 50. Đoàn kết dân tộc là một truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay cần được giữ gìn và phát triển. Dự thảo quy định công dân có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quy định như vậy mới thể hiện được tính kế thừa mà chưa thể hiện được tính phát triển. Vì vậy, đề nghị sửa lại là công dân có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cuối cùng, đề nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp tục nghiên cứu để có một cơ chế chặt chẽ, có những quy định đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền mà Hiến pháp đã quy định, nhất là các quyền cơ bản của con người, của công dân, mọi vi phạm quyền cơ bản của con người, quyền của công dân, vi phạm Hiến pháp đều được cơ quan Bảo Hiến chuyên trách xem xét và xử lý. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan