Góp ý của ĐBQH Đinh Thị Phương Lan – Quảng Ngãi đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:27 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Dự thảo đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tuy nhiên tôi cũng xin tham gia một số vấn đề cụ thể vào dự thảo. Trước hết về địa vị pháp lý, trước tôi cũng đã có nhiều đại biểu phát biểu về quyền của công dân, quyền con người, tuy nhiên tôi xin không phát biểu thêm mà chỉ đề nghị Ban soạn thảo nên đối chiếu thêm các nội dung tuyên ngôn về nhân quyền và Công ước Liên hiệp quốc về quyền chính trị, dân sự và quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội để làm rõ hơn, bố cục lại phần này cho chặt chẽ hơn, một số các nội dung còn quy định cũng chưa có sự liên kết chặt chẽ và còn hơi tản mát.

Thứ hai, về vấn đề sở hữu, tôi đề nghị dự thảo đã có nêu hình thức sở hữu toàn dân, tuy nhiên sở hữu toàn dân là một khái niệm cũng khá chung chung, không xác định rõ ai là người có chủ quyền thực sự, tôi đề nghị nên sửa đổi theo hướng thay khái niệm chủ sở hữu toàn dân bằng sở hữu quốc gia, sở hữu nhà nước hay sở hữu của các chính quyền địa phương trong đó sở hữu quốc gia thì thể hiện quyền đại diện quyền sở hữu về đất đai, tài chính và thực thi các quyền đầu tư công.

Về chính quyền địa phương, có hai phương án, tôi xin có ý kiến thêm, nếu quy định theo hình thức như quy định chính quyền địa phương, theo hình thức này thì được bao bọc ở tầng cuối cùng sâu nhất, chặt chẽ nhất. Ưu điểm của bộ máy là không để lọt vấn đề quản lý, tuy nhiên có thể nảy sinh tình trạng cùng một vấn đề nhưng 4 cấp chính quyền cùng giải quyết và việc tổ chức hoạt động của các cấp chính quyền không có sự phân biệt giữa các vùng, lãnh thổ khác nhau. Trong một số trường hợp thì chính quyền, địa phương lại nặng về chấp hành quyết định của cấp trên hơn là chấp hành pháp luật.

Về nội dung này tôi đề nghị cần thiết kế theo hướng mở và điều chỉnh phù hợp hơn, tôi thấy đồng tình với phương án 2. Tôi đặc biệt quan tâm tới Điều 76 của dự thảo khi đề cập đến đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tôi đề nghị làm rõ hơn nội dung này và cũng đề nghị các chế định về bộ máy Nhà nước trong dự thảo phải có sự nhất quán, cụ thể. Ngoài ra nền hành chính công cũng phải đối mặt với việc từng bước vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, kể cả từng đơn vị hành chính phải vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng tính đến vấn đề này trong quá trình hoàn thiện dự thảo.

Về một số điều, khoản cụ thể trong dự thảo, tại Điều 2 quy định "quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Tôi đề nghị làm rõ thêm cơ chế kiểm soát lập pháp.

Tại Điều 4 mặc dù có nêu là tổ chức Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nhưng chưa cụ thể là chấp hành như thế nào, tôi đề nghị cân nhắc thêm nội dung này.

Tại Điều 8 có nêu nguyên tắc tập trung dân chủ, tuy nhiên tôi đề nghị cân nhắc thêm tính hiệu lực, hiệu quả của nguyên tắc tập trung dân chủ, có nên có cơ chế đi kèm là tăng cường trách nhiệm cho người đứng đầu theo xu thế chung của thực tiễn hiện nay hay không?

Tại Điều 69 quy định "tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và làm suy giảm đa dạng sinh học thì bị xử lý nghiêm, có trách nhiệm khắc phục ....". Tôi đề nghị là "phải xử lý nghiêm theo luật định" cho đủ.

Tại Điều 67 quy định là "nghiêm cấm hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi". Tôi đề nghị phải xét đến hoặc phải quy định điều chỉnh đến dịch vụ giáo dục, một loại hình vốn tồn tại và phát triển vì lợi nhuận, thậm chí còn đang trong xu thế phát triển, tôi đề nghị cân nhắc thêm nội dung này.

Cuối cùng, cần xử lý cho đầy đủ các quan hệ bình đẳng được quy định ngay trong dự thảo. Thứ nhất, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát tất cả các quy định về địa vị pháp lý của cá nhân tại Chương II, nhằm đảm bảo tính bảo hiến theo quy định tại Điều 17 cho mọi người được bình đẳng trước pháp luật. Thứ hai, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về quy định kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Trong dự thảo có một số nội dung liên quan tại Điều 55, 57, ví dụ như đảm bảo cho các thành phần kinh tế bình đẳng, đảm bảo nền kinh tế thị trường hoạt động phù hợp đúng quy luật, thực hiện chính sách chống độc quyền.

Tuy nhiên, khi quy định nền kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì liệu những nội dung này có đảm bảo hay không, tôi đề nghị ta cân nhắc thêm. Thực tế nền kinh tế nhà nước tham gia vào thị trường không hiệu quả làm méo mó thị trường dẫn đến hiện tượng độc quyền tự nhiên, không những chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà ảnh hưởng trở lại đến các quyết định của nhà nước liên quan đến kinh tế chính trị xã hội, tôi đề nghị hết sức cân nhắc về nội dung này trong việc hoàn thiện dự thảo luật.

Một nội dung liên quan đến bình đẳng quy định tại Điều 5 "nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng đoàn kết giữa các dân tộc, các dân tộc tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển" tôi đề nghị phải đảm bảo các giá trị chất lượng sống và điều kiện lưu giữ văn hóa tinh thần của các dân tộc. Không chỉ dừng lại quy định như tại Điều 63, 67 là nhà nước ưu tiên mà phải nâng lên một bước nữa là nhà nước phải dành nguồn nhân lực, vật lực phù hợp và bằng các chính sách quyết liệt hơn ví dụ như chính sách về văn hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, thương mại dịch vụ và đặc biệt là chính sách đất đai. Tôi hy vọng sẽ giãn được khoảng cách về điều kiện sống cho đồng bào dân tộc thiểu số chứ cũng không kỳ vọng lắm vào việc bình đẳng. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan