Góp ý của ĐBQH Trần Văn Độ – An Giang đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:02 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ phát triển bổ sung năm 2011 đã có sự bổ sung quan trọng về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, thể hiện đúng bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó là trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ có sự phân công phối hợp mà còn có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong tổ chức thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các Hiến pháp trước đây nhất là Hiến pháp năm 1992 cơ chế phân công và phối hợp đã được quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng. Còn cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được đề cập nhiều, vì vậy bổ sung quan trọng này trong cương lĩnh của đảng cần được thể chế hóa một cách đầy đủ trong Hiến pháp đạo luật cơ bản của nhà nước ta.

Chúng tôi thấy rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng thể hiện tư tưởng kiểm soát quyền lực nêu trên, đó là đã xác định rõ ràng các cơ quan lập pháp Quốc hội, hành pháp Chính phủ và tư pháp Tòa án. Quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, của Chính phủ, của Chủ tịch nước, của Tòa án và phần nào đã thể hiện được cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ở trong dự thảo.

Tuy nhiên, theo tôi trong dự thảo cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực được thể hiện chưa đầy đủ, chưa triệt để so với các cơ chế phân công và phối hợp quyền lực. Để có cơ chế kiểm soát trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn làm cơ sở hiến định cho việc ban hành các Luật Tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp tôi có 4 đề nghị như sau:

Một là bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, bởi vì theo quy định là cơ quan hành pháp Chính phủ đương nhiên triển khai thực hiện các nghị quyết, luật của Quốc hội hay nói cách khác hành pháp đã bao gồm chấp hành. Hơn nữa thuật "người chấp hành" dễ bị hiểu nhầm Chính phủ là cơ quan cấp dưới của Quốc hội trái với nguyên tắc phân công và kiểm soát thực hiện quyền nhà nước.

Hai là nghiên cứu, bổ sung hoặc chuyển một số cơ quan thành cơ quan trực thuộc của Quốc hội để tăng thẩm quyền giám sát của Quốc hội như là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền giám sát tối cao. Cần nghiên cứu trao cho Quốc hội những công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát kiểm soát của mình đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Cụ thể là:

Thứ nhất là cơ quan kiểm toán nhà nước đã có nhiều đại biểu phát biểu.

Thứ hai là cơ quan bảo hiến có chức năng giải thích Hiến pháp và tài phán. Theo chúng tôi cơ quan này có quyền tạm đình chỉ hiệu lực của quy phạm pháp luật tại Hiến pháp. Ví dụ trong Luật Đất đai năm 2003 và Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 có hai quy định mâu thuẫn nhau về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Chúng ta phát hiện nhưng không có một cơ chế tạm đình chỉ quy phạm pháp luật của Luật Đất đai cho đến mãi năm 2011 chúng ta mới có Luật sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại, cho nên 6 năm tròn các tranh chấp về đất đai trong nhân dân không được giải quyết và tòa án cũng tạm đình chỉ xử lý, dẫn đến căng thẳng, gây nên bức xúc trong xã hội, trong nhân dân. Nếu có cơ quan bảo hiến phán quyết rằng quy định của Luật đất đai về thẩm quyền như vậy không phù hợp, tạm đình chỉ quy định đó chẳng hạn, như vậy chúng ta sẽ áp dụng Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 để xử lý, rõ ràng như thế sẽ không xảy ra tình trạng khiếu kiện về đất đai rất nhiều như thời gian gần đây.

Thứ ba, nhất trí với đại biểu Trần Đình Nhã là chuyển Viện kiểm sát trực thuộc Quốc hội với các văn phòng ở địa phương để giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Ở đây tôi không nhất trí với một số đại biểu cho rằng Viện kiểm sát chỉ kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật. Tôi cho rằng Viện kiểm sát có cả chức năng kiểm sát việc ban hành văn bản và cả hoạt động để kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật. Nhiều cử tri khi tiếp xúc với chúng tôi cho rằng nếu có một cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của Quốc hội trực thuộc Quốc hội thì có lẽ những vụ việc như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra.

Vấn đề thứ tư, đổi ngân hàng Nhà nước thành ngân hàng Trung ương và trực thuộc Quốc hội như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện để Quốc hội có công cụ hữu hiệu trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao của mình, không để tình trạng rất nhiều quyết định trong chính sách tiền tệ, tín dụng, các khoản chi rất lớn, đặc biệt lớn nhưng Quốc hội chúng ta không biết.

Thứ năm, về Ủy ban chống tham nhũng, chúng tôi đã trình bày khi thảo luận Luật phòng, chống tham nhũng, chúng tôi không trình bày lại.

Ba là rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan phù hợp với chức năng, không để Quốc hội thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng hành pháp, không để các cơ quan Chính phủ thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng lập pháp và các cơ quan tư pháp, Tòa án thực hiện các quyền hạn, chức năng hành pháp.

Bốn là bổ sung Khoản 4 Điều 10 dự thảo giao cho Tòa án tối cao chức năng giải thích luật, bao gồm cả ban hành án lệ, là cơ quan có chức năng áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật, bản án có hiệu lực của tòa án là cách thể hiện đúng đắn nhất quy phạm pháp luật được áp dụng. Như vậy, Tòa án thực hiện chức năng giải thích luật thông qua việc áp dụng pháp luật, ban hành các bản án quyết định, tức là án lệ, tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó nhiều hình thức giải thích luật xưa nay tòa án đã thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tôi đồng ý với dự thảo giao cho Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao sau khi được Quốc hội phê chuẩn, bởi vì theo Đề án Cải cách tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao sẽ chỉ có 15 thẩm phán được bổ nhiệm vô thời hạn. Những nội dung nêu trên với tòa án là phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị với Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Đề án với Mô hình tổ chức tòa án nhân dân được sự đồng thuận cao trong Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Trung ương cũng như Bộ Chính trị. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan