Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thành Bộ – Thanh Hoá đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:59 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu toàn văn dự thảo Hiến pháp 1992, về cơ bản, tôi nhất trí với bố cục chương, mục, điều, khoản trong dự thảo. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần thiết phải hoàn thiện, tôi xin được trình bày ý kiến của mình để Quốc hội xem xét. Về một số vấn đề cụ thể.

Điều 3 dự thảo ghi: Nhà nước bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, theo tôi nên bỏ cụm từ này, sau từ đảm bảo giữ nguyên cụm từ "về mọi mặt" sau từ "quyền làm chủ". Như vậy, Điều 3 sửa đổi, bổ sung như sau: Nhà nước đảm bảo quyền làm chủ mọi mặt của nhân dân, nếu quy định như trong dự thảo thì việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân lại là chức năng của Nhà nước thực hiện song song với việc đảm bảo quyền làm chủ đó, không phải là sự chủ động. Ngoài ra nếu không bổ sung từ "mọi mặt", quyền làm chủ của nhân dân lại được hiểu chung chung và không đầy đủ. Quy định như góp ý nêu trên, một mặt khẳng định được Nhà nước đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ về mọi phương diện. Mặt khác, đảm bảo kỹ thuật lập pháp, vì việc đảm bảo quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân cũng chính là cơ sở để nhân dân chủ động phát huy quyền làm chủ của mình.

Hai là về Điều 4 dự thảo ghi: Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Theo tôi nên bỏ cụm từ "đồng thời là đội tiên phong", trước cụm từ "của nhân dân lao động". Vì trùng lặp cụm từ này trong điều luật, điều luật đã khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân". Như vậy để đảm bảo vai trò, vị trí của Đảng là đội tiên phong của ai thì cần nêu đúng đối tượng là của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Ba, về Điều 48 dự thảo ghi "công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, phản bội tổ quốc là tội nặng nhất". Theo quy định của Bộ luật hình sự thì không có khái niệm tội nặng nhất mà chỉ quy định 4 mức tội theo khung hình phạt là tội ít nghiêm trọng có mức đến 3 năm tù, tội nghiêm trọng quy định khung hình phạt có mức đến 7 năm tù và tội rất nghiêm trọng quy định khung hình phạt có mức đến 15 năm tù và tội đặc biệt nghiêm trọng có mức trên 15 năm tù, chung thân, tử hình. Do đó để đảm bảo đúng thuật ngữ pháp lý quy định của Bộ luật hình sự nên bỏ cụm từ "phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất" thay vào cụm từ phải bị trừng trị thích đáng.

Bốn, về Điều 76 dự thảo quy định 15 nhiệm vụ cụ thể của Quốc hội. Theo tôi cần bổ sung thêm Khoản 16 về các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Quốc hội quyết định. Bởi lẽ quy định trong Điều 76 của dự thảo là liệt kê cụ thể những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Quốc hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động Quốc hội còn thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn khác phát sinh. Vì vậy, cần phải quy định bổ sung Khoản 16 nêu trên để vừa đảm bảo quyền hạn của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp, đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý để Quốc hội kịp thời quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước phát sinh trong hoạt động.

Năm, về Điều 109 trong dự thảo đã bổ sung một nguyên tắc quan trọng, có tính đặc thù của hoạt động xét xử, đó là tranh tụng tại phiên tòa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động xét xử, phù hợp với quan điểm của cải cách tư pháp. Ngoài ra cần bổ sung thêm khoản về nguyên tắc hai cấp xét xử của tòa án, tòa án thực hiện hai cấp xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Tôi cho rằng cần đưa nguyên tắc này trở thành nguyên tắc hiến định để đảm bảo quyền, hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án đảm bảo quyền được kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm của bị cáo, đương sự và của viện kiểm sát trong vụ án.

Sáu, Điều 110 dự thảo tôi cũng thống nhất một số ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi, tôi xin bày tỏ thêm những quan điểm của mình. Cần sửa Khoản 4 về toà án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết xét xử ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Việc khẳng định hình thức duy nhất hướng dẫn áp dụng pháp luật của tòa án nhân dân tối cao là ban  hành văn bản quy phạm pháp luật không chỉ đảm bảo cho việc xét xử của tòa án phải dựa trên quy định của pháp luật mà còn đảm bảo tính thống nhất, mang tính bắt buộc chung với hệ thống tòa án trên cả nước khi áp dụng pháp luật. Quy định như vậy cũng tránh tình trạng tùy tiện hướng dẫn áp dụng pháp luật bằng các công văn chỉ thị.

Ngoài ra kiến nghị với Quốc hội cho phép Tòa án nhân dân tối cao ban hành án lệ thông qua thực tiễn công tác, tổng kết xét xử. Việc cho phép Tòa án nhân dân tối cao xây dựng án lệ và sử dụng án lệ trong hoạt động xét xử vừa kế thừa được thành quả xét xử vừa đảm bảo được chuẩn mực xét xử của tòa án trong từng loại việc cụ thể khi chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Xin được thiết kế vào Khoản 4 của Điều 10 dự thảo như sau: "Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết xét xử ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và ban hành án  lệ". Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan