VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 323/2016/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá

Thứ Sáu 11:02 18-01-2019

Kính gửi: Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 15897/BTC-QLG của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 323/2016/TT-BTC ngày 16/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

Dự thảo đã sửa đổi 5 điều khoản tại Thông tư 323 theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn. VCCI đã tiến hành lấy ý kiến doanh nghiệp và hiện nay chưa nhận được phản hồi đối với các sửa đổi, bổ sung này.

Bên cạnh những sửa đổi tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa đổi, bổ sung thêm các quy định sau tại Thông tư 323:

  1. Về phạm vi, yêu cầu kiểm tra hoạt động thẩm định giá (Điều 7 Thông tư 323)

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 323 thì hồ sơ thẩm định giá được lựa chọn để kiểm tra là “những hồ sơ đã được phát hành trong thời kỳ kiểm tra hoặc thời kỳ khác theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra”.

Việc cung cấp hồ sơ thẩm định giá trong thời kỳ kiểm tra có thể thực hiện được, vì vẫn trong thời gian lưu trữ của doanh nghiệp, tuy nhiên nếu cơ quan yêu cầu cung cấp hồ sơ thẩm định giá trong thời kỳ khác, nằm ngoài thời gian lưu trữ bắt buộc (10 năm theo quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BTC) thì doanh nghiệp sẽ khó để cung cấp. Bởi vì, ngoài thời gian lưu trữ, doanh nghiệp không có trách nhiệm phải bảo quản các loại hồ sơ này.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định sửa đổi  điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 323 theo hướng, hồ sơ thẩm định giá được lựa chọn để kiểm tra là những hồ sơ đã được phát hành trong thời kỳ kiểm tra hoặc thời kỳ khác trong thời gian lưu trữ bắt buộc của hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.

  1. Về thời hạn kiểm tra (Điều 8 Thông tư 323)
  • Về thời hạn kiểm tra định kỳ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 323 thì “kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với một doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất một lần trong 4 năm tính từ ngày doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc tính từ lần kiểm tra liền kề trước đó”.

Quy định số lần kiểm tra định kỳ theo số tối thiểu trong một khoảng thời gian, có thể hiểu trong 4 năm, cơ quan nhà nước có thể kiểm tra doanh nghiệp không giới hạn về số lần kiểm tra. Điều này có thể tạo ra sự tùy nghi của cơ quan thực thi và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải đối diện với nguy cơ tiếp quá nhiều lần bị kiểm tra.

Việc kiểm tra định kỳ để đảm bảo doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật là cần thiết, tuy nhiên quy định về số lần kiểm tra cần được giới hạn theo hướng tối đa trong một khoảng thời gian để hạn chế tình trạng trên. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về số lần tối đa cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra định kỳ đối với một doanh nghiệp thẩm định giá trong 4 năm tính từ ngày tính từ ngày doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc tính từ lần kiểm tra liền kề trước đó.

  • Về các trường hợp kiểm tra đột xuất:

Một trong những trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất sẽ là “theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ” (điểm b khoản 2 Điều 8). Quy định này chưa đủ rõ về trường hợp sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất doanh nghiệp. Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ sẽ yêu cầu kiểm tra doanh nghiệp trong những trường hợp nào? Việc thiếu rõ ràng trong căn cứ kiểm tra của trường hợp này có thể khiến cho doanh nghiệp khó dự báo được các trường hợp mình sẽ bị kiểm tra và có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của mình.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 323 theo hướng quy định cụ thể các trường hợp Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ sẽ yêu cầu kiểm tra đột xuất doanh nghiệp thẩm định giá.

  1. Về trình tự đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu (Điều 32 Thông tư 323)

Điều 32 Thông tư 323 quy định về trình tự đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu nhưng lại không quy định rõ các yếu tố cấu thành thủ tục này, cụ thể:

  • Khoảng thời gian nào trong năm, doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ để đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá hay là doanh nghiệp có thể nộp bất kì thời điểm nào?
  • Thời hạn xem xét tính đầy đủ của Hồ sơ;
  • Hội đồng đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá sẽ xem xét và chấm điểm Hồ sơ trong khoảng thời gian bao lâu tính từ thời hạn nhận hồ sơ hợp lệ

Để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định tại Điều 32 Thông tư 323 những vấn đề trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 323/2016/TT-BTC ngày 16/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.