Góp ý của ĐBQH Doãn Thế Cường – Hưng Yên đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:05 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết và mục đích, yêu cầu, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, nội dung sửa đổi, bổ sung và hầu hết các điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tôi đề nghị xem xét bổ sung điều chỉnh 3 vấn đề sau:

Một là quy định về Đảng cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp. Tôi hoàn toàn nhất trí với đoạn đầu trong Điều 4 của dự thảo ghi "Đảng cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội".

Đoạn thứ hai dự thảo viết "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm về quyết định của mình". Tôi đề nghị sửa là "Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình".

Đoạn thứ ba dự thảo viết "các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" tôi đề nghị sửa là "các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Thể hiện Điều 4 như vậy rõ ràng và đầy đủ hơn về bản chất của đảng, khẳng định rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của đảng đối với nhà nước và xã hội. Viết như vậy thể hiện rõ hơn và cao hơn về sự gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về cả những chủ trương. Ở đây tôi xin nhấn mạnh chủ trương và nghị quyết cũng như các quyết định của đảng đồng thời cũng yêu cầu rõ hơn, cao hơn việc các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mặt khác nội dung Điều 4 viết như vậy bảo đảm sự tương đồng với yêu cầu cao ở Điều 8 trong dự thảo viết "cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân và cơ quan tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật".

Hai là, về kinh tế. Về tính chất, mục đích của nền kinh tế và các thành phần kinh tế. Tại Khoản 1 Điều 55 đã xác định tính chất, mục tiêu phát triển kinh tế theo cương lĩnh 1991 của Đảng được bổ sung và phát triển tại Đại hội XI: chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng, điều tiết, thúc đẩy kinh tế phát triển gắn liền với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội vì lợi ích của nhân dân. Sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới Đại hội XI của Đảng đã làm sáng rõ hơn nhiều nội dung về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có nội dung quan trọng là phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững bao hàm các vấn đề giảm nghèo thường xuyên và liên tục, chăm lo các gia đình chính sách và người có công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, Khoản 1 Điều 55 cần bổ sung mục đích và yêu cầu là phát triển bền vững. Do đó, đề nghị Khoản 1 Điều 55 được thể hiện như sau: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Mục đích phát triển kinh tế là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tôi đồng tình Khoản 2 Điều 55 của dự thảo xác định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân cùng sự phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Tôi cũng đồng tình với quy định cụ thể về kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Nhưng trong dự thảo viết: Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Viết như vậy chưa rõ vị trí, vai trò của kinh tế tập thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế là không chỉ kinh tế tập thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà cả kinh tế nhà nước và cả kinh tế tư nhân cũng luôn cần được củng cố và phát triển. Vì vậy, tôi đề nghị cần thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của kinh tế tập thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như đã thể hiện với kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân như đã nêu trong dự thảo. Đề nghị có 19 điều trong dự thảo như các Điều 2, 4, 49, 70, 75, 78, 83 v.v... cho đến Điều 119, 120 nên chia thành các khoản như các điều khác đã làm, đã chia trong dự thảo. Chia ra như vậy thì khi tuyên truyền, phổ biến thực hiện sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn. Ví dụ Điều 4 tôi vừa nêu ở trên nên chia thành 3 khoản:

Khoản 1 Đảng cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân và viết tiếp.

Khoản 2 Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và viết tiếp.

Khoản 3 các tổ chức Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan