Góp ý của ĐBQH Lương Văn Thành – TP Hải Phòng đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:28 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tôi xin tham gia một số ý kiến về chế định Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Chương VIII của dự thảo.

Thứ nhất, về vị trí chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát, Hiến pháp năm 1992 quy định "quyền lực nhà nước là thống nhất,có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Trong ba nhánh quyền lực đó tôi đề nghị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định rõ viện kiểm sát và Tòa án nhân dân nằm trong nhánh quyền lực tư pháp. Viện kiểm sát cùng tòa án và các cơ quan tư pháp khác trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân.

Về chức năng nhiệm vụ của Viện Kiểm sát, tôi tán thành như dự thảo quy định, Viện Kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên trong thực tiễn hiện nay ngoài thực hiện chức năng như đã nêu trên Viện Kiểm sát đang được Quốc hội giao thực hiện một số nhiệm vụ như đầu mối tương trợ tư pháp, hình sự dẫn độ, chủ trì liên ngành thống kê tội phạm.

Đặc biệt trong quá trình xây dựng dự án nghiên cứu chuyển quyền Viện Kiểm sát thành Viện công tố, ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề nghị trong thời gian tới giao cho Viện Kiểm sát trách nhiệm khởi tố vụ án dân sự, khởi tố vụ án hành chính nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần. Bên cạnh đó có nhiều ý kiến đề nghị Viện Kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát chung để kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, việc bổ sung thêm chức năng của Viện Kiểm sát nhằm đảm bảo chức năng hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát sau này.

Thứ hai, về hệ thống tổ chức Viện Kiểm sát, dự thảo quy định Viện Kiểm sát nhân dân gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện Kiểm sát khác do luật định. Theo tôi quy định như vậy còn khái quát, chưa đầy đủ. Tôi cho rằng việc sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân cũng như Tòa án nhân dân một mặt đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết 49 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị, đồng thời cũng không gây vướng mắc trong việc xây dựng những đạo luật sau này. Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo hướng Viện Kiểm sát nhân dân gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát quân sự các cấp và các Viện Kiểm sát chuyên ngành do luật định. Quy định từng cấp kiểm soát như vậy nhằm đảm bảo tính ổn định của Hiến pháp, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới của Viện Kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp.

Về Ủy ban kiểm sát trong Viện Kiểm sát, đây là một thiết chế quan trọng đã được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây và Hiến pháp hiện hành. Thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong hơn 50 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả và sự cần thiết của chế định Ban kiểm sát. Do vậy, tôi đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về Ban kiểm sát trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Thứ ba, về nguyên tắc tổ chức của hoạt động của viện kiểm sát. Tôi cho rằng, việc bổ sung nguyên tắc bảo đảm Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự can thiệp của các tổ chức và cá nhân là rất cần thiết, là điều kiện để quyết định viện kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, dự thảo quy định theo hướng kiểm sát viên là không phù hợp, mâu thuẫn với nguyên tắc hoạt động của viện kiểm sát nhân dân là nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát.

Vấn đề ở đây cần làm rõ sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là sự độc lập của cơ quan viện kiểm sát, không phải là sự độc lập của cá nhân chức danh kiểm sát viên. Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất đường lối công tố trong ngành Kiểm sát, phù hợp với nguyên tắc tập trung, thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Thứ tư, về bầu chức danh Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tôi đề nghị quy định rõ trong Hiến pháp: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Việc xác định người đứng đầu hệ thống tổ chức viện kiểm sát nhân dân là thành viên của Quốc  hội sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được tham gia đẩy đủ, toàn diện các hoạt động của Quốc hội, lĩnh hội các yêu cầu, nhiệm vụ Quốc hội giao phó để lãnh đạo toàn ngành hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với thực tiễn tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nên là đại biểu Quốc hội trong hơn 50 năm qua.

Trên đây là ý kiến của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan