VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh
Trả lời Công văn số 8366/BCT-CT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cạnh tranh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Xác định thị trường liên quan trong trường hợp đặc biệt (Điều 6)
Điều 6 Dự thảo quy định về việc xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt, dựa trên các yếu tố “đặc tính riêng biệt, tập quán người tiêu dùng và phương thức giao dịch”.
Tuy nhiên, đây thực chất vẫn là các trường hợp xác định thị trường liên quan thông thường bởi ít nhất các lý do:
- Tất cả các yếu tố được liệt kê đều chỉ là các trường hợp thuộc về đặc tính, mục đích sử dụng, khả năng thay thế của hàng hóa, dịch vụ (tức là chồng lấn với các tiêu chí chung nêu tại Điều 4-5) – ví dụ “đặc tính riêng biệt” có thể thuộc trường hợp “tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ” (điểm h khoản 1 Điều 4), “tập quán của người tiêu dùng, phương thức giao dịch” có thể thuộc trường hợp “tập quán tiêu dùng” (điểm g khoản 5 Điều 4)
- Về mặt tính chất, phạm vi một thị trường sản phẩm liên quan có thể là rộng (nếu sản phẩm có đặc tính, mục đích sử dụng, khả năng thay thế chung), có thể là hẹp (nếu sản phẩm đặc thù về đặc tính, mục đích sử dụng, khả năng thay thế); Không thể vì phạm vi hẹp mà coi đó là trường hợp đặc biệt.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ Điều 6 Dự thảo này.
- Về rào cản gia nhập, mở rộng thị trường (Điều 8)
Theo quy định tại khoản 1, 7 Điều 8 Dự thảo thì “rào cản pháp lý do các quy định của pháp luật, chính sách của nhà nước… (khoản 1), và “sáng chế, giải pháp hữu ích… theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp” là một trong những yếu tố được xem là rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.
Quy định này dường như chưa hợp lý trong bối cảnh pháp lý của Việt Nam, bởi vì các quy định pháp luật (không bao gồm quyết định hành chính), các đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp (trừ chỉ dẫn địa lý)… được áp dụng chung trong phạm vi cả nước, không phân biệt về chủ thể áp dụng cũng như phạm vi, địa giới hành chính. Vì vậy, ngay cả khi các nội dung này là rào cản về gia nhập, mở rộng thì trường thì cũng không tạo ra sự khác biệt đáng kể nào từ góc độ địa giới hành chính (thị trường địa lý). Do đó, việc xem các nội dung này là yếu tố ảnh hưởng tới xác định thị trường địa lý liên quan là chưa phù hợp.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo:
- Bỏ quy định tại khoản 1 Điều 8, chỉ giữ lại “quyết định hành chính” (bởi quyết định hành chính của cơ quan địa phương có thể là rào cản thị trường từ góc độ địa lý)
- Bỏ quy định tại khoản 7 Điều 8, chỉ giữ lại “chỉ dẫn địa lý” (bởi chỉ dẫn địa lý có thể là rào cản thị trường từ góc độ địa lý)
- Kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại (Điều 28)
Điều 28 Dự thảo hướng dẫn khoản 4 Điều 29 Luật cạnh tranh liên quan tới khái niệm “kiểm soát, chi phối doanh nghiệp, một ngành nghề của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, quy định này có một số vấn đề sau:
- Tính thống nhất: Điều 29 (trong đó có khoản 4 Điều 29) Luật Cạnh tranh không có quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, về lý thuyết Nghị định không thể hướng dẫn điều khoản này;
- Tính cần thiết: Luật doanh nghiệp và pháp luật về doanh nghiệp đã có quy định liên quan tới cổ phần, vốn góp chi phối và các trường hợp chủ thể có quyền chi phối khác với doanh nghiệp (trong đó có cả các trường hợp phải được cân nhắc theo bối cảnh cụ thể). Phạm vi của pháp luật cạnh tranh là điều chỉnh về hệ quả của các trường hợp này mà không phải là quy định riêng từ đầu, do đó cần thống nhất sử dụng chung các chế định liên quan của pháp luật doanh nghiệp. Đây cũng là cách tiếp cận chung cho các trường hợp khác (sáp nhập, hợp nhất, mua lại…). Do đó, Nghị định không cần thiết hướng dẫn về vấn đề này.
- Về tính minh bạch, hợp lý: Ngay cả khi việc hướng dẫn về vấn đề này là phù hợp với Luật Cạnh tranh và cần thiết thì các quy định hiện tại cũng chưa hợp lý:
- Khoản 1 Điều 28: Tại sao tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại được xem là kiểm soát hoặc chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại? Tỷ lệ này xuất phát từ căn cứ nào? Có mối liên hệ nào với các tỷ lệ biểu quyết/quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp?
- Khoản 2 Điều 28: Tại sao việc xác định lại dựa vào một thỏa thuận trước khi diễn ra việc mua lại doanh nghiệp mà không phải là chính thỏa thuận/giao dịch mua lại doanh nghiệp hoặc các trường hợp/giao dịch khác?
- Cả hai khoản đều không thích hợp cho trường hợp “chi phối một ngành nghề” của doanh nghiệp.
Từ các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ Điều 28 Dự thảo.
- Một số quy định chi tiết chưa đủ rõ ràng, cụ thể:
- Tác động hạn chế cạnh tranh
Một số quy định tại Dự thảo hướng dẫn chi tiết các yếu tố để đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, xác định sức mạnh thị trường liên quan. Tuy nhiên, khi hướng dẫn chi tiết các yếu tố này, quy định lại chưa xác định đủ rõ ràng các đối tượng chịu tác động của các hành vi hạn chế cạnh tranh.
Ví dụ:
- Về hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ (Điều 14): Dự thảo không quy định rõ đối tượng chịu tác động của việc hạn chế này là những đối tượng nào? Là các doanh nghiệp có thỏa thuận hay là các doanh nghiệp khác trong cùng thị trường liên quan?
- Các Điều 20, 23 cũng không rõ về xác định sức mạnh thị trường đáng kể trong mối tương quan với doanh nghiệp nào?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể và làm rõ hơn về các vấn đề trên.
- Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế (Điều 29)
Khoản 3 Điều 29 Dự thảo quy định “các ngưỡng thông báo tập trung kinh tế … sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ”. Quy định này là không rõ về (i) cơ quan nào có thẩm quyền điều chỉnh, (ii) hình thức của điều chỉnh và các trường hợp sẽ điều chỉnh là như thế nào.
Chú ý là nếu là điều chỉnh ngưỡng theo cách sửa Nghị định này thì không cần thiết phải có quy định này bởi (i) khoản 3 Điều 33 Luật Cạnh tranh đã quy định tương tự “Chính phủ quy định chi tiết Điều này phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ” và (ii) thông thường việc sửa đổi một văn bản không cần dựa vào điều kiện sửa đổi nào trong văn bản cần sửa đổi.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 3 Điều 29
- Thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế
Điều 30 Dự thảo quy định các trường hợp doanh nghiệp được thực hiện tập trung kinh tế, Điều 31 quy định phải thẩm định chính thức nếu (i) không thuộc trường hơp quy định tại Điều 30 và (ii) có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Thiết kế quy định theo hướng trên dường như chưa hợp lý, ở điểm:
- Việc liệt kê các trường hợp được phép tập trung kinh tế đồng nghĩa với việc tất cả các trường hợp khác (không thuộc trường hợp được liệt kê) sẽ bị xem xét, thẩm định chính thức. Điều này sẽ khiến cho phạm vi các vụ tập trung kinh tế bị xem xét, đánh giá chính thức là rất rộng;
- Về điều kiện để thẩm định chính thức:
Theo Điều 31 Dự thảo, các trường hợp phải thẩm định chính thức là trường hợp (i) không thuộc trường hợp được thực hiện tập trung kinh tế theo quyết định của Ủy ban Cạnh tranh sau khi thẩm định sơ bộ; và (ii) có khả năng hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Như vậy, sau khi thẩm định sơ bộ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phải có “đánh giá giá khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam”.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật cạnh tranh thì tại giai đoạn thẩm định sơ bộ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ xem xét 03 yếu tố kỹ thuật (thị phần kết hợp, mức độ tập trung, mối quan hệ của doanh nghiệp trong chuỗi) để đưa ra quyết định vụ việc tập trung kinh tế được phép thực hiện hoặc sẽ tiến hành thẩm định chính thức. Việc đánh giá yếu tố hệ quả (tác động hoặc khả năng tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế) chỉ thực hiện trong giai đoạn thẩm định chính thức.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định liên quan (Điều 30, 31) theo hướng:
- Liệt kê các trường hợp các vụ tập trung kinh tế sẽ bị thẩm định chính thức, ngoài các trường hợp này thì doanh nghiệp được phép thực hiện tập trung kinh tế (không gắn với điều kiện “khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”)
- Ủy ban cạnh tranh quốc gia chỉ làm đúng nhiệm vụ như quy định tại Luật Cạnh tranh: Xác định doanh nghiệp được thực hiện tập trung kinh tế hoặc phải tiếp tục thẩm định chính thức (không gắn với việc đánh giá khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh ở giai đoạn thẩm định sợ bộ)
- Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh (Điều 38)
Khoản 1 Điều 38 Dự thảo quy định “những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh thừa nhận” là một trong những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.
Quy định này chưa rõ ở điểm: làm thế nào để biết các tình tiết, sự kiện này được Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh thừa nhận? Hay nói cách khác, các cơ quan này thừa nhận theo hình thức nào?
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cạnh tranh. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi kèm theo đây là các ý kiến góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội, rất mong quý Cơ quan cân nhắc, xem xét để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng.