VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
Trả lời Công văn số 7602/BCT-HC của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Vi phạm về bảo quản hóa chất trong sản xuất, kinh doanh (Điều 7)
Khoản 1 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “không phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất”.
Khoản 2 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực”.
Hành vi quy định tại khoản 2 có tính chất tương tự đối với hành vi quy định tại khoản 1, vì “bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau” cũng được xem là “không phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất”. Đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi tại khoản 1 trong quy định về hành vi tại khoản 2.
- Vi phạm về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện (Điều 16)
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hình thức xử phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện theo quy định từ 01 tháng đến 03 tháng” vì hành vi này tương ứng với hành vi quy định tại khoản 4 Điều 17, nhưng Điều 17 có quy định về hình thức xử phạt bổ sung trong khi Điều 16 lại không.
- Về hành vi “tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung, thay đổi nội dung Giấy phép”
Cùng là hành vi “tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung, thay đổi nội dung của Giấy phép” nhưng đối với Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 thì mức phạt tiền gấp 10 lần (từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng) (Điều 19, Điều 32) đối với Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện (Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng) (Điều 16, Điều 17).
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về vấn về này để đảm bảo tính hợp lý, công bằng trong xác định hành vi vi phạm và mức xử phạt.
- Vi phạm quy định về điều kiện sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng y tế (Điều 37)
Cùng là hành vi “không có bảng hiệu, đèn báo tại lối thoát hiểm của nhà xưởng, kho chứa hóa chất” nhưng đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế khung xử phạt từ “1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng” (khoản 1 Điều 37), cao hơn rất nhiều sơ với khung xử phạt đối với hành vi vi phạm về yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa trong sản xuất, kinh doanh hóa chất tại khoản 1 Điều 5 “300.000 đồng đến 500.000 đồng” trong khi đều có tính chất vi phạm về nhà xưởng, kho chứa hóa chất.
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về sự khác biệt này, trong trường hợp chưa giải trình thuyết phục đề nghị điều chỉnh hai hành vi này về cùng khung xử phạt.
- Vi phạm quản lý Giấy phép, Giấy chứng nhận hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (Điều 52)
Khoản 1 Điều 52 Dự thảo xử phạt đối với hành vi “không khai báo việc mất Giấy phép, Giấy chứng nhận hoạt động vật liệu nổ công nghiệp” là chưa hợp lý, bởi vì hành vi này không gây ra ảnh hưởng đáng kể nào tới các vấn đề do Nhà nước quản lý trong lĩnh vực này. Nếu chủ thể khác lấy được Giấy phép, Giấy chứng nhận hoạt động vật liệu nổ công nghiệp thì cũng không thể xử dụng vì không phải là chủ thể được cấp phép, nếu sử dụng sẽ bị xử phạt theo chính quy định tại Nghị định này. Hơn nữa, doanh nghiệp khi làm mất giấy phép có thể thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép này.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 52 Dự thảo.
Góp ý tương tự đối với quy định “để mất Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp” quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 55 Dự thảo.
- Góp ý khác
- Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm về địa điểm kinh doanh hóa chất (Điều 10)
Đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp khoảng cách thời gian đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất vi phạm tại khoản 1 vì khoảng cách “01 tháng đến 06 tháng” là khá rộng, nhất là so sánh với các hình thức xử phạt bổ sung về đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép khác quy định tại Dự thảo (có khoảng cách từ 01 tháng đến 03 tháng). Đây là hình thức xử phạt ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các doanh nghiệp, vì vậy cần được thiết kế để đảm bảo tính minh bạch, công bằng khi áp dụng đối với các chủ thể vi phạm.
- Vi phạm về kiểm tra hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh (Điều 18):
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ hành vi “không ghi rõ ràng, đầy đủ tên hóa chất theo Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp trong toàn bộ hóa đơn giá trị gia tăng và hóa đơn bán hàng liên quan đến hoạt động mua bán hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh” vì thuộc lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn, Dự thảo quy định về hành vi này sẽ tạo ra sự chồng lấn về quy định giữa các văn bản quy phạm pháp luật;
- Vi phạm về khối lượng tồn trữ hóa chất nguy hiểm (Điều 26)
Đề nghị Ban soạn thảo xác định mức phạt tiền đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 26 theo hướng: mức phạt tiền tương ứng với số lượng hóa chất tồn trữ lớn hơn khối lượng đã kê khai, để đảm bảo tính hợp lý trong xác định mức xử phạt. Hơn nữa, hình thức thiết kế xử phạt này cũng tương ứng với cách thức thiết kế xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến số lượng theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Dự thảo.
- Vi phạm quy định về vận chuyển hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế (Điều 44)
Đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp khoảng cách phạt của các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 44 bởi vì khung xử phạt “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng” là quá rộng, sẽ trao quá nhiều quyền cho cán bộ có thẩm quyền xử phạt và có sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng vi phạm trong cùng điều kiện.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.