VCCI_ Dự thảo Nghị định quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng nguyên tử

Thứ Tư 08:48 17-10-2018

Kính gửi: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời Công văn số 2834/BKHCN-ATBXHN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng nguyên tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ tư vấn kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Điều 62)

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 62 Dự thảo thì để được cấp chứng chỉ này, cá nhân phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ cần tư vấn. Yêu cầu kinh nghiệm với thời hạn 05 năm là khá ngặt nghèo và có thể là bước cản trở khá lớn đối với các cá nhân có trình độ chuyên môn nhưng thiếu kinh nghiệm làm việc muốn tham gia vào hoạt động này.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giảm số năm kinh nghiệm này xuống để tạo điều kiện cho các cá nhân muốn tham gia vào lĩnh vực này.

Góp ý tương tự đối với các quy định yêu cầu về số năm kinh nghiệm tương tự trong Dự thảo.

  1. Về thủ tục hành chính

Một số quy định về thủ tục hành chính trong Dự thảo chưa thực sự đơn giản, thuận lợi và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện, ví dụ:

  1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân (Điều 29)

Khoản 8 Điều 29 Dự thảo quy định, trong Hồ sơ phải có “Cam kết của tổ chức tiếp nhận nguồn phóng xạ phải thực hiện đầy đủ các quy định về khai báo, xin cấp phép” là chưa hợp lý, bởi vì:

  • Theo quy định tại Điều 16 Dự thảo, thì trong điều kiện để được cấp giấy phép nhập khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân không có điều kiện liên quan đến “tổ chức tiếp nhận nguồn phóng xạ”. Điều này có nghĩa là tại thời điểm xin cấp phép nhập khẩu doanh nghiệp nhập khẩu không có nghĩa vụ phải xác định được tổ chức tiếp nhận nguồn phóng xạ (và điều này là hợp lý bởi doanh nghiệp có quyền nhập khẩu để thực hiện hoạt động thương mại – nhập khẩu sau đó mới quảng bá tìm kiếm và giao dịch với khách hàng cụ thể). Vì vậy, yêu cầu tại thời điểm cấp phép phải có tài liệu này là chưa hợp lý.
  • Dù có cam kết hay không thì tổ chức tiếp nhận nguồn phóng xạ vẫn phải thực hiện việc khai báo và các yêu cầu khác theo quy định. Việc cam kết của tổ chức tiếp nhận nguồn phóng xạ không phải là yếu tố đảm bảo đối tượng này sẽ thực hiện pháp luật hay không;

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 8 Điều 29 Dự thảo nói trên.

  1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ (Điều 35)

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 Dự thảo thì trong Hồ sơ phải có “Phiếu khám sức khỏe tại cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên được cấp không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ”. Tài liệu này chưa tương ứng với điều kiện cấp chứng chỉ quy định tại khoản 1 Điều 35 (chỉ có điều kiện về năng lực hành vi dân sự và điều kiện về chuyên môn, không có điều kiện về sức khỏe).

Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại các quy định về điều kiện sức khỏe trong các khoản 1 và 2 để bảo đảm tính thống nhất của quy định.

  1. Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ (Điều 37)

Điều 37 quy định về trình tự, thủ tục để được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và chứng chỉ nhân viên bức xạ. Trong quy trình này không có giai đoạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, trong khi các thời hạn khác đều căn cứ vào thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Điều này có thể khiến cho trình tự thủ tục này chưa minh bạch, có thể kéo dài, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ tại Điều 37 Dự thảo.

  1. Sửa đổi giấy phép (Điều 40)

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Dự thảo thì khi thay đổi “số điện thoại, số fax” doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục giấy phép. Đây là các thông tin không quan trọng, không có tính định danh doanh nghiệp vì vậy, yêu cầu phải thực hiện thủ tục sửa đổi giấy phép khi thay đổi các thông tin này sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các cụm từ “số điện thoại, fax” tại điểm a khoản 1 Điều 40 Dự thảo, đồng thời sửa đổi về hồ sơ tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 40.

  1. Cấp lại giấy phép (Điều 42)

Khoản 1 Điều 42 Dự thảo quy định, trong trường hợp giấy phép bị mất phải “khai báo với cơ quan công an nơi mất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu không tìm được giấy phép đã mất thì tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại”.

Yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục khai báo trước khi làm thủ tục cấp lại sẽ gia tăng thủ tục hành chính. Trong khi đó, từ góc độ nguy cơ, về nguyên tắc, nếu đối tượng khác lấy giấy phép này cũng không thể thực hiện được các hoạt động liên quan đến công việc bức xạ vì họ không phải là chủ thể được cấp phép, do vậy này là không cao. Từ các lý do này, việc yêu cầu doanh nghiệp phải chờ đến 30 ngày mới được phép thực hiện thủ tục xin cấp lại có lẽ là quá mức cần thiết, có thể gây ra ảnh hưởng bất lợi cho một số hoạt động mà doanh nghiệp đang triển khai (do doanh nghiệp không có giấy phép để xuất trình cho các hoạt động này khi bị kiểm tra).

Mặt khác, trong các thủ tục hành chính khác liên quan đến việc mất giấy phép, các quy định cũng không thiết kế có thêm thủ tục khai báo/xác nhận về việc mất giấy phép.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ yêu cầu phải thực hiện khai báo/xin xác nhận về việc mất giấy phép trước khi thực hiện thủ tục xin cấp lại.

  1. Cấp lại Giấy đăng ký (Điều 59)

Điều 59 Dự thảo quy định về trình tự thủ tục cấp lại Giấy đăng ký trong trường hợp giấy đăng ký bị rách, nát, mất, trong đó thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị, thời hạn xem xét cấp lại là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Như vậy, thời gian để cấp lại Giấy đăng ký ít nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhân hồ sơ. Đây là thời hạn quá dài cho một thủ tục có hồ sơ đơn giản, không cần nhiều thời gian và chi phí để thẩm định hồ sơ.

Đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục này xuống, ví dụ: thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ là 01 ngày làm việc, thời gian xem xét cấp lại là 03 ngày làm việc.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định điều kiện tiến hành công việc bức xạ và điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng nguyên tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

VCCI đang tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo này và sẽ phản hồi tới cơ quan soạn thảo khi nhận được góp ý của các doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.