Góp ý của ĐBQH Hà Minh Huệ – Bình Thuận đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:57 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Đại biểu Quốc hội Ngô Đức Mạnh vừa rời Hội trường đi tiếp khách quốc tế, tôi xin phép Chủ tịch Đoàn cho phát biểu thế chỗ vì tôi cũng đã đăng ký từ hôm qua.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin trình bày ý kiến về một số vấn đề cụ thể của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Về tên gọi của Chương I là chế độ chính trị, cách đặt vấn đề đưa chế độ chính trị trở thành chương đầu có vẻ hợp lý nhưng xét về nội dung thì các Điều 1, Điều 11, Điều 13, Điều 14 nói về chủ quyền lãnh thổ quốc kỳ, quốc ca có vẻ như không phù hợp. Vì trong định chế chính trị thường quy định các vấn đề sau: quyền dân tộc cơ bản, bản chất giai cấp của nhà nước, các nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ bầu cử, vai trò của các bộ phận trong hệ thống chính trị, chính sách đối ngoại. Hơn nữa tên gọi cũ của Hiến pháp 1992  nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chế độ chính trị có lẽ phù hợp hơn với nội dung của dự thảo mới. Điều 1 chương này nếu chuyển từ dân chủ xuống Điều 2 nhấn mạnh tính chất của nhà nước ta dân chủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì có vẻ cũng phù hợp hơn vì xét cho cùng thì dân chủ có nghĩa là dân làm chủ. Tôi xin đọc theo sửa đổi ý của tôi là:

Điều 1, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 2, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước dân chủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân v.v...

Nhân đây, tôi đề nghị không bình luận gì thêm về việc nên tiếp tục duy trì một chương về chế độ kinh tế vì kinh tế cũng rất quan trọng. Hiến pháp năm 1992 cũng có chương này và hơn nữa dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo dự thảo có 11 chương trong khi đó Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, theo tôi nếu tiếp tục bổ sung, giữ lại chương về kinh tế thì vẫn là 12 chương không có gì thay đổi nhiều.

Vấn đề thứ hai, dự thảo mới dùng từ "mọi người" thay cho từ "công dân" để biểu thị quyền con người, một nội dung mới đã đưa vào Hiến pháp, tuy nhiên chữ "mọi người" bao hàm cả người mất quyền công dân, bị đi tù thì Điều 23, 24, 26 v.v... khẳng định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, mọi người có quyền khiếu nại thì pháp luật không xử được ai vì những người mất quyền công dân cũng có quyền đó. Phải chăng nên sửa lại giữ nguyên một số điều như tôi đã nêu là vẫn giữ nguyên từ "công dân" như cũ.

Điều 76, 126 có thuật ngữ làm Hiến pháp, làm luật, thuật ngữ này có vẻ dân dã quá. Chúng ta có những thuật ngữ như luật pháp, xây dựng pháp luật mang tính pháp lý hơn, nên dùng thay vào chỗ đó nghe thuận và đúng hơn.

Điều 22, Chương II nói về quyền con người có thể bổ sung quyền hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác theo luật Số 75 năm 2006 QH11, theo tôi bổ sung vào quyền đó trong Điều 22, Chương II.

Bốn, tôi nhất trí với việc bổ sung Chương X nhưng không lấy tên riêng là Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước và như môt số đại biểu đã phát biểu là hai thiết chế độc lập này ghép vào nhau có vẻ không thuận. Tôi đề xuất hai cách giải quyết: một là tách ra thành hai chương và hai là lấy tên chung là các thiết chế Hiến định độc lập trong đó có các điều riêng về hai thiết chế như kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia và chúng ta cũng có thể bổ sung thêm vào đây nữa: thiết chế Hội đồng bảo Hiến như một số đại biểu đã phát biểu.

Năm, về Chương XI, chương cuối, hiệu lực của Hiến pháp về việc sửa đổi Hiến pháp Điều 125, giữ nguyên Điều 146 cũ, Điều 126 có diễn giải khá dài dòng có thể viết ngắn gọn hơn, cụ thể là: Quốc hội là cơ quan lập Hiến, chỉ Quốc hội có quyền thay đổi, sửa đổi Hiến pháp sau khi trưng cầu ý kiến của nhân dân. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp do Quốc hội thành lập quyết định thành phần nhiệm vụ và quyền hạn, dự thảo Hiến pháp được thông qua khi ít nhất có 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết tán thành. Dự thảo hiện nay là cũng khá dài, tôi không đọc ở đây. Nhân đây tôi có một bình luận lời văn, cách thể hiện nội dung các chương, điều của Hiến pháp 1946, 1959, 1980 thường rất ngắn gọn, xúc tích và uy nghiêm. Nhưng càng về sau các điều của Hiến pháp càng dài, nhiều diễn giải tưởng như hiển nhiên ai cũng rõ rồi nhưng quy định lại. Tôi thiết nghĩ là Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cần căn chỉnh lại câu, chữ, từ ngữ, cách diễn đạt.

Sáu, ý kiến cuối cùng của tôi về lời nói đầu, ở đây có 3 ý kiến nhỏ: Một, dùng từ "mấy" trong cụm từ "mấy nghìn năm" nghe yếu, không xác định, không chắc chắn, có thể dùng từ hàng nghìn năm, ở đây đọc là: trải qua hàng nghìn năm lịch sử vì chúng ta đã có tới hơn 4000 năm lịch sử mà trong các văn bản chính thức chúng ta đã rõ và trong dự thảo nói là "mấy nghìn năm" thì nghe nó rất yếu và không mang tính xác định.

Thứ hai, dấu mốc 30/4/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ta đánh thắng tên đế quốc to cả thế giới công nhận cũng cần được đưa vào lời nói đầu và tôi xin đưa vào Đoạn 2 tôi xin phép đọc. Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tiếp theo là với khát vọng không có gì quý hơn độc lập tự do bằng ý chí sắt đá, tinh thần tự lực, tự cường cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới nhân dân ta đã chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược. Ngày 30/4/1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, tiến hành công cuộc đổi mới giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tôi xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan