VCCI_ Dự thảo Nghị định quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng nguyên tử
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền
Kính gửi: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 8082/BCT-ATMT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
- Về bổ sung một số khái niệm
Khoản 1 Điều 1 Dự thảo đã bổ sung một số quy định giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2 Nghị định 13 (bổ sung từ khoản 11-25), trong đó có nhiều khái niệm đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, ví dụ: “vùng đất cảng”, “vùng nước cảng”, “bến cảng”, “cầu cảng”, “cảng cạn”, “cảng biển”, “kết cấu hạ tầng cảng biển” đã được quy định tại Bộ luật hàng hải năm 2015; “bến thủy nội địa”, “cảng thủy nội địa” đã được quy định tại Luật giao thông đường thủy sửa đổi năm 2014.
Việc nhắc lại các quy định đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác là chưa phù hợp với khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015[1], vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định đã quy định lại trên.
- Về sửa đổi nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với các công trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và công trình phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 8 Nghị định 13)
Dự thảo sửa đổi Khoản 2 Điều 8 Nghị định 13 như sau “trường hợp cần sử dụng đất trong phạm vi khoảng cách an toàn cho mục đích an ninh, quốc phòng hoặc các mục đích đặc biệt khác thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Quy định trên là chưa rõ ở các điểm:
- Những trường hợp nào được hiểu là có “mục đích đặc biệt khác”?
Chú ý rằng quy định về khoảng cách an toàn liên quan trực tiếp tới với an toàn đối với các công trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và công trình phục vụ các hoạt động trên, do đó các trường hợp ngoại lệ được phép “xâm phạm” khoảng cách an toàn này cần được quy định rõ ràng, tránh tình trạng ngoại lệ được áp dụng tùy nghi.
- Theo quy định này thì những trường hợp ngoại lệ sẽ được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Như vậy, trước khi Thủ tướng quyết định, sẽ phải có một thủ tục đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất cũng như quy trình lấy ý kiến và cho ý kiến của các Bộ ngành liên quan. Vậy trình tự, thủ tục này như thế nào; ai là đơn vị có quyền đề xuất với Bộ Công Thương? Bộ Công Thương lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan nào, ý kiến của các Bộ ngành liên quan có cần là đồng thuận không?
Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
- Về các quy định khác trong Dự thảo
Liên quan đến các quy định khác trong Dự thảo, đặc biệt là các quy định liên quan đến yếu tố kỹ thuật, VCCI đang tiến hành tham vấn ý kiến doanh nghiệp và sẽ có ý kiến nếu nhận được phản hồi từ các đối tượng chịu sự tác động.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình dầu khí trên đất liền. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Điều 8. Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.