Góp ý của ĐBQH Trần Đình Nhã – Thừa Thiên – Huế đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:57 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu 2 vấn đề, vấn đề chiến tranh và hoạt động của Quốc hội trong thời chiến. Vấn đề thứ hai là tăng cường công cụ kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp.

Thưa Quốc hội, chiến tranh là điều không ai muốn nhưng buộc phải  nói đến thậm chí cả trong Hiến pháp. Chiến tranh hay tình trạng chiến tranh bao giờ cũng là một sự đảo lộn ghê gớm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là khi chiến tranh xảy ra Quốc hội sẽ hành động ra sao và đặc biệt khi do chiến tranh Quốc hội không thể họp được thì ai sẽ thay thế Quốc hội thực hiện vai trò lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Hiến pháp hiện hành của chúng ta quy định chưa rõ nội dung này. Phải chăng các nhà lập hiến cho rằng trong chiến tranh Quốc hội vẫn hoạt động bình thường hoặc có người còn lầm tưởng là khi đại bác đã gầm lên thì pháp luật im tiếng, luật lệ sẽ không còn cần thiết nữa. Chúng tôi cho rằng chiếnh tranh với đặc trưng là đấu tranh vũ trang có tổ chức theo những quy tắc nhất định, một khi đã xảy ra thì các hoạt động khác như chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa xã hội tuy có đảo lộn nhưng vẫn cần và theo sự điều  chỉnh của pháp luật. Vấn đề đặt ra là Hiến pháp phải tiên liệu được khi chiến tranh xảy ra chớp nhoáng hoặc khi chiến tranh kéo dài Quốc hội không thể họp được thì những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội ai sẽ làm thay.

Có ý kiến cho rằng đó sẽ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thường trực Quốc hội, nhưng không phải thế, vì nghiên cứu Hiến pháp hiện hành tại Khoản 9, Điều 91 chỉ quy định là Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược và trình Quốc hội phê chuẩn quyết định đó tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội. Như vậy, những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Quốc hội như quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình, quy định về tình trạng khẩn cấp các biện pháp đặc biệt khác để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia ở Khoản 12, Điều 84 và các quyền hạn khác của Quốc hội vẫn chưa được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có ý kiến cho rằng chiếu theo Điều 104 của Hiến pháp hiện hành trong trường hợp có chiến tranh Quốc hội có thể giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt. Có nghĩa là Hội đồng quốc phòng và an ninh được Quốc hội lập ra do Chủ tịch nước đứng đầu, khi có chiến tranh sẽ được Quốc hội giao nhiệm vụ thay Quốc hội thực hiện nhiệm vụ lập pháp thời chiến, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Đây là tiết diện của mô hình Hiến pháp năm 1946.

Thực tế trong 9 năm kháng chiến chống Pháp Quốc hội không họp được thì Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách những người đứng đầu cơ quan hành pháp, đồng thời cũng chính người đã ban hành hàng loạt sắc lệnh để điều hành đất nước. Viết những chế định Hội đồng quốc phòng an ninh trong Hiến pháp hiện hành, tiền thân là Hội đồng quốc phòng tối cao do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập trong kháng chiến chống Pháp đến Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 mới trở thành cơ quan hiến định.

Tôi cho rằng nên quyết định ý kiến nêu trên và làm rõ nội dung này trong Hiến pháp tại Điều 104 và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 95 là trong trường hợp có chiến tranh Quốc hội không thể họp được, Hội đồng quốc phòng, an ninh được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội quy định tại Điều 84 ngoại trừ quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Quy định như vậy sẽ biến Hội đồng quốc phòng, an ninh thành một chế định Hiến pháp độc lập, được Hiến pháp trao quyền khi có biến chứ không chờ Quốc hội. Ngộ nhỡ khi có chiến tranh xảy ra, chiến tranh kéo dài Quốc hội không thể họp được thì Hội đồng quốc phòng, an ninh có thể căn cứ vào Hiến pháp để hành đồng không vi hiến. Dĩ nhiên Hội đồng quốc phòng, an ninh phải báo cáo Quốc hội những việc đã làm của mình tại phiên họp gần nhất của Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền của Quốc hội trong chiến tranh và hòa bình quy định tại Khoản 13, Điều 76 dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi cho rằng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chỉnh sửa một mệnh đề là quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình thành quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và phê chuẩn ký kết hiệp ước hòa bình là chưa chuẩn xác, vì như vậy là thu hẹp thẩm quyền của Quốc hội, vấn đề chiến tranh và hòa bình theo tôi không chỉ là tuyên bố chiến tranh và phê chuẩn ký kết hiệp ước hòa bình mà còn nhiều quyết định khác nữa, không ngẫu nhiên mà Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, cơ quan lập hiến đều giao cho Quốc hội quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình. Bởi vậy đề nghị cân nhắc sửa đổi này. Theo tôi, tốt nhất là không nên sửa đổi.

Vấn đề thứ hai, về vấn đề tăng cường kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp. Một trong những điểm sáng được kỳ vọng vào nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI là Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh nguyên lý quyền lực phải được kiểm soát, phải dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Đáng tiếc là trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nguyên lý trên chưa được triển khai mạnh mẽ.

Xét từ hoạt động thực tiễn, thực hiện chức năng giám sát Quốc hội, chúng tôi thấy ngay cả Quốc hội chúng ta còn thiếu những chỗ dựa, những công cụ cần thiết, hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát tối cao.

Để thực hiện chức năng giám sát tối cao theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội chủ yếu dựa vào các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Song, do tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta được hoạt động không thường xuyên, đa số đại biểu Quốc hội là đại biểu kiêm nhiệm, không chuyên trách, nên chúng tôi hoạt động và kết quả giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là giám sát chuyên đề thời gian qua chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra và chưa đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân.

Để góp phần khắc phục bất cập này, chúng tôi đề nghị Hiến pháp cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát mà thực chất là kiểm soát quyền lực. Đó là hệ thống cơ quan chuyên trách độc lập do Quốc hội lập ra, báo cáo công tác trước Quốc hội.

Hiện nay, các cơ quan này, theo tôi chỉ gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài việc có thể quy định thêm ngay trong Hiến pháp lần này, các thiết chế như Hội đồng Hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng độc lập, tôi đề nghị nhân đây Quốc hội nghiên cứu và sửa quy định của Hiến pháp về viện kiểm sát nhân dân, trả lại cho viện kiểm sát nhân dân chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp mà Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận nhưng đáng tiếc là được sửa đổi, bổ sung đã bỏ đi cách đây  12 năm. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan