Góp ý của ĐBQH Bùi Văn Xuyền – Thái Bình đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:55 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số nội dung về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau. Tôi hoàn toàn nhất trí với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau 20 năm thực hiện Hiến pháp nay nhà nước ta đã có nhiều thành tựu to lớn đối với lịch sử. Hiến pháp năm 1992 cũng đã hoàn thành xứ mệnh lịch sử, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi cho việc đổi mới toàn diện của đất nước, đến nay trước yêu cầu của thời kỳ mới, tiếp tục đưa đất nước phát triển toàn diện bền vững trong giai đoạn cách mạng mới. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh. Do vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một tất yếu khách quan lịch sử. Tôi cơ bản thống nhất với dự thảo Hiến pháp đã được Ủy ban dự thảo trình trước Quốc hội, dự thảo đã bám sát vào các mục tiêu yêu cầu và định hướng trong các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội trên cơ sở kế thừa các quy định đã được thực tế kiểm nghiệm của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây. Sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập không còn phù hợp, đồng thời bổ sung những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về bố cục sắp xếp các chương, điều cơ bản hợp lý và khoa học, diễn đạt hành văn  trong từng nội dung đã được chỉnh lý chặt chẽ, đảm bảo Hiến pháp thực sự là đạo luật gốc, cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, về bố cục và một số nội dung về tổ chức bộ máy. Tại Chương VIII về tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân theo quan điểm của tôi quy định trong cùng một chương là chưa hợp lý, có thể tách ra 2 chương, bởi vì 2 cơ quan này có những nội dung về chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hành quyền tư pháp, là cơ quan duy nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền phán xét bản án đã được quy định trong dự thảo. Khẳng định của dự thảo lần này rất rõ quan điểm của Đảng nêu rõ Tòa án là cơ quan thực hành quyền tư pháp, một nhánh quyền lực rất quan trọng.

Tuy nhiên, cơ quan viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp chúng ta quy định trong dự thảo. Nhưng cũng không khẳng định cơ quan kiểm sát hiện nay là cơ quan thực hành nhánh quyền lực tư pháp hay hành pháp. Trước tôi đã có 2 đại biểu phát biểu đề nghị phải ghi trong dự thảo về cơ quan Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tư pháp, theo tôi chưa thực sự ổn. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Tham gia vào hoạt động tư pháp còn có các cơ quan hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp, có ảnh hưởng rất lớn đến quyền cơ bản của công dân và quyền con người  được ghi nhận trong Hiến pháp, ví dụ như các cơ quan điều tra hình sự, các cơ quan thi hành án, vấn đề luật sư, giám định tư pháp thì chưa được nghiên cứu và chưa được ghi nhận cụ thể các nội dung này trong Hiến pháp.

Tôi đồng ý với ý kiến đại biểu phát biểu trước tôi về tách Điều 95 tức là sửa đổi Điều 104 của Hiến pháp năm 1992 quy định về Hội đồng quốc phòng, an ninh thành một chương riêng. Quy định rõ hơn về tổ chức, thẩm quyền, về phương thức hoạt động để nâng cao vị thế, tầm quan trọng của Hội đồng quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới.

Về một số thiết chế mới, tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội  trong tình hình hiện nay nhà nước chưa cần thiết phải thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập mà tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước để đảm bảo hiệu quả hơn và đáp ứng yêu cầu của công tác này. Thực tế chức năng này đã được giao cho các cơ quan như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và kể cả các cơ quan chính quyền địa phương. Chính phủ đã có Nghị định 135 trước đây và sau này là Nghị định 40 cụ thể hóa các quy định về kiểm tra, rà soát và thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành, vấn đề thực hiện luật, văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất chặt chẽ và hạn chế tối đa sai sót. Một đại biểu trước tôi đã phân tích rất kỹ, tôi không nêu thêm, quan điểm của tôi là không cần thiết phải thành lập Hội đồng bảo hiến trong thời điểm hiện nay.

Về Hội đồng bầu cử quốc gia quy định tại Điều 121, 122, đây là cơ quan do Quốc hội thành lập để tăng tính độc lập chuyên nghiệp hơn trong công tác bầu cử, khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên tôi băn khoăn là hội đồng này hoạt động có thường xuyên không, vì bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện nay là chung một ngày và nhiệm kỳ 5 năm và rất ít khi có cuộc bầu cử bổ sung giữa nhiệm kỳ, vì vậy hoạt động của hội đồng này như thế nào cũng cần phải làm rõ.

Tại Chương II quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là chế định mới được đưa vào dự thảo thể hiện tính nhất quán của Đảng và nhà nước ta về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó đồng thời thể hiện cam kết quốc tế của nước ta về vấn đề này. Tôi thống nhất với cách diễn đạt trong dự thảo và không thể tách bạch tuyệt đối giữa quyền con người và quyền công dân, tuy chủ thể hai quyền khác nhau nhưng về bản chất hai quyền cũng như nhau. Tuy nhiên tôi đề nghị sắp xếp các chương điều cho hợp lý để dễ hiểu và nhận thức về quyền con người và quyền công dân trong dự thảo. Một số vấn đề nội dung cụ thể tại Điều 6 của dự thảo tôi đề nghị sửa lại là: nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại biểu, các tổ chức, các cơ quan khác của nhà nước, ghi như vậy đảm bảo đầy đủ và toàn diện hơn, người dân thực hiện quyền lực thông qua các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội của mình nữa.

Tại Điều 8 nên bỏ cụm từ ở Khoản 2 là "Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân" đây là khái niệm mới trừu tượng và bản chất nó cũng là tổ chức bộ máy và nguyên tắc, phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước đã được ghi nhận ở Khoản 1 nên không cần thiết đưa thêm vào điều này.

Tại Điều 9 tôi cơ bản tán thành với dự thảo như Hiến pháp năm 1992 và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu.

Tại Điều 25, 27 nên sửa cụm từ "theo quy định của pháp luật" bằng cụm từ "do luật định" cho đồng nhất với các chương, điều tương tự khác trong dự thảo.

Tại Điều 33 tại Khoản 2 cụm từ "tổn thất về tinh thần" tôi đề nghị bổ sung cụm từ "tổn thất về tinh thần" sau "vật chất" theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì người bị thiệt hại, bị oan sai trong hoạt động tố tụng được bồi thường cả vật chất và tổn hại về tinh thần. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan