Góp ý của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:55 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi xin đề nghị một quan điểm, một nguyên tắc. Hiến pháp 1992 là cột mốc rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta, nó thể chế hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI và thực ra tạo ra một động lực hết sức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước từ 20 năm qua.

Thành tựu của Hiến pháp 1992 cần được bảo vệ và tiếp tục phát huy, đặc biệt nguyên tắc Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, phát huy các quyền tự do cơ bản của nhân dân trên mọi mặt. Do đó, chỉ nên sửa đổi Hiến pháp 1992 nếu phát huy hơn nữa các quyền tự do, dân chủ, chú trọng đổi mới đồng bộ chính trị và kinh tế, nhờ thế tạo động lực mạnh mẽ hơn cho giai đoạn cách mạng mới. Nếu không làm được như vậy thì không nên sửa lặt vặt.

Đi vào cụ thể, tôi xin góp ý thứ nhất, ở Điều 2. Trong này có thay tầng lớp trí thức bằng đội ngũ trí thức. Như vậy, phải chăng không muốn công nhận ở Việt Nam có tầng lớp trí thức là những người sống chủ yếu bằng lao động trí óc, sản phẩm của họ là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và chịu trách nhiệm chính về giáo dục của đất nước.

Đảng là Đảng của trí tuệ, vì vậy không nên hạ thấp vai trò của trí thức. Quy định như dự thảo thực chất là hạ thấp vai trò của trí thức.

Về Điều 4, hiện nay về Đảng thì chúng ta có 3 chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thứ hai là các tổ chức của Đảng; Thứ ba là đảng viên. Nhưng khi thiết kế Điều 4 thì chúng ta bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Đảng cho nên chúng ta chỉ quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Điều 4 tôi chỉ xin thêm một từ ở đằng trước, tức là "Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật".

Điều 11, tôi hết sức hoan nghênh điều này có sửa chữa lại so với Điều 13 cũ, tôi chỉ xin thêm một ý ở Khoản 2 là: "Mọi hành vi chống lại độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân". Tôi đề nghị sửa lại là "xâm hại lợi ích của đất nước và nhân dân đều bị nghiêm trị", tôi xin thêm là "đều bị cấm và nghiêm trị". Vì sao thêm chữ "cấm" vì Hiến pháp của nhiều nước người ta thiết kế một điều khoản mà khái niệm hay gọi là Publicpolice tức là điều, khoản, cái gì trái với cái đó đều là vô hiệu, cho dù là Chính phủ, là các bộ ngành, các địa phương, các quan chức có những hành vi ký kết những thỏa thuận trái thì đều bị nghiêm trị. Tại sao theo điều cấm là vì chúng ta nói nghiêm trị cũng có thể hiểu là cấm nhưng nó không phải là một điều khoản cấm, theo nghĩa về mặt pháp lý thêm chữ "cấm" vào, "nghiêm trị" có khi chưa chắc đã là cấm nếu nói về mặt logic cho nên tôi đề nghị thêm chữ cấm vào. Trước đây tôi đề nghị một luật gọi là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, thực chất nếu có Điều 11 này và thêm như tôi đề nghị thì không cần có luật đó nữa, chỉ một điều trong Hiến pháp tôi thấy là đủ.

Điều 15, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền con người, quyền công dân tôi đề nghị thêm vào là quyền cơ bản của công dân. Các quyền hiến định nó có khái niệm thống nhất đó là các quyền cơ bản bởi vì công dân còn rất nhiều quyền nữa nhưng nó không phải là quyền cơ bản và nó không mang tầm hiến định. Do đó, luật pháp có thể điều chỉnh các quyền đấy nhưng đã là quyền cơ bản hiến định thì luật pháp không được thay đổi mà chỉ được cụ thể hóa.

Điều 17 mọi người bình đẳng trong pháp luật và không bị phân biệt đối xử thì chúng tôi đề nghị thêm "mọi hành vi xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của công dân đều bị nghiêm trị theo pháp luật" nói rằng chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích đất nước. Trong luật để là "trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng" tôi thấy quá dài và quá rộng. Tôi chỉ đề nghị là "chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích đất nước, tức là hai cụm từ để cho phép được giới hạn các quyền cơ bản này bằng luật pháp. Còn trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe thì tôi cho nó quá dài, nó không sai nhưng thực ra nó quá dài, từ chỗ quá dài thì đôi khi có thể bị lạm dụng.

Từ "quyền sống" nói là mọi người đều có quyền sống, theo tôi nên sửa lại thế này: quyền sống được bảo đảm bằng nhà nước pháp luật, bởi vì chuyện mà nói mọi người có quyền sống thì nó thừa nằm ở trong các công ước và thực ra nó cũng không cần thiết.

Về Điều 23, tôi đề nghị thêm tức là mọi người có quyền bí mật thư tín v.v... tôi đề nghị: "nghiêm cấm việc bóc, mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại trừ những trường hợp do luật định". Thiết kế của chúng ta là chúng ta cho phép bóc, mở theo trường hợp do luật định, tôi đề nghị thiết kế theo hình thức phủ định, tức là nghiêm cấm việc bóc, mở trừ những trường hợp do luật định.

Điều 31, tôi đề nghị khẳng định công dân được quyền trưng cầu ý dân về những vấn đề hệ trọng quốc gia và về thay đổi Hiến pháp như Hiến pháp năm 46. Trong này chúng ta có nói là: khi nhà nước tổ chức thì công dân được trưng cầu dân ý hay Quốc hội tổ chức trưng cầu dân ý nhưng chúng ta không có quyền như là một quyền cơ bản. Tôi đề nghị Điều 31 khẳng định có quyền cơ bản như vậy.

Điều 94, về Chủ tịch nước, tôi cho rằng chúng ta nói nhiều về cơ chế kiểm soát, tôi cho là định chế Chủ tịch nước là một trong những định chế để có thể tham gia vào việc điều tiết cân bằng và kiểm soát giữa các quyền. Do đó, tôi đề nghị thiết kế Chủ tịch nước có một số quyền là nó thể  hiện được vai trò kiểm soát đó. Trong này có quyền là bãi bỏ văn bản của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ trái với lệnh quyết định của Chủ tịch nước. Tôi đề nghị, không phải trái với lệnh quyết định của Chủ tịch nước mà bãi bỏ văn bản Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ trái với Hiến pháp và pháp luật.

Về Hội đồng Hiến pháp, tôi thống nhất với phương án 2 là thành lập một cơ quan bảo vệ Hiến pháp, có thể tên của nó là Hội đồng Hiến pháp. Tôi đề nghị Hội đồng Hiến pháp có thể giao cho Chủ tịch nước làm Chủ tịch, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch Quốc hội.

Trong Điều 102 quy định của Chính phủ chúng ta có cụm từ thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia quản lý nhà nước về cán bộ, công chức. Lâu nay các luật giao cho Chính phủ chúng ta cứ giao Chính phủ quản lý nhà nước, tôi cho đây là cách dùng sai vì Chính phủ chỉ có quyền quản lý hành chính nhà nước, còn quản lý nhà nước phải là nhiệm vụ chung của tất cả nhà nước trong đó có cả Quốc hội và các định chế khác, do đó tất cả những gì chúng ta giao cho Chính phủ thì chỉ nên gọi là quản lý hành chính nhà nước, không gọi là quản lý nhà nước. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan