Góp ý của ĐBQH Trần Xuân Vinh – Quảng Nam đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 11:00 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây;

Thứ nhất, về một số vấn đề chung Dự thảo Hiến pháp cần xác định rõ những vấn đề nào quy định khái quát, những vấn đề nào quy định cụ thể và cụ thể đến mức độ nào để làm cở sở cho việc hoàn chỉnh, bổ sung. Ví dụ thứ hai, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân một số điều quy định rất cụ thể một số nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh cụ thể của một số luật chuyên ngành. Trong khi đó Chương IX về chính quyền địa phương quy định còn chung chung, chưa nêu bật được vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đặc biệt vai trò trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp.

Về lời nói đầu đoạn cuối đề nghị xem xét bổ sung nội dung bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì đây là nhiệm vụ, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về những góp ý cụ thể, Chương I: Về chế độ chính trị. Điều 4, đề nghị xem xét bỏ cụm từ "đồng thời là đội tiên phong" vì phía trước có cụm từ "Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong" để khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo tôi không nên dùng khái niệm "đồng thời" và để lô gich với phần tiếp theo của đoạn này tôi đề nghị xem xét viết lại Điều 4 như sau: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Điều 8, Khoản 1, đề nghị bổ sung thêm cụm từ "Hiến pháp" vào trước cụm từ "pháp luật" và được viết lại như sau: nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.

Về Chương II, về quyền con người, về nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khoản 3, Điều 17, đề nghị bổ sung từ "hạn chế" vào sau từ "giới hạn" để xác định rõ hơn về quyền con người, quyền công dân và chỉ có thể bị giới hạn, bị hạn chế bằng luật trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe, đạo đức, lợi ích quốc gia, cộng đồng hoặc do công dân vi phạm pháp luật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kính thưa Quốc hội, nhân đây tôi xin phép được chuyển lời biết ơn của bà con cử tri tỉnh Quảng Nam đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học chân chính đặc biệt là sự quan tâm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các quí vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến sự cố thấm nước, động đất thủy điện Sông Tranh 2. Tuy  nhiên khi Quốc hội chúng ta đang bàn bạc về sửa đổi Hiến pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì ngày hôm qua 15 tháng 11 khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã liên tục xảy ra 2 trận động đất dữ dội làm rung chấn đến Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi làm người dân đã bất an nay càng bất an hơn.

Kính thưa Quốc hội, nhắc đến đạo trị quốc, đến tư tưởng lấy dân làm gốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng và nhà nước ta lấy làm bài học, làm phương châm xuyên suốt để lãnh đạo đất nước trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy nhân dân tin tưởng rằng Đảng, Quốc hội, nhà nước và đại biểu Quốc hội sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế với số vốn đã đầu tư cho Thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống đã được Hiến pháp đề cập đó là tính mạng của hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nếu sự cố vỡ đập Sông Tranh 2 sẽ xảy ra. Đây không chỉ là nỗi lo, là trách nhiệm và trăn trở của chính quyền của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam, các tỉnh, khu vực thành phố ở miền Trung mà còn là trách nhiệm là đạo đức của Đảng của cả hệ thống chính trị của chúng ta.

Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục khoa học, công nghệ và môi trường, khái niệm sở hữu toàn dân quy định tại Điều 52 chưa được minh bạch, phân định rõ ràng những tài sản là sở hữu toàn dân được nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân, tổ chức kinh tế quản lý khai thác phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế thì họ có quyền nghĩa vụ như thế nào. Trong trường hợp này ai sẽ là người có quyền năng thực sự, đây là chỗ trống cần được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp. Những thiệt hại về rừng, về tài nguyên khoáng sản, những thất thoát về vốn, về tài sản làm thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua là minh định, minh chứng rõ ràng cho vấn đề này.

Điều 46 về an sinh xã hội, đề nghị bổ sung đối tượng là người yếu thế vì người yếu thế có nhược điểm về thể chất và tinh thần nhưng chưa đến mức trở thành người khuyết tật vì vậy, đề nghị xem xét Hiến pháp cần phải bảo hộ về chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng này. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan