Góp ý của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:26 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia, từ khi sửa đổi năm 1992 đến nay, trong 20 năm qua chúng ta mới sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2001, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình. Thực tế nhiều quốc gia khác, ví dụ như ở Trung Quốc chẳng hạn, trong 30 năm qua đã sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 4 lần, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy cải cách mở cửa và phát triển đất nước mạnh mẽ những năm qua. Vì vậy, tôi tán thành với tờ trình về sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp như tờ trình đã nêu, đồng thời tôi đề nghị bổ sung về sự cần thiết nữa là nhằm khắc phục những hạn chế trở ngại về nhiều mặt trong thực hiện Hiến pháp năm 1992. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo nghị quyết của Đảng lần thứ XI vừa qua. Tôi xin tập trung phát biểu về ba vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tôi tán thành với dự thảo Hiến pháp lần này khẳng định rõ ràng về quyền con người cũng như bổ sung một số về quyền công dân. Trong thực tế từ khi lập nước đến nay dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước ta đã quan tâm và thực hiện nhiều nội dung thuộc lĩnh vực quyền con người và quyền công dân. Đó là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do, dân chủ, quyền được lao động, học tập, cống hiến và mưu cầu hạnh phúc.

Trong suốt 66 năm qua kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên năm 46 dù trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn kể cả khi có chiến tranh hay hòa bình, các quyền con người, quyền công dân luôn có sự đan xen được quy định trong hệ thống pháp luật đã và đang ngày càng được hoàn thiện.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, không ngừng dân chủ hóa đời sống xã hội, Hiến pháp của nhà nước ta cũng cần khẳng định rõ những quyền đã được quy định và sẽ được thực hiện trong thực tế, đó là quyền được tham gia trưng cầu ý dân và quyền được bỏ phiếu bầu trực tiếp, bầu Chủ tịch nước và các cơ quan của chính quyền địa phương. Nếu người dân có được các quyền này thì phù hợp với Điều 76 và Điều 80 trong dự thảo Hiến pháp và cũng là một bước tiến trên con đường phát huy dân chủ trực tiếp bầu những người thay mặt mình lãnh đạo và quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, về phát triển khoa học công nghệ. Hiến pháp năm 1992 quy định phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ quy định này cùng với việc triển khai các chủ trương nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học công nghệ trong 20 năm qua kinh tế - xã hội của đất nước ta có nhiều bước phát triển to lớn có nhiều bước phát triển to lớn, từ một nước nông nghiệp lạc hậu nền tảng khoa học công nghệ thấp kém, thiếu năng lượng, lương thực, thực phẩm nguồn nhân lực khoa học công nghệ những năm 80- 90 của Thế kỷ XX nhờ định hướng đúng đắn và thể chế thành nguyên tắc hiến định sau hơn 25 năm qua đất nước ta có nhiều bước phát triển đáng tự hào trở thành một nước đủ ăn và đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cafe, hồ tiêu và một số nông sản khác góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia và thế giới. Nguồn năng lượng ngày càng được phát triển với định hướng phong phú, thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, dầu khí, điện hạt nhân góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin chúng ta sánh ngang với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao với đội ngũ trí thức các nhà khoa học ngày càng tăng lên, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, đồng thời góp phần quan trọng vào khoa học công nghệ của Việt Nam và trên thế giới.

Có thể nói thời đại ngày nay các quốc gia phát triển và mới nổi đều đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Thế nhưng thật đáng tiếc trong dự thảo Hiến pháp lần này chúng ta lại bỏ đi nguyên tắc phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Nhiều nhà khoa học lo lắng phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới sẽ là "phú quý giật lùi". Định hướng đến năm 2020 của Đảng ta đã chỉ rõ là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp sẽ ra sao nếu khoa học công nghệ không còn được quan tâm là quốc sách hàng đầu. Trên cơ sở ý kiến chung của nhiều nhà khoa học nhằm phát huy những bất cập trong thực tế, tôi đề nghị sửa lại Điều 68 từ 2 khoản thành 3 khoản như sau.

Một, nhà nước bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu gắn phát triển khoa học công nghệ với phát triển giáo dục đào tạo, bảo đảm quốc phòng an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hai, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy sức sáng tạo của mọi công dân.

Ba, nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của công dân, quyền tác giả của người sáng chế, phát minh được bảo đảm.

Vấn đề thứ ba, về Quốc hội, mối quan hệ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị bổ sung một điều quy định mới về đại biểu Quốc hội là việc phát ngôn và biểu quyết của đại biểu Quốc hội trong tất cả các hội nghị đều không bị xem xét trách nhiệm. Thực tế trong Quốc hội Khóa XII một số đại biểu Quốc hội đã bị một số cơ quan chính quyền cấp tỉnh đề nghị xem xét trách nhiệm khi đại biểu Quốc hội phát biểu tại nghị trường, tạo dư luận không hay và băn khoăn cho nhiều vị đại biểu Quốc hội. Hơn nữa quy định trên đây là nguyên tắc hiến định trong các bản Hiến pháp của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Về mối quan hệ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong Hiến pháp 1992 và dự thảo Hiến pháp lần này quy định rõ ràng, tách bạch chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thể hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong quản lý nhà nước ta. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành Hiến pháp và pháp luật mối quan hệ này đã không rõ ràng, dường như có sự chồng chéo trùng lặp nhau trong nhiều khóa Quốc hội. Khi tổng kết báo cáo hết nhiệm kỳ Quốc hội thường chỉ nhận được báo cáo của Chính phủ tổng kết về hết nhiệm kỳ mà không có Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu về vấn đề này nhưng chưa được khắc phục. Tôi đề nghị tiếp thu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước mà tôi được biết như Hiến pháp của Trung Quốc chỉ quy định quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ mà không quy định quyền hạn trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy vừa khắc phục được những bất cập hiện nay của chúng ta và tránh chồng chéo mâu thuẫn trong quản lý nhà nước.

Cuối cùng tôi có một ý kiến là hiện nay Quốc hội chúng ta đang tiến hành về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nếu không đủ số phiếu tín nhiệm thì các chức danh trên cần phải từ chức. Đây cũng là những quy định của rất nhiều Hiến pháp của các nước. Tôi cũng mong trong Dự thảo Hiến pháp lần này chúng ta cũng bổ sung quy định này trong Dự thảo Hiến pháp. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan