Góp ý của ĐBQH Lê Việt Trường – An Giang đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:58 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua 66 năm kể từ ngày Cách mạng tháng 8 thành công đến nay chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp, có thể nói nhân dân Việt Nam tự hào đã có một lịch sử lập hiến với 66 năm qua. Mỗi bản Hiến pháp có vai trò nhiệm vụ cụ thể nhưng đều đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước để chúng ta có một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như ngày hôm nay.

Vì vậy, ngoài 4 vấn đề lớn đại biểu Nguyễn Doãn Khánh đề nghị hôm trước là những vấn đề chung, tôi xin đề nghị một điểm thứ năm đó là chúng ta phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thành tựu mà các bản Hiến pháp đã đóng góp cho đất nước, phải làm đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho bản Hiến pháp này trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng rộng khắp, làm sao để toàn thể nhân dân Việt Nam trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp mà thực chất là xây dựng nhà nước.

Tôi xin đóng góp ý kiến vào Điều 6, Điều 6 thể hiện như trong dự thảo tôi thấy vừa không rõ, vừa có điều gì đó làm như chúng ta xa rời đi quyền lực nhà nước thống nhất bởi lẽ ở đây chúng ta đặt vấn đề là nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp thông qua các cơ quan đại biểu và các cơ quan nhà nước khác. Chúng tôi không rõ các cơ quan nhà nước khác ở đây là cơ quan nào bởi vì chúng ta từ trước đến nay theo quy định của Hiến pháp từ năm 1946 đến năm 1992 quyền lực nhà nước và nhân dân đều khẳng định thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện bằng hai hình thức đó là dân chủ trực tiếp đi bầu ra cơ quan đại biểu cho mình, ứng cử vào cơ quan đó và bỏ phiếu biểu quyết nếu được trưng cầu ý dân, đó là trực tiếp và gián tiếp là thông qua cơ quan do mình bầu ra đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân, vậy chúng ta còn cơ quan nào khác. Ở đây có liên hệ đến một ý kiến đề xuất từ Quốc hội Khóa IX đó là không phải chúng ta tổ chức quyền lực theo mô hình mà chúng ta đang làm hiện nay đó là tập trung vào Quốc hội và Quốc hội là cơ quan thay mặt cho nhân dân để lập ra các cơ quan khác và các cơ quan khác nhận quyền từ nhân dân nhưng thông qua Quốc hội.

Ở đây hình như là có ý tưởng sau này chúng ta còn có cơ quan đại diện nhà nước khác phải chăng chúng ta muốn hướng đến việc chúng ta sẽ bầu Chủ tịch nước trực tiếp, có phải như vậy không? Bởi vì ở đây còn có các cơ quan nhà nước khác nữa là đại biểu cho nhân dân. Cho nên chúng tôi đề nghị để tránh hiểu lầm là chúng ta rồi tiến tới sẽ thực hiện bầu các thiết chế khác mà trực tiếp là nhân dân bầu như kiểu bầu tổng thống ở các nước thì tôi đề nghị viết lại như sau: nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và gián tiếp thông qua cơ quan, đại biểu do mình bầu ra là Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và toàn bộ Chương IV là về bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi xin có ý kiến chung như sau:

Thứ nhất, chúng tôi đề nghị lần này chúng ta sửa đổi Hiến pháp 1992 nhưng trên tinh thần theo Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 có định hướng cho chúng ta, tức là chúng ta phải kế thừa tất cả những quy định mà vẫn còn phù hợp và trên nền đó chúng ta sửa đổi và bổ sung những nội dung cần thiết mới. Vì thế chúng tôi thấy rằng những quy định về lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì thông thường là nó có tính ổn định rất lâu, cho nên chúng ta phải lựa chọn trong các điều quy định trong Chương IV những nội dung nào mà thực sự cần thiết thì mới sửa đổi, còn không có tôi đề nghị nên giữ lại.

Trước hết, tên chương tôi đề nghị giữ lại là: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bởi vì hiện nay cũng đã có những ý kiến này, ý kiến khác ở trên mạng, người ta đang đặt vấn đề là những người mà hy sinh ở Trường Sa như thế có phải là bảo vệ Tổ quốc không? nếu ta nói bảo vệ Tổ quốc chung chung thì không phải là Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì người ta bảo như vậy những người đó cũng là bảo vệ Tổ quốc, vậy cũng phải công nhận là liệt sĩ, cũng phải cấp bằng, thì chúng ta giải thích như thế nào. Chúng tôi thấy tuy rằng nó chỉ là một cụm từ thôi, có người bảo để cũng được mà không để cũng được nhưng tôi cho rằng trong trường hợp này ở Chương IV là rất cần thiết phải để lại để chúng ta còn phân biệt được, còn có cách giải thích không sau này rất khó giải thích.

Thứ hai, về nghĩa vụ của công dân quy định ở Điều 49, tôi rất hoan nghênh và nhất trí cao về Ban dự thảo đã đưa nghĩa vụ thay thế vào đây nhưng nếu viết như thế này là "công dân phải làm nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ thay thế theo luật định" thì chúng ta lại đánh đồng nghĩa vụ thay thế này bằng nghĩa vụ quân sự là không phải. Bởi vì nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bắt buộc được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế nhà nước ở mức độ rất cao, nếu như anh cố tình không thực hiện là sẽ xử lý hình sự. Còn các nghĩa vụ khác như đóng góp, nghĩa vụ khác chúng ta xử lý hành chính hoặc cùng lắm bằng dân sự chứ không thể nào hình sự được. Cho nên chúng tôi đề nghị không thể viết chung như vậy và viết chung như vậy nó còn tạo ra một cách hiểu đây là quy định tùy nghi, nếu được thông qua thì bảo là anh chọn làm nghĩa vụ quân sự cũng được mà không thích làm quân sự thì làm nghĩa vụ khác. Nên tôi đề nghị sửa lại "công dân phải làm nghĩa vụ quân sự, trường hợp không được nhà nước gọi làm nghĩa vụ quân sự thì phải thực hiện nghĩa vụ thay thế". Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan