Góp ý của ĐBQH Đinh Xuân Thảo – TP Hà Nội đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:04 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một vấn đề mà trong thảo luận tổ có nhiều ý kiến khác nhau, chắc chắn khi lấy ý kiến của nhân dân sẽ có nhiều ý kiến về vấn đề này, đó là vấn đề chế định sở hữu đất đai. Tôi tán thành với quy định về sở hữu đất đai tại Điều 58 và Điều 59 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật, bởi vì những lý do sau:

Thứ nhất, chế định sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối địa tô phù hợp với sở hữu toàn dân, bảo đảm công bằng, ngăn ngừa khả năng để một số ít người chiếm dụng phần lớn địa tô một cách bất hợp lý, tạo điều kiện để cho người dân được tiếp cận bình đẳng và trực tiếp đối với đất đai và xóa bỏ tình trạng một nhóm người dùng độc quyền sở hữu đất đai để bóc lột người sử dụng đất.

Thứ hai, chế định sở hữu đất đai toàn dân là sự ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta, nó phù hợp với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền và dù đất đai là do tự nhiên sinh ra, song vốn đất đai quý báu ngày nay mà có được là do công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam tạo lập nên, vì vậy nó phải được thuộc về sở hữu của toàn dân.

Thứ ba, với điều kiện là một nước nông nghiệp khoảng 70% là nông dân thì bình quân về đất sản xuất canh tác trên đầu người của Việt Nam thì thuộc vào loại thấp nhất thế giới thì đất đai là nó có một vị trí rất quan trọng trên nhiều phương diện chính trị, kinh tế, xã hội. Đất đai trước hết là lãnh thổ quốc gia, là tài nguyên quý giá của quốc gia đồng thời đất đai là tư liệu sản xuất và đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp là điều kiện vật chất để đảm bảo việc làm, đời sống ổn định cho hàng triệu gia đình nông dân. Mặt khác trong lịch sử quan hệ đất đai ở nước ta thường có nhiều biến động qua từng thời kỳ, chính sách pháp luật đất đai ở mỗi giai đoạn phát triển thì cũng có những nét đặc thù riêng và do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan nên có những vấn đề đất đai do lịch sử để lại. Việc thiết lập chế định sở hữu toàn dân về đất đai đã góp phần vào việc giữ ổn định quan hệ đất đai, tránh gây những sáo trộn không cần thiết và duy trì sự ổn định về chính trị, xã hội là tiền đề rất quan trọng để phát triển đất nước.

Thứ tư, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện hành thì không làm hạn chế đến quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Vì họ đã được quy định có các quyền sử dụng mà nội hàm quyền sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật Việt Nam thì nó cũng gần như là đầy đủ các quyền của một chủ sở hữu đất đai ở các nước mà có đa sở hữu về đất đai.

Thứ năm, xét dưới khía cạnh quản lý đất đai thì đi đôi với việc giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài của người sử dụng đất thì Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất là tài sản của người sử dụng đất và trao cho người sử dụng đất thực hiện các quyền giao dịch tài sản đối với các quyền sử dụng đất, tiến hành việc cấp giấy chứng nhận, xác nhận bảo hộ quyền hợp pháp cho họ. Như vậy, quy định này có ưu điểm quan trọng là giữ được ổn định của quan hệ đất đai, ngăn ngừa những xung đột, phức tạp về mặt xã hội, mặt lịch sử có thể nảy sinh, nếu thay đổi hình thức sở hữu đất đai ở nước ta. Đồng thời quy định như vậy cũng phù hợp với chủ trương của Đảng là tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tiếp tục kế thừa sở hữu toàn dân về đất đai của Hiến pháp 1992 hiện hành như trong dự thảo là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đây có một điều, tôi đề nghị đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm lưu ý vì cũng tại kỳ họp này, Quốc hội có xem xét về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Về vấn đề chế định sở hữu đất đai, quy định giữa dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Luật đất đai sửa đổi vênh nhau về chế định thu hồi đất. Đối với Khoản 3, Điều 59 của dự thảo Hiến pháp chỉ quy định là trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có đền bù theo quy định của pháp luật. Như vậy tức là theo Hiến pháp dự thảo ở đây quy định là chỉ thu hồi trong 3 trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Trong khi đó, tại dự thảo về sửa đổi Luật đất đai quy định ngoài 3 lý do đó, còn thêm 2 lý do nữa đó là mục đích phát triển lợi ích công cộng tại Điều 53 và điều kiện phát triển kinh tế xã hội Điều 54, điều này chúng ta phải thống nhất bởi lẽ hai văn bản này song hành nhưng Luật đất đai sẽ dự kiến thông qua vào tháng 5 trong khi đó Hiến pháp đến tháng 11 mới thông qua. Vậy nếu Luật đất đai thông qua có 5 trường hợp được thu hồi đất sau đó đến Hiến pháp mà chỉ có 3 trường hợp thì như vậy sẽ rất khó xử lý. Đề nghị Quốc hội quan tâm nội dung này. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan