Góp ý của ĐBQH Bùi Ngọc Chương – Cà Mau đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thứ Tư 10:56 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các ý kiến phát biểu trước, tôi xin tham gia một số ý kiến:

Thứ nhất, về các quy định liên quan về Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ. Với quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Cần phân định, phân công nhiệm vụ quyền hạn giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ một cách hợp lý, khoa học. Theo tinh thần đó thì nhất trí việc bổ sung và chuyển một số nhiệm vụ giữa các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặc biệt là việc bổ sung thêm một số nhiệm vụ theo hướng phát huy chế định Chủ tịch nước. Nhất trí việc xác định rõ hơn vị trí vai trò của Chính phủ là cơ quan hành pháp theo đó Chính phủ sẽ thực hiện rõ hơn quyền và nhiệm vụ hoạch định chính sách và điều hành chính sách quốc gia, chuyển từ nặng về điều hành nền hành chính sang tăng cường làm nhiệm vụ hoạch định chính sách. Nhất trí với nhấn mạnh mà quy định rõ Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể quyết định theo đa số như quy định tại Điều 101 của dự thảo.

Chính phủ cần tập trung nhiều hơn cho công tác hoạch định chính sách chuẩn bị kịp thời và chất lượng tốt các dự luật để trình Quốc hội, để sớm có đủ hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội. Để phát huy tốt hơn vai trò  của Chính phủ trong hoạch định chính sách và Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thì cũng nhất trí việc không quy định trong Hiến pháp việc Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Quốc hội chỉ quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thể hiện tại Điều 76 của dự thảo mà không quyết định các chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cách thể hiện như vậy thì sẽ để cho Quốc hội tập trung quyết định thực chất ở các vấn đề của nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước và những kế hoạch về xây dựng pháp luật cụ thể cũng như nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp thì sẽ giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm quyết định báo cáo trình Quốc hội theo thẩm quyền.

Đồng thời cân nhắc việc bổ sung một số nội dung như quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi do ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương quy định mức giới hạn an toàn, nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ và xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nêu tại Khoản 4, Điều 76 trong dự thảo. Đây là những vấn đề khá cụ thể chi tiết, vì vậy không nên quy định trong Hiến pháp.

Tại Khoản 7, Điều 76, về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, có bổ sung việc phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, theo tôi không nên bổ sung vào nhiệm vụ của Quốc hội mà nên đưa vào nhiệm vụ của Chủ tịch nước để phù hợp với nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong chỉ đạo hoạt động tư pháp tương tự như quyền của Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay thẩm phán tòa án khác mà nêu tại Khoản 3, Điều 94 dự thảo.

Dự thảo Hiến pháp tại Khoản 2, Điều 76 có bổ sung quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và kiểm toán nhà nước. Dự kiến hai tổ chức này được Quốc hội thành lập nhưng là cơ quan chuyên môn để giúp Quốc hội và không mang tính cơ quan quyền lực phải chịu sự giám sát tối cao, không thuộc đối tượng phải trả lời chất vấn trước Quốc hội. Vì vậy, không cần thiết phải ghi trong Hiến pháp và để luật định tương tự như các cơ quan Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội là các cơ quan Quốc hội thành lập thì chỉ báo cáo công tác trước Quốc hội.

Về các thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập. Tôi nhất trí việc quy định trong Hiến pháp thành lập hai cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập là Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Cùng với việc bổ sung hai thiết chế độc lập này, tôi đề nghị Quốc hội xem xét cho thành lập Ủy ban Phòng, chống tham nhũng là cơ quan chuyên môn độc lập giúp Quốc hội giám sát, phối hợp điều tra, kiểm tra việc phòng, chống tham nhũng như trước đây có nhiều ý kiến thảo luận tại các phiên họp trước.

Bổ sung thêm việc thành lập các cơ quan chuyên môn để giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, ghi thêm vào trong Điều 84 trong dự thảo để sau này, khi có đủ điều kiện và khi thật cần thiết thì Quốc hội có thể thành lập các cơ quan như Thanh tra Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp là trong Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị có nêu đây là một cơ quan mà hướng Quốc hội sẽ thành lập, hiện tại thì đang trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ý kiến thứ hai, một số vấn đề liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong điều kiện Quốc hội nước ta đang hoạt động theo kỳ họp, tôi đồng ý tiếp tục khẳng định và quy định về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vị trí là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ngoài việc chỉ đạo, điều phối công tác chuẩn bị kỳ họp Quốc hội và các hoạt động chung của Quốc hội còn được Quốc hội ủy quyền để thực hiện một số vấn đề quan trọng. Theo đó, tôi đồng ý tiếp tục quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành pháp lệnh và bổ sung thêm quy định là quyết định việc thành lập, điều chỉnh các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh sang nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Khoản 9 Điều 80 là phù hợp.

Về nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội nêu tại Khoản 6 Điều 80 và việc bầu các thành viên Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội nêu tại Điều 81 Điều 82. Với vị trí cùng là các cơ quan do Quốc hội thành lập được quy định trong Hiến pháp, có vị trí độc lập nhất định và cơ cấu của hội đồng, các ủy ban của Quốc hội thì được xác định gồm chủ tịch, phó chủ tịch và thành viên của hội đồng, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và các ủy viên của các ủy ban của Quốc hội. Tôi đề nghị vẫn giữ như quy định hiện hành là Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ chỉ đạo điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc các ủy ban của Quốc hội và các thành viên của Hội đồng dân tộc ủy ban của Quốc hội đều do Quốc hội bầu hoặc Phó Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ nhiệm ủy ban và các ủy viên của Hội đồng ủy ban do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tương tự như việc quy định Quốc hội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia đang nêu tại Điều 121 của dự thảo.

Về việc công bố và chủ trì đại biểu Quốc hội, Hiến pháp hiện hành và các bản Hiến pháp trước đây quy định đây là nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo sửa đổi đưa quy định này thuộc về Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo tôi chế định Hội đồng bầu cử quốc gia là một cơ quan chuyên môn giúp Quốc hội, không phải cơ quan quyền lực vì vậy xin giữ như trong Hiến pháp hiện hành là việc này giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan