Góp ý của ĐBQH Phạm Đức Châu – Quảng Trị đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:07 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Đây là lần Quốc hội cho ý kiến đầu tiên cho nên cuối thời gian cho phép tôi có một số ý kiến tham gia về chế độ chính trị, quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Một, về chế độ chính trị, xin được tham gia 3 vấn đề.

Thứ nhất, sau khi khẳng định chủ quyền quốc gia, theo tôi cần đưa Khoản 1, Điều 11 Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm lên Điều 1 của Hiến pháp. Như vậy Điều sẽ là: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập dân chủ, có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Hai, về bản chất nhà nước. Điều 2 quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo tôi quyền lực nhà nước là một bộ phận của quyền lực chính trị, cho nên trong điều này nên quy định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, chứ không chỉ có tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vì Hiến pháp từ 1946, 1959, 1980 đều quy định quyền bính hay quyền lực thuộc về nhân dân. Quy định quyền lực thuộc về nhân dân đầy đủ hơn, đúng bản chất của một chế độ dân chủ, nhân dân thực sự là chủ thể của mọi quyền lực và ngay trong Hiến pháp 92 hiện hành và trong cả dự thảo đã có nhiều quy định, nhân đân được thực hiện quyền lực chính trị thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Vấn đề thứ ba, Điều 11, tôi đề nghị thêm tuyên bố của nhà nước ta về việc nghiêm trị các  hành vi phá hoại khối đại đoàn kết, phá hoại vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản vì ở Điều 4 chúng ta đã khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với nhà nước và xã hội thì rất cần thiết, phải có một quy định ngay trong Hiến pháp về việc bảo vệ vị trí, vai trò của Đảng. Như vậy, ở Điều 1 cần thêm cả hành vi phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại vai trò lãnh đạo của Đảng đều bị nghiêm trị theo pháp luật.

Nột dung thứ hai, về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II. Đây là một chương quan trọng thể hiện rõ nhất quan điểm của nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền. Tôi đồng tình rất cao với việc mở rộng thêm nhiều quyền của công dân mà thực chất là sự thể chế hóa, ghi nhận thêm nhiều quyền con người trong Hiến pháp. Việc đặt tên chương quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và đưa lên vị trí ở Chương II thay vì Chương V như Hiến pháp hiện hành đã nói lên điều đó. Tuy nhiên theo tôi, để có những quy định chính xác hơn, cần có sự phân biệt khác nhau về chế độ pháp lý giữa quyền con người với quyền công dân.

Về bản chất quyền công dân là sự thể chế hóa từ các quyền tự nhiên của con người hoặc được nhà nước ghi nhận thêm các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội. Cho nên trong một nhà nước dân chủ quyền con người và quyền công dân cơ bản giống nhau về nội dung và đều được nhà nước thừa nhận tôn trọng và bảo vệ nhưng lại khác nhau về chế độ pháp lý ở mấy điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, số lượng quyền con người được thể hiện, được thể chế hóa, hay được ghi nhận trở thành quyền công dân nhiều hay ít tùy thuộc vào chế độ chính trị, điều kiện kinh tế, xã hội và khả năng bảo đảm của một nhà nước. Một nhà nước dân chủ là nhà nước luôn tôn trọng bảo vệ và tạo mọi điều kiện để con người được tự do thực hiện mọi quyền con người, nếu không bị pháp luật cấm hay hạn chế, chứ nhà nước không thể bảo đảm được thực hiện mọi quyền con người như quyền công dân. Ví dụ nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền được làm mẹ của phụ nữ dù không có chồng đó là quyền con người. Nhưng nếu họ không thể thực hiện được thì họ không thể đòi hỏi nhà nước và nhà nước cũng không thể bảo đảm việc thực hiện cho họ được.

Quyền công dân được nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện, nếu công dân bị hạn chế hay bị xâm phạm quyền công dân trái pháp luật thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo để đòi hỏi nhà nước phải bảo đảm thực hiện quyền của công dân. Ví dụ công dân có quyền bầu cử thì nếu ai bị hạn chế hay bị vi phạm quyền đó công dân có quyền khiếu nại hay tố cáo để yêu cầu nhà nước bảo đảm thực hiện quyền của mình.

Khi quyền con người được nhà nước ghi nhận là quyền công dân trong Hiến pháp và pháp luật thì mới được nhà nước bảo đảm thực hiện đến cùng, còn các quyền con người khác chỉ ở mức độ được nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.

Thứ hai, đã là quyền công dân phải được nhà nước bảo đảm thực hiện thông qua việc nhà nước quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và nhà nước có các cơ quan để tổ chức thực hiện các quyền đó cho công dân. Đồng thời khi công dân thực hiện quyền công dân của mình cũng phải tuân theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Qua phân tích trên rõ ràng về chế độ pháp lý quyền con người khác quyền công dân, quyền công dân thể hiện rất rõ trách nhiệm của nhà nước đối với công dân của mình thông qua việc quy định đầy đủ trong Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, theo tôi nếu diễn đạt chế độ pháp lý chung cho cả quyền con người và quyền công dân như ở Điều 15, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền con người, quyền công dân được nhà nước và xã hội thừa nhận tôn trọng bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật như nhau. Trong nhiều điều cụ thể khác trong Chương II là chưa phân biệt chế độ pháp lý giữa quyền con người và quyền công dân. Khi cụ thể hóa trong luật sẽ rất khó quy định về chế độ pháp lý cụ thể cho từng quyền con người hay quyền công dân cụ thể. Mặt khác, trong toàn bộ Chương II có rất nhiều điều cũng không rõ quyền con người hay quyền công dân.

Theo dự thảo nếu quan niệm điều, khoản nào có từ "mọi người" thì đó là quyền con người tức là quyền dành cho tất cả mọi người bao gồm cả công dân Việt Nam hay người không phải là công dân Việt Nam. Có nhiều quyền liệu nhà nước ta có cần phải bảo đảm không? và có thể bảo đảm được hay không cho người không phải là công dân Việt Nam cho dù họ đang sinh sống tại Việt Nam.Ví dụ Điều 32 ghi "mọi người có quyền khiếu nại hay mọi người có quyền tố cáo", Điều 26 ghi "mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo" thì nếu người không phải là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam thì nhà nước ta có bảo đảm được cho họ thực hiện các quyền đó hay không. Với lập luận như trên tôi đề nghị:

Một, trong Chương II về quyền con người nhà nước chỉ nên tuyên bố quan điểm của mình đối với quyền con người bằng một điều chung nhất. Không nên quy định lẫn lộn vừa quyền con người vừa quyền công dân trong cùng một điều luật, đồng thời gọi tất cả các quyền trong dự thảo hiện nay là quyền công dân vì 4 lý do sau:

Lý do thứ nhất, vì hai loại quyền này có chế độ pháp lý khác nhau như đã phân tích ở trên.

Lý do thứ hai, không thể quy định hết các quyền con người trong Hiến pháp.

Lý do thứ ba, các quyền con người quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tất cả được quy định bằng quyền công dân.

Lý do thứ tư, tất cả các quyền được ghi nhận trong dự thảo đều rất cần được ghi nhận vào bảo đảm thực hiện, tức nó đã là quyền cơ bản của công dân.

Hai, kết hợp với chỉnh sửa về kỹ thuật, tôi xin đề nghị diễn đạt lại Điều 15 mở đầu Chương II trên cơ sở ghép Điều 16 và Điều 20 vào Điều 15 thành một điều mang nội dung tuyên bố quan điểm chung của nhà nước ta về quyền con người và quyền công dân tại những nội dung lớn như sau:

Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền con người được nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng vào bảo vệ, mọi người được tự do thực hiện mọi quyền của mình đều không bị cấm hay bị hạn chế theo quy định của pháp luật. Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền công dân không rời nghĩa vụ công dân. Không ai được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác.

Ba, đề nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp giải thích rõ vì sao không đưa nhóm quyền về chính trị lên đầu mà xếp sau những quyền khác ví dụ quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia công việc nhà nước mà theo tôi bất cứ Hiến pháp thành văn nào cũng xếp nhóm quyền về chính trị lên trước các nhóm quyền khác.

Bốn, đề nghị đưa nội dung Khoản 2, Khoản 3 Điều 32 quy định về việc ưu đãi, chăm sóc, giúp đỡ người có công, người già, tàn tật, trẻ mồ côi, người nghèo trong Chương II quyền và nghĩa vụ sang Chương III quy định về chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục. Vì thực chất đây là trách nhiệm, là chính sách, là nghĩa vụ đương nhiên của Nhà nước đối với người có công và các đối tượng đặc biệt khác. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan