VCCI_Góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 323/2016/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá
VCCI_Góp y Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật
Kính gửi: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 9734/BNN-CBTTNS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam[1] có một số ý kiến như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Theo quy định tại Điều 1 Dự thảo thì Thông tư này “quy định về xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gồm XK-NK giống cây trồng, XK-NK giống vật nuôi, XK-NK nguồn gen…, NK thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)…”. Quy định như vậy dẫn tới cách hiểu là tất cả các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu 04 nhóm hàng hóa liệt kê đều phải thực hiện các thủ tục cấp phép theo Thông tư này.
Trong khi đó, theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP[2] (Phụ lục III – Danh mục hàng hóa XNK theo giấy phép, điều kiện; Mục III – Danh mục hàng hóa XNK theo giấy phép, điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT) – văn bản mà Thông tư đang hướng dẫn thì chỉ một số loại hàng hóa thuộc 04 nhóm hàng hóa nói trên thuộc diện XK, NK theo giấy phép, điều kiện. Ví dụ:
- Không phải tất cả các loại giống cây trồng, giống vật nuôi xuất khẩu mà là nhóm giống cây trồng – vật nuôi “quý hiếm” XK
- Không phải tất cả các loại thuốc BVTV nhập khẩu mà chỉ các loại thuốc thuộc 05 nhóm được liệt kê
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định tại Điều 1 theo hướng:
- Hoặc là quy định cụ thể ngay trong Điều 1 Dự thảo các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật phải cấp phép theo trình tự thủ tục quy định tại Thông tư này (căn cứ vào Phụ lục III Nghị định 69/2018/NĐ-CP)
- Hoặc là quy định “một số hàng hóa” tại Điều 1, và trong mỗi Điều khoản về cấp phép của mỗi loại sản phẩm trong Dự thảo thì quy định rõ về phạm vi của loại sản phẩm phải xin giấy phép.
- Về quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp (Điều 3)
- Về hồ sơ nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp (điểm b khoản 1)
So với Thông tư 45/2015/TT-BNNPTNT thì quy định tại Dự thảo về hồ sơ nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp kém thuận lợi hơn.
Ví dụ: theo quy định tại Thông tư 45, trường hợp giống cây trồng nhập khẩu lần thứ 02 trở đi để khảo nghiệm, sản xuất thử thì không cần nộp các loại giấy tờ như Tờ khai kỹ thuật, các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) đã nộp trong lần 1 (điểm b khoản 1 Điều 15). Trong khi đó, Dự thảo đã bỏ quy định về việc miễn nộp các loại giấy tờ này, đồng nghĩa với việc, khi nhập khẩu lần thứ 02 thì doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ như lần 1. Quy định như Dự thảo dường như là không cần thiết, bởi các thông tin các loại giấy tờ như Tờ khai kỹ thuật, các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý là không thay đổi giữa các lần nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thể tra cứu thông tin ở các tài liệu trong lần nhập khẩu đầu mà không cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp ở lần nhập khẩu thứ hai.
Để đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định về hồ sơ nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp như tại Thông tư 45 (miễn một số loại giấy tờđã nộp trước đó khi nhập khẩu lần hai trở đi).
- Về trường hợp nhập khẩu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư
Dự thảo quy định đối với trường hợp này, hồ sơ phải bổ sung “bản sao chụp chứng thực hoặc bản sao chụp mang theo bản gốc để đối chiếu văn bản phê duyệt hoặc chấp thuận chương trình, dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc dự án được doanh nghiệp phê duyệt theo quy định của pháp luật”.
Quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, theo đó chỉ một số ít các dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; và không có bất kỳ ràng buộc nào về việc phê duyệt dự án trong nội bộ của doanh nghiệp (vì vậy, trong đa số các trường hợp sẽ doanh nghiệp sẽ không thể cung cấp được loại tài liệu này).
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng chỉ cung cấp loại giấy tờ này nếu có (tức bổ sung thêm cụm từ “nếu có” sau các loại giấy tờ này).
- Một số góp ý khác
- Về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ
Từ Điều 3 đến Điều 8 Dự thảo quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục để được cấp các loại giấy phép, trong đó quy định khá cụ thể thời gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ.
Tuy nhiên thời gian để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của hồ sơ tính từ thời điểm nhận hồ sơ của doanh nghiệp lại không thấy quy định. Điều này sẽ khiến cho quy trình thủ tục trở nên thiếu minh bạch và thời gian giải quyết hồ sơ bị kéo dài.
Vì vậy để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ (khoảng 1-2 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ) của tất cả các thủ tục cấp phép quy định tại Dự thảo;
- Về quy định về nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp (Điều 4)
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì trong hồ sơ nhập khẩu để trồng khảo nghiệm, thử nghiệm phải có “văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại chấp thuận phương án và đề nghị cho nhập khẩu giống”. Dự thảo không quy định, cũng không dẫn chiếu văn bản có quy định về trình tự, thủ tục để có được văn bản này của Sở. Điều này có thể gây khó khăn cho đối tượng áp dụng.
Đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định trình tự, thủ tục này hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.
- Về hiệu lực thi hành
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc bãi bỏ/thay thế Thông tư 45/2015/TT-BNNPTNT tại điều khoản hiệu lực thi hành để thống nhất về văn bản quy định xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, tránh tình trạng có nhiều văn bản cùng quy định về vấn đề này cùng tồn tại và lúng túng trong áp dụng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Do thời hạn lấy ý kiến quá ngắn (ngày 19/12/2018 VCCI nhận được Công văn 9734 đề nghị cho ý kiến trước ngày 18/12/2018), VCCI không thể triển khai lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, các ý kiến tại Công văn này trên cơ sở nghiên cứu của cán bộ VCCI
[2] Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương