Góp ý của ĐBQH Lê Thanh Vân – TP Hải Phòng đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:34 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với nhiều dự định bổ sung trong bản dự thảo do Ban soạn thảo Hiến pháp trình ra kỳ họp này. Tuy nhiên về bố cục của dự thảo tôi cho rằng có một số điểm chưa hợp lý. Ở Chương X quy định về hội đồng bầu cử quốc gia và kiểm toán nhà nước là không hợp lý bởi vì mặt lý thuyết thì chế định của Hiến pháp hay chế định của luật nói chung là quy định các nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất. Hội đồng bầu cử quốc gia và kiểm toán nhà nước là hai nhóm quan hệ xã hội không gần gũi về tính chất cho nên đề nghị tách chương này thành hai chương.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến bố cục và trình bày, đó là Điều 95 của Hiến pháp nói về Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia, nó không gắn bó với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước, bởi Hội đồng quốc phòng an ninh quốc gia do Quốc hội bầu ra, tôi đề nghị cân nhắc đưa vào chương của Quốc hội hoặc tách chương riêng. Về một số vấn đề góp ý thêm với Hiến pháp, tôi có kiến nghị sau đây.

Thứ nhất, chúng ta đã ghi nhận cơ chế kiểm soát quyền lực trong cương lĩnh chính trị vừa sửa đổi. Đây là bước tiến mới trong chế độ phân công quyền lực. Vì vậy, trong Hiến pháp phải thể hiện quan điểm lãnh đạo của cương lĩnh và cần phải có thiết chế bảo hiến trong Hiến pháp như nhiều ý kiến đề nghị.

Thứ hai, để khắc phục tình trạng luật ban hành chậm và chất lượng kém, tôi đề nghị trong thành phần của Quốc hội nên thành lập cơ quan gọi là Hội đồng lập pháp để thực hiện lập pháp ủy quyền do Quốc hội trao cho, cơ quan này có thể tổ chức bằng hai phương án.

Phương án thứ nhất là mở rộng thành phần Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trao thêm quyền lập pháp, theo đó Quốc hội chỉ làm Hiến pháp và các bộ luật lớn có tác động đến toàn bộ máy nhà nước, đến các quan hệ xã hội cơ bản nhất. Còn Hội đồng lập pháp sẽ ban hành các đạo luật không quan trọng hơn các đạo luật kia. Hoặc phương án tổ chức Hội đồng lập pháp trên cơ sở tất cả các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương để hội đồng này thường xuyên làm nhiệm vụ lập pháp để khắc phục hạn chế về chất lượng mà Quốc hội chúng ta đang làm.

Vấn đề thứ ba là nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền ở cấp vùng trên cơ sở tổng kết lại mô hình đơn vị hành chính ở cấp bộ trong Hiến pháp năm 1946 và trên cơ sở tổng kết mô hình vùng kinh tế chúng ta đang triển khai vừa qua, gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng cho phù hợp.

Vấn đề thứ tư là xem xét thành lập Hội đồng kiểm toán của Quốc hội để thông qua các quyết định về kiểm toán. Hiện nay kiểm toán Nhà nước đang làm và theo hướng này tổ chức lại mô hình kiểm toán, kiểm toán Nhà nước chỉ giúp cho hội đồng này của Quốc hội để thông qua kiểm toán của Nhà nước. Bên cạnh đó một chức năng của kiểm toán Nhà nước đưa về tòa án và hình thành Tòa thẩm kế. Một số vấn đề cụ thể như ở Chương quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tôi cho rằng nên quy định một điều về chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài của Nhà nước, nó gắn với 3 nguồn lực là tài lực, vật lực và nhân lực, hoặc có thể đưa về Chương III về chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục.

Một số vấn đề khác liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội và Chủ tịch nước thì tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên trao cho Chủ tịch nước. Bởi vì nhiệm kỳ của Quốc hội và nhiệm kỳ của thẩm phán chênh lệch nhau, rất khó xử lý và đảm bảo linh hoạt. Vấn đề nữa là cơ chế phê chuẩn phó chủ nhiệm, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trái với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Nó khác hẳn với chế độ bổ nhiệm của nhánh hành pháp, tôi đề nghị cân nhắc vấn đề này.

Ngoài ra, có một số vấn đề về mặt kỹ thuật như các quy định ở Chương II về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tôi đây cũng là một sự tiến bộ trong việc sắp xếp lại các nhóm quan hệ cùng một chế định của Hiến pháp và đặt sau Chương về chế độ chính trị tôi rất tán thành. Tuy nhiên việc sắp đặt nó về mặt kỹ thuật cần phải tuân theo trật tự như quyền con người trước, quyền công dân sau và nói đến quyền công dân phải nói đến quyền chính trị, dân sự, kinh tế, khoa học, kỹ thuật v.v... cho nó đúng trật tự của nó, rồi liên quan đến kỹ thuật trình bày của Hiến pháp, tôi cũng đề nghị sắp đặt các điều, khoản ở trong các chương cho nó hợp lý hơn theo lô gich trật tự của nó, chẳng hạn như Chương II, về quyền con người tôi vừa nêu. Hoặc Hiến pháp thì nó có khác biệt so với các đạo luật ở quy phạm của nó, quy phạm Hiến pháp là quy phạm nó mang tính chính trị pháp lý, nó chủ yếu đặt ra quy định, nó thể hiện tính tuyên ngôn, nó không đầy đủ ba yếu tố cấu thành như các đạo luật khác. Cho nên tôi đề nghị văn phong, cách viết và mạch trình bày cũng nên thống nhất. Theo đó mỗi điều của Hiến pháp có thể chứa đựng một đến hai chính sách về một vấn đề cụ thể, về một lĩnh vực cụ thể, tuy nhiên ở trong dự thảo thì cách đánh số ở các khoản, từng điều, nhất là Chương II thì không thống nhất. Tôi đề nghị về kỹ thuật lập pháp nên có một cách thể hiện cho nó thống nhất.

Một vấn đề nữa tôi muốn đề nghị trong Hiến pháp nên cân nhắc có  một chương về tài chính công hoặc tài chính quốc gia. Đây là vấn đề rất hệ trọng liên quan trực tiếp tới chủ quyền của nhân dân và Hiến pháp nhiều nước có chương về tài chính công, tôi đề nghị nên tham khảo. Xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan