Góp ý của ĐBQH Đỗ Văn Đương – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:01 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Quyền lực Nhà nước không phải tự nhiên sinh ra, mà xuất phát từ nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì mọi hoạt động của các cơ quan công chức Nhà nước phải phục vụ và vì lợi ích của nhân dân. Nguyên lý là như vậy, nhưng người ta thường bị tác động bởi nhiều vào tình cảm với những khát vọng quyền lực, tiền bạc và cả dục vọng. Vì thế mà dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, tha hóa quyền lực Nhà nước đi ngược lại lợi ích của ông chủ là nhân dân.

Tất yếu đó đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền. Trong dự thảo đã có một số chế định về kiểm soát quyền lực Nhà nước nhằm thể chế quan điểm của Đảng ta. Nhưng để đậm nét hơn và rõ nét hơn cơ chế này, tôi xin trao đổi thêm như sau:

Thứ nhất, tôi đề nghị bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi một hệ thống quyền lực. Chẳng hạn như phải làm rõ để giải quyết được mối quan hệ của sự tương tác giữa nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ý thứ hai, tôi tán thành với nhiều quy định của dự thảo nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát của lập pháp với hành pháp như bổ sung quyền Quốc hội quyết định cơ cấu số lượng các thành viên Chính phủ Điều 101 và bỏ quy định mỗi ủy ban của Quốc hội có một số thành viên chuyên trách. Đây là một chủ trương để từng bước tăng số lượng đại biểu chuyên trách, để độc lập, khách quan hơn trong việc xét báo cáo, ấn nút biểu quyết các dự án do Chính phủ trình, chất vấn và phê bình các thành viên của Chính phủ.

Thứ ba, tôi tán thành dự thảo bổ sung các thiết chế giúp Quốc hội có thanh công cụ để kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp như Ủy ban Lâm thời Điều 84. Theo tôi, vấn đề này rất quan trọng.

Để nghiên cứu thẩm tra một dự án hoặc điều tra một vấn đề đại biểu nào đó, chẳng hạn như điều tra các vụ việc sai phạm nghiêm trọng ở tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tuy nhiên tôi cũng đề nghị phải bổ sung thêm quy định về dựa trên kết quả kiểm tra, thanh tra đó Quốc hội ra quyết định gì tương ứng. Ví dụ như yêu cầu phải chấm dứt một dự án, đình chỉ hoạt động của công trình hoặc yêu cầu Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại những quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng.

Thứ ba, tôi đề nghị thành lập kiểm toán Nhà nước một chế định độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng tôi đề nghị làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán không chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia mà còn các nguồn lực khác của quốc gia. Đặc biệt, phải làm rõ nguyên tắc tổ chức hoạt động của chế định này độc lập, không song trùng trực thuộc để đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán. Nhân đây tôi đề nghị cũng giống các chế định khác, Tổng kiểm toán Nhà nước nên để cho Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị như dự thảo. Để rõ nét hơn cơ chế kiểm soát Nhà nước tôi cũng thiết tha đề nghị thành lập chế định thanh tra Nhà nước độc lập giống như kiểm toán Nhà nước thì nó phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và đúng cơ cấu kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Thứ tư, việc kiểm soát vấn đề ban hành văn bản pháp quy là một vấn đề rất quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước của bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta thảo luận trong mấy ngày qua và thực tế thấy cội nguồn của lạm quyền và các nhóm lợi ích chính là ở việc ban hành các văn bản pháp quy trái với Hiến pháp và pháp luật. Chính vì vậy trong điều kiện chúng ta không tổ chức các thiết chế khác, theo tôi cũng không nên, như tòa bảo hiến, giám sát viện, bộ giám sát các nước thì tôi đề nghị giao trách nhiệm kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật trước đây cho Viện kiểm sát với tư cách là một thiết chế sẵn có. Nhưng chỉ giúp Quốc hội giám sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành những văn bản có tính chất pháp quy của các cơ quan từ cấp bộ trở xuống, còn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước là giám sát tối cao những văn bản của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao rất phù hợp với điều kiện của đất nước chúng ta cả về nhân lực, bộ máy và khắc phục tối đa khoảng trống chưa có cơ chế kiểm soát văn bản pháp quy của chính quyền địa phương và cấp bộ hiện nay. Theo đó, chức năng Viện Kiểm sát không chỉ là thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp và có có lẽ quan trọng phải ghi thêm mấy chữ là thực hiện các nhiệm vụ khác do luật định cho phù hợp.

Thứ tư, ở đây tôi đề cập đến một vấn đề về chính quyền địa phương trong mối quan hệ tương tác giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, tôi tán thành với tên chương trong dự thảo là không quy định chương Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và đổi tên thành chính quyền địa phương, nhưng như nhiều đại biểu nói đây mới là vỏ nhưng chưa đổi mới nội dung. Tôi thấy nhà nước ta là nhà nước đơn nhất hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tuy nhiên không phải cái gì Trung ương cũng quyết định cả và xuất phát từ đặc thù của mỗi địa phương, chính vì vậy theo tôi cần phải có sự phân công phân cấp hợp lý nhiệm vụ quyền hạn và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước Trung ương và các cơ quan nhà nước ở địa phương đến đâu như thế nào. Xác định rõ địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trên nguyên tắc thống nhất quyền lực của Trung ương, bảo đảm phát huy tính chủ động tự quản, tích cực của chính quyền địa phương, địa vị được quyết định những gì về mặt hành chính, kinh tế xã hội trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật như chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn được thu thuế cao hơn, phạt hành chính cao hơn như luật hiện hành quy định.

Liên quan đến vấn đề giám sát của nhân dân, tôi đề nghị trong Hiến pháp lần này nên quy định chế định về trưng cầu ý dân với nội dung để xác định phúc quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia và hệ quả của việc trưng cầu ý dân trong dự thảo mới chỉ nói đến thủ tục và thẩm quyền. Xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan