Góp ý của ĐBQH Hồ Trọng Ngũ – Vĩnh Long đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:59 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa quý vị khách quý,

Trong thời gian cho phép tôi chỉ xin nêu ý kiến của mình về hai vấn đề; Một vấn đề về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và một vấn đề về nghị quyết.

Về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tôi cho rằng dự thảo được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và chủ trương đường lối của Đảng. Bước đầu đã tập hợp được một cách khá rộng rãi ý kiến của các tầng lớp nhân, của các cơ quan tổ chức, các nhà khoa học. Trong khuôn khổ thời gian cho phép, tôi xin thể hiện quan điểm của mình về một vấn đề tôi cho rằng cần phải thảo luận đầu tiên đó là tên gọi của Hiến pháp sau lần sửa đổi này. Theo tôi, để xác định đúng đắn tên gọi của bản Hiến pháp này chúng ta cần làm rõ thế nào là căn bản, mấu chốt sẽ được sửa đổi, bổ sung và phát triển.

Các bản Hiến pháp từ năm 1946, 1959, 1980, 1992 đều ra đời với những bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của dân tộc ghi nhận và phản ánh những thành tựu cũng như những nhiệm vụ chiến lược của cách mạnh Việt Nam, bổ sung, sửa đổi các quy định có ý nghĩa nguyên tắc căn bản chế độ chính trị, văn hóa, xã hội của tổ chức nhà nước, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Mỗi bản Hiến pháp đó đều đã thể hiện sửa đổi, bổ sung các chế định Hiến pháp một cách phù hợp với sự chuyển đổi thay thế sửa đổi, bổ sung đường lối cuộc cách mạng của từng thời kỳ, phù hợp với điều đó là những quy định đặc trưng trong mỗi bản Hiến pháp về chế độ kinh tế, chế độ chính trị, hệ thống tổ chức quyền lực nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân. Vậy, Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ phản ánh đặc điểm lịch sử, bước ngoặt lịch sử gì, sẽ sửa đổi, bổ sung những điều căn bản gì, điều gì sẽ bảo đảm để chúng ta có một bản Hiến pháp có sức bền ít ra 30 - 50 năm tới.

Điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề tên gọi của bản Hiến pháp lần này, logic của vấn đề là ở chỗ nếu khẳng định được những mấu chốt làm căn cứ quan trọng để sửa đổi thì rõ ràng bản Hiến pháp sửa đổi lần này xứng đáng có tên gọi là Hiến pháp năm 2012. Nếu vẫn giữ nguyên tên gọi Hiến pháp năm 1992 thì tôi hình dung chúng ta thừa nhận rằng bản Hiến pháp năm 1992 mới không có gì căn bản mới mà chỉ sửa đổi những điều không căn bản và nếu như vậy chúng ta đã làm khác với nguyên tắc quan điểm dư luận phổ biến Hiến pháp là một bản văn thiêng liêng và không phải muốn sửa lúc nào cũng được.

Tôi không đồng ý với một vài ý kiến đã phát biểu ở Hội trường khi cho rằng bản Hiến pháp năm 1992 có quá nhiều sai sót, nhất là trong các vấn đề chính sách, xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, nếu nhìn không rõ thì dễ đi đến một quan niệm sai lầm rằng sửa đổi Hiến pháp lần này là sự sửa sai. Theo tôi cần nhìn lại hoàn cảnh lịch sử ra đời của Hiến pháp năm 1992 và phải khẳng định rằng Hiến pháp năm 1992 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó và vì thế đã đến lúc cần nghiên cứu, sửa đổi nhưng vẫn trên tinh thần kế thừa, bổ sung và phát triển.

Riêng tôi thấy rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này đã ra đời trong điều kiện lịch sử cũng đã có những bước ngoặt lịch sử mới. Dự thảo Hiến pháp cũng đã thể hiện nhiều tư tưởng pháp luật đổi mới một cách căn bản, thể hiện nhất quán những điều được khẳng định trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và khắc phục một cách căn bản những bất cập do hoàn cảnh lịch sử có nhiều thay đổi lớn của Hiến pháp năm 1992.

Phải chăng đó là kinh tế thị trường của Nhà nước pháp quyền. Nếu như khi xây dựng Hiến pháp năm 1992, chúng ta mới bắt đầu chập chững vào kinh thế thị trường và bắt đầu tìm tòi từng bước khẳng định những nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì sửa đổi Hiến pháp lần này khẳng định kinh tế thị trường, khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là sự hội nhập hoàn toàn của đất nước ta vào đời sống quốc tế.

Vì thế, tôi đề nghị Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện rõ và tuyên bố để quốc dân, đồng bào thấy được những vấn đề hệ trọng, cốt lõi sẽ được sửa đổi, bổ sung và phát triển trong Hiến pháp lần này.

Đồng thời với điều đó, tôi đề nghị cân nhắc lại tên gọi của Hiến pháp. Phải chăng Hiến pháp lần này là Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2012 hoặc là Hiến pháp sửa đổi, bổ sung, phát triển năm 2012. Tức là vận dụng phương pháp tư duy như khi ta xây dựng Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng

Ý kiến thứ hai, về dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Tôi cho rằng, dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, cách biểu đạt trong tờ trình, trong nghị quyết, mục đích của việc lấy ý kiến nhân dân chưa được chính xác.

Theo tôi, mục đích của việc lấy ý kiến phải được thể hiện rõ ngay là nhằm huy động trí tuệ và thống nhất ý chí của toàn dân để hoàn thiện bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ghi như trong tờ trình dự thảo thì có thể hiểu nhầm rằng việc lấy ý kiến chủ yếu nhằm phát huy quyền làm chủ và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trong khi đó, trong trường hợp cụ thể này thì việc phát huy quyền làm chủ và nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức chỉ là điều kiện và cách thức để huy động trí tuệ và thống nhất ý chí của toàn dân để đi đến một bản Hiến pháp sửa đổi thực sự là một bản Hiến pháp hoàn thiện, thể hiện một cách đầy đủ, đúng đắn khoa học, ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, tôi đề nghị ở Điều 2 chỉ nên để lại Khoản 2, nhưng thể hiện thêm nội dung là huy động được trí tuệ, thống nhất ý chí của toàn dân. Còn các nội dung ghi ở Khoản 1 và Khoản 3 nên chuyển về Điều 3 vì đó là những yêu cầu quan trọng để bảo đảm thực hiện đúng đắn tinh thần lấy được ý kiến của nhân dân.

Tên của nghị quyết nên đề là nghị quyết về việc lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bởi lý do chúng ta không nên mặc định ngay tên gọi của bản Hiến pháp mới. Vì đây cũng là vấn đề cần được tập trung trí tuệ của nhân dân và phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Thứ hai là cụm từ dự thảo sửa đổi Hiến pháp là không chính xác, không trong sáng về phương diện ngôn ngữ. Cũng trên tinh thần đó, tôi đề nghị bổ sung vào Điều 4 của nghị quyết về nội dung, hình thức lấy ý kiến. Điểm 2 nêu rõ cần tập trung đóng góp ý kiến để bảo đảm Hiến pháp thể hiện nhất quán và hoàn thiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan