Góp ý của ĐBQH Nguyễn Đình Quyền – TP Hà Nội đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:02 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Nhiều đại biểu bàn về tên của bản Hiến pháp, tôi đề nghị và có thể khẳng định, đây là Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bởi vì những nội dung, những nguyên lý, những nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến pháp năm 1992 vẫn được kế thừa và hoàn thiện trong bản Hiến pháp này, đặc biệt những vấn đề liên quan đến chính thể, mối quan hệ giữa Nhà nước công dân đó là quyền con người và quyền công dân. Đấy là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, nội dung của Hiến pháp các nước quy định chủ yếu nhất là về vấn đề chính thể, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân hay nói khác đi là quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, tôi đề nghị những quy định về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, môi trường thì chỉ quy định khái quát và hạn chế quy định trong dự thảo Hiến pháp này để bảo đảm tính lâu bền của bản Hiến pháp.

Vấn đề thứ ba là trong này chúng ta thay thế chế định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân bằng chính quyền địa phương thì nhiều đại biểu đã nói, Nhà nước ta là Nhà nước được tổ chức đơn nhất, không phải là Nhà nước liên bang. Vì vậy, chúng ta quy định về chính quyền địa phương trong này trái với nguyên lý, đồng thời nội hàm của chính quyền địa phương trong dự thảo Hiến pháp không rõ.

Vấn đề thứ tư, tôi đề nghị Hiến pháp khẳng định 2 vấn đề rất quan trọng, đó là quyền sở hữu tài sản là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, Hiến pháp của rất nhiều nước đã quy định vấn đề này và đây là tư tưởng xuyên suốt để xác định mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, liên quan đến vấn đề sở hữu tài sản.

Thứ hai, đề nghị Hiến pháp nâng tầm quyền sử dụng đất từ Bộ luật Dân sự nên hiến định đó là quyền sử dụng đất là quyền về tài sản, vấn đề này đã được quy định trong Bộ luật dân sự, nhưng nếu được quy định trong Hiến pháp thì nó là một trong những kênh chỉ đạo xuyên suốt để chúng ta hoạch định chính sách liên quan đến những vấn đề về đất đai.

Trong Hiến pháp lần này quy định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là câu rất nhiều các Hiến pháp của các nước quy định, kể cả Hiến pháp dân quyền của Pháp, Hiến pháp của Mỹ. Tuy nhiên quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì quyền lực đó được thể hiện dưới phương diện gì thì Hiến pháp lần này đã làm rõ hơn là dưới phương diện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tuy  nhiên những nội hàm của dân chủ trực tiếp ở trong bản Hiến pháp hiện nay chúng ta còn khá mờ nhạt. Chúng ta mới chỉ có  một chế định trưng cầu dân ý mà chúng tôi cho rằng là dân chủ trực tiếp còn được thể hiện ở rất nhiều các khía cạnh, ví dụ như sắp tới chúng ta có tiến tới bầu một số chức danh trong bộ máy nhà nước hay không? bầu trực tiếp do dân bầu hay không? thì chúng ta cũng phải có quy định mở ra hoặc dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua việc mà quy định tiếp cận thông tin của nhân dân v.v... chúng tôi đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa chế định về quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong bản Hiến pháp này.

Tiếp theo chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quy định về kiểm toán nhà nước là một cơ quan độc lập mà do Quốc hội thành lập như là bản dự thảo Hiến pháp. Tuy nhiên, vì là cơ quan do Quốc hội thành lập thì người đứng đầu đó tôi đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước được bầu trong số các đại biểu Quốc hội.

Về Hội đồng bầu cử, đây là một chế định rất lâu đời ở nhiều nước trên thế giới, Hội đồng bầu cử này báo cáo với Quốc hội, người ta làm rất nhiều việc không chỉ bầu cử chính quyền ở Trung ương, chính quyền ở địa phương, Hôi đồng nhân dân và Quốc hội mà Hội đồng bầu cử này nó đảm nhiệm những công việc liên quan đến trưng cầu dân ý liên quan đến việc mà bầu một số chức danh do nhân dân trực tiếp bầu rồi liên quan đến việc lấy ý kiến nhân dân về một số những vấn đề không phải là mang tính chất trưng cầu dân ý, nó làm rất nhiều việc trong đó có những Hội đồng bầu cử ở các nước, trong đó còn có cả Viện nghiên cứu về vấn đề bầu cử để hoàn thiện cơ chế bầu cử đảm bảo quyền của người dân hơn nữa.

Nội dung tiếp theo đó là gì, chúng ta vẫn quy định lại Thủ đô là Hà Nội, nhưng tôi đề nghị bổ sung thêm một chế định quan trọng đó là Thủ đô được ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù theo luật định. Bởi vì mỗi lần mà chúng ta thường liên quan đến Thủ đô thì rất nhiều tranh cãi, có những thành phố trực thuộc Trung ương nói là tất cả những cái đó về Thủ đô không khác gì với thành phố trực thuộc Trung ương cả, cho nên đây là một quy định mà cũng rất nhiều Hiến pháp ở trên thế giới quy định là: Thủ đô được ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù do luật định.

Thứ hai, về kỹ thuật lập hiến tôi thấy bản Hiến pháp lần này viết quá dài và tính khái quát chưa cao, chưa bảo đảm sức sống lâu bền của nó, tính khái quát trong Hiến pháp chúng ta không thể quy định mang tính chất liệt kê được. Có những điều trong Hiến pháp này chúng ta vẫn liệt kê và liệt kê như vậy không bao giờ đủ, không đảm bảo tính khái quát.

Ví dụ Khoản 2, Điều 55 quy định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tôi thấy ghi như vậy là đủ rồi, còn tiếp theo đoạn: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố phát triển, kinh tế tư nhân là một trong những động lực kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển v.v... Tôi cho rằng đoạn 2 này vừa thừa và vừa không đúng bởi vì nếu kinh tế tư nhân là động lực phát triển vậy thì kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã có phải là động lực phát triển không, cho nên cách thức quy định trong Hiến pháp vừa thừa, vừa thiếu, nó không bảo đảm tính khái quát. Tôi đề nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và Ban soạn thảo cần phải đảm bảo tính khái quát để dự thảo Hiến pháp có thể tồn tại được lâu và chúng ta không phải bổ sung theo định chế mang tính chất chiến lược v.v... Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan