Góp ý của ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ – Bình Phước đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:34 26-12-2012


Kính thưa chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội

Tôi cơ bản nhất trí với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp ở Điều 55. Tôi tán thành loại ý kiến thứ hai theo hướng không nêu cụ thể các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Bởi vì hiện chưa thể xác định rõ mô hình của từng thành phần kinh tế như quy định tại Điều 55 dự thảo, cụ thể: kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, hộ gia đình, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, 100% vốn đầu tư nước ngoài hay bao gồm cả loại hình kinh tế liên doanh với nước ngoài có một phần vốn đầu tư của nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và quá trình xây dựng pháp luật hiện nay chỉ có duy nhất một Luật Đầu tư, một Luật Doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế.

Vì vậy, Khoản 2 Điều 55 dự thảo nên được quy định như sau: các thành phần kinh tế là một bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc doanh cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế và cạnh tranh theo pháp luật. Còn mô hình, vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp thì sẽ thuận lợi hơn trong ban hành và sửa đổi sau này.

Thứ hai, nguyên tắc hoạt động của kiểm sát viên Điều 115. Tôi tán thành phương án 1 theo hướng khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật không chịu sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức cá nhân, theo sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân. Bởi vì Viện kiểm sát nhân dân có thể thực hiện quyền chỉ đạo của mình qua công tác cán bộ tại cơ quan như việc bổ nhiệm phân công công việc, đánh giá cán bộ, quyền kiểm tra giám sát ngành. Tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của kiểm sát viên khi thực hiện quyền của mình. Vì vậy, theo tôi Điều 115 nên được quy định như sau: "Khi thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật không chịu sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân" hoặc chỉ là "khi thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật" nên quy định chi tiết quyền hạn và trách nhiệm của kiểm sát viên trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sẽ đảm bảo tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của những kiểm sát viên khi thực hiện quyền của mình.

Ý kiến thứ ba, về cơ quan bảo vệ Hiến pháp tôi tán thành loại ý kiến thứ hai theo hướng thành lập Hội đồng Hiến pháp hoặc có thể thành lập hẳn một cơ quan tách rời khỏi Quốc hội. Ví dụ như Tòa án Hiến pháp giữ vai trò là cơ quan bảo vệ Hiến pháp bởi vì Quốc hội là cơ quan ban hành Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, thành lập một cơ quan Hội đồng Hiến pháp trực thuộc Quốc hội giữ vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát tính hợp hiến các văn bản luật sẽ không khả thi trên thực tế, vừa đá bóng vừa thổi còi. Mô hình Tòa án Hiến pháp đã được nhiều nước áp dụng và đã phát huy hiệu quả, chúng ta nên tham khảo mô hình tổ chức Tòa án Hiến pháp đang áp dụng ở một số quốc gia khác. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan