Góp ý của ĐBQH Trần Văn Bản – Bình Định đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:01 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tôi xin góp một số ý cụ thể như sau:

Chương II quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Điều 17 sửa đổi, bổ sung Điều 52 Khoản 2 ghi "không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vì bất kỳ lý do nào". Theo tôi nên bỏ cụm từ "vì bất kỳ lý do nào", vì không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa, đồng thời tránh mâu thuẫn với Khoản 3 của điều này.

Điều 18 sửa đổi, bổ sung Điều 49 Khoản 3 "công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giao nộp cho Nhà nước khác". Đề nghị bỏ chữ "nhà" để phạm vi rộng hơn, vì ngoài yêu cầu của Nhà nước vẫn còn những tổ chức khác yêu cầu thì lúc đó sẽ rất khó cho chúng ta. Đồng thời cần làm rõ cụ thể trong câu văn, do đó cần bổ sung, chỉnh sửa cho đầy đủ và toàn diện hơn. Chúng tôi dự kiến sửa là "Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam, công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giao nộp cho nước khác".

Điều 24 sửa đổi, bổ sung Điều 73 Khoản 1 "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở", cụm từ này chưa rõ nghĩa, sẽ rất khó thực hiện. Đồng thời tại Điều 37 nhiều nội dung có thể bổ trợ cho nhau để làm rõ nghĩa, theo tôi nên gộp hai điều này thành một điều và bổ sung, chỉnh sửa như sau:

Một là công dân có quyền có nơi ở hợp pháp, có quyền được bảo vệ, bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Hai, Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở.

Ba, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Điều 63 sửa đổi, bổ sung Điều 39 và Điều 40, Khoản 1 ghi: Phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Tôi đề nghị thay cụm từ này bằng cụm từ kết hợp đông y và tây y vì những lý do sau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1946, ở đông y Trung ương và Hội đồng y các tỉnh ở Trung Bộ được thành lập, ngày 3 tháng 6 năm 1957 Chính phủ quy định tái thành lập Hội đồng y, sau đó tiếp tục thành lập phòng đông y, Viện nghiên cứu đông y trực thuộc Bộ Y tế và thành lập phòng đông y, Bệnh viện Đông y thuộc ty y tế, Sở y tế ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã có các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về đông y như Chỉ thị số 101 ngày 15 tháng 3 năm 1961 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đông y, Chỉ thị 21 ngày 19 tháng 02 năm 1969  của Chính phủ về tăng cường công tác nghiên cứu đông y, kết hợp đông y và tây y, Nghị quyết 22 ngày 14 tháng 05 năm 1973 của Bộ Y tế về việc chấn chỉnh công tác đông y và kết hợp đông y với tây y. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng danh từ đông y trong các văn bản, kể cả thư gửi cho cán bộ ngành y tế nhân ngày 27 tháng 02 năm 1955. Lý do có sự thay đổi đông y thành y học cổ truyền là do năm 1980 một số cán bộ, thày thuốc e ngại sự nhầm lẫn giữa đông y Việt Nam và đông y Trung Quốc, do đó đã đề nghị đổi thành y học cổ truyền dân tộc và sau đó hoàn thành y học cổ truyền. Thực tế đông y bao gồm 3 lĩnh vực:

Một là y học dân gian gồm các ông lang, bà mế và nhân dân dùng các môn thuốc, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh đơn giản để chữa bệnh thông thường cho cộng đồng dân cư.

Hai là y học cổ truyền gồm các lương y có phương pháp chữa bệnh hoặc bài thuốc gia truyền trong gia đình, dòng tộc lưu truyền từ đời này, sang đời khác.

Ba là y học hàn lâm đông y gồm những lương y đã học các tư liệu đông y kinh điển một cách hệ thống, có lý luận uyên thâm, có tay nghề cao về y, nho, lý, số. Nếu chúng ta dùng cụm từ y học cổ truyền thì chỉ đại diện được cho một nhóm đối tượng. Mặt khác cụm  từ y học hiện đại không có trong từ điển tiếng Việt. Hiện tại các văn bản của Đảng và nhà nước gồm có Quyết định 02 ngày 11/1/2001 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ đã quyết định Hội y học cổ truyền lấy lại tên là Hội đông y. Chỉ thị 24 ngày 4/7/2008 của Ban bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về phát triển nền đông y và Hội đông y Việt Nam trong tình hình mới. Vì những lý do trên chúng tôi đề nghị đổi cụm từ "kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền" bằng cụm từ "kết hợp đông y và tây y" trong Hiến pháp sửa đổi.

Điều 64, sửa đổi và bổ sung, Điều 67 tôi nhất trí như dự thảo nhưng đề nghị sắp xếp đổi từ vị trí từ Khoản 2 lên Khoản 1 và từ Khoản 1 xuống Khoản 2. Chương X, Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước, phần này nên chia thành 2 chương vì hai chế định này không liên quan đến nhau, chúng tôi cũng thống nhất như ý kiến của đại biểu Hà Minh Huệ ở tỉnh Bình Thuận. Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm hiến định địa vị pháp lý của Hội đồng bầu cử Trung ương quy định trong Luật Bầu cử hiện hành.

Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Kiểm toán là cơ quan do Quốc hội thành lập hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Vì những lý do trên tôi đề nghị tách thành 2 chương riêng là bố cục như sau: Chương X Hội đồng bầu cử quốc gia gồm các Điều 121 và 122 như trong dự thảo. Chương XI Kiểm toán  nhà nước gồm các Điều 123, 124 trong dự thảo, riêng Điều 124 Khoản 2 cần quy định rõ thời gian báo cáo của Tổng kiểm toán vì kiểm toán nhà nước là cơ quan có vai trò quan trọng trong quản trị quốc gia thông qua các hoạt động nghiệp vụ để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải nắm bắt kịp thời sử dụng những công cụ của mình để giám sát việc thực thi pháp luật, để đảm bảo an ninh, kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Vì vậy trong luật phải quy định rõ thời gian báo cáo Quốc hội, tôi xin đề nghị bổ sung chỉnh sửa Khoản 2, Điều 124 như sau: "Tổng kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội một năm 2 lần trong kỳ họp Quốc hội và hai lần trong của Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Vấn đề thứ hai, về việc ban hành nghị quyết lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo tôi luật lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp là cần thiết. Trên đây là ý kiến đóng góp của tôi. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan