Góp ý của ĐBQH Đỗ Thị Hoàng – Quảng Ninh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:58 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi xin bày tỏ thống nhất cao của mình đối với quá trình chuẩn bị cũng như các quan điểm phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình. Tôi xin được không trình bày lại một số các ý kiến mà nhiều đại biểu trước tôi đã nói trùng, tôi xin được tham gia trực tiếp vào một số vấn đề như sau.

Thứ nhất, về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca quy định tại Điều 13, tôi đồng ý với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thanh Phương ở đoàn Cần Thơ về sự cần thiết quy định rõ tỷ lệ kích thước giữa chiều dài, chiều rộng và tỷ lệ của cánh sao so với chiều dài của cờ và cũng cần thiết phải quy định đỉnh của sao so với vị trí ở trong cờ. Có như vậy mới tránh được tình trạng ngược xuôi, to, nhỏ không đạt chuẩn.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy nhà nước, tôi đề cập đến hai nội dung:

Một là liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ trong công tác đối ngoại và Điều ước quốc tế. Tôi đề nghị bổ sung Khoản 2, Điều 76, quyền giám sát tối cao của Quốc hội về việc tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bổ sung Khoản 7, Điều 102 về thẩm quyền của Chính phủ thống nhất quản lý công tác đối ngoại, công tác Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quyết định phê duyệt gia nhập Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì Điều ước quốc tế không được coi là văn bản pháp luật của Việt Nam nhưng tạo ra các nghĩa vụ quốc tế ràng buộc đối với Việt Nam ta cam kết về nghĩa vụ tuân thủ Điều ước quốc tế là thể hiện cam kết nước ta là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời cũng tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè Quốc tế trong các trường hợp cụ thể nhất là liên quan đến chủ quyền. Vì thế ngoài việc bổ sung hai khoản ở hai điều liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ cần bổ sung Điều 12, Khoản 2 "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".

Thứ hai, tôi muốn đề cập đến nội dung đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được quy định tại Khoản 9 Điều 16 về thẩm quyền của Quốc hội thành lập và giải thể.

Khu kinh tế, theo nghĩa rộng rất đa dạng gồm nhiều tên gọi khác nhau như khu kinh tế tự do, khu gia công, khu chế xuất, khu khai thác, khu công nghệ là những khu có thể chế kinh tế và hành chính ưu đãi, ưu tiên, hấp dẫn với quy mô khác nhau. Quy mô quốc gia, quy mô liên biên giới, quy mô khu vực, địa phương và nhằm mục đích thu hút nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết lao động, thu hút công nghệ kỹ thuật cao, tăng cường xuất khẩu, sử dụng lợi thế về nguồn lực địa phương và thử nghiệm các thể chế hành chính kinh tế đặc biệt, các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời là điểm nhấn tạo sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của vùng phụ cận và là động lực phát triển của quốc gia.

Mô hình đặc khu kinh tế hiện được sự quan tâm của 135 nước với trên 3.500 khu kinh tế tự do. Ở Việt Nam, mô hình đơn vị hành chính kinh tế được đề cập tới vào cuối những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và đã được đề cập trong rất nhiều văn kiện của Đảng, của Nhà nước như Cương lĩnh Xây dựng đất nước, như Hiến pháp 1992, nghị quyết hội nghị giữa nhiệm kỳ Khóa VII năm 1994 và Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và các quyết định của Chính phủ về thành lập khu kinh tế như Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Mô hình phát triển các khu kinh tế ở Việt Nam dựa trên cơ sở phát triển đa ngành mà trọng tâm là công nghiệp và dịch vụ. Sự phát triển của các khu kinh tế được thực hiện chủ yếu thông qua phát huy các thế mạnh của địa phương và thử nghiệm các cơ chế, chính sách của địa phương. Với mục tiêu ưu tiên một khu vực, một địa phương, một đơn vị, một vùng, liên vùng đi trước, trải nghiệm trước, bứt phá, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển và hội nhập của đất nước.

Tuy nhiên, mặc dù đã được quy định trong Hiến pháp 1992 nhưng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mới chỉ đề cập đến trong Hiến pháp, trong Luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ như là một thẩm quyền của Quốc hội mà chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây có thể là một lý do mà từ khi ban hành Hiến pháp 1992 đến nay Quốc hội chưa có quyết định thành lập một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nào.

Trong khi xét trên tất cả các mặt về cơ sở lý luận thực tiễn và pháp luật đều có đủ lý do để đề cập đến mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt một cách đầy đủ hơn. Có điều trong những giai đoạn phát triển khác nhau với các điều kiện, lợi thế vùng, địa phương khác nhau cần có một quy mô, phạm vi, chế định khác nhau phù hợp. Do đó cần thiết phải đề cập đến mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt một cách đầy đủ trong sửa đổi bổ sung Hiến pháp và các luật liên quan. Đồng thời cũng cần thiết phải bổ sung mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, quy mô trực thuộc của các địa phương mà thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bên cạnh việc các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt quy mô lớn, cấp vùng, cấp tỉnh, quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội như quy định tại Khoản 9, Điều 76.

Thứ ba, về kỹ thuật lập pháp, lập hiến cần bố trí các chương, điều chặt chẽ và hợp logic hơn, làm rõ thể chế, tổ chức bộ máy chính quyền và trách nhiệm nghĩa vụ của tổ chức bộ máy nhà nước và con người cũng như công dân. Tránh tình trạng sử dụng quan hệ "con gà, quả trứng" được quy định tại Chương V, Điều 76, 78, 79 về tổ chức và trách nhiệm của Quốc hội. Về chi tiết xắp xếp lại tôi sẽ gửi văn bản kèm theo. Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội. 

Các văn bản liên quan