Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị

Thứ Hai 11:17 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Qua ý kiến phát biểu của một số đại biểu sáng nay đã có 16 đại biểu phát biểu tại hội trường và có 2 đại biểu phát biểu lần 2, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có phần báo cáo giải trình thêm.

Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về 5 vấn đề mà Đoàn thư ký kỳ họp đã gửi bản gợi ý đến cho các đại biểu, chúng tôi thấy về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai là đa số các vị đại biểu Quốc hội cũng tán thành với những dự kiến nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Một số vấn đề này cho phép tôi tập hợp, tổng hợp lại ý kiến của các vị đã phát biểu và cho phép tôi nói thêm một số suy nghĩ của mình như sau.

Vấn đề thứ nhất, vai trò của Viện kiểm sát tham gia vào tố tụng dân sự như thế nào, qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đa số đồng tình với dự thảo nhưng cũng có ý kiến để cân nhắc xem xét lại có nên quy định mới như thế này hay giữ như quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, chỉ tham gia vào những trường hợp khi tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ và có khiếu nại của đương sự thì lúc đó Viện kiểm sát mới tham gia hoặc Viện kiểm sát chỉ tham gia khi bảo vệ quyền, lợi ích công hoặc những đối tượng tham gia có khiếm khuyết về thể chất, về tinh thần.

Báo cáo Quốc hội, về vấn đề này thực tế trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 chúng ta đã quy định vai trò của Viện kiểm sát tham gia vào các vụ việc dân sự. Đến Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 chúng ta lại bỏ vai trò này của Viện kiểm sát nhưng qua thực tiễn xét xử, qua thực tiễn hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát đối với cơ quan tư pháp và cơ quan tòa án. Trong báo cáo của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Quốc hội hôm qua thấy rằng hiện nay chất lượng xét xử các vụ án dân sự đang còn có những hạn chế và còn nhiều vụ án phải cải sửa đang có những oan sai. Từ thực tiễn này mới thấy rằng tại sao bây giờ phải bổ sung qui định này thì cũng xuất phát từ nguyên tắc Viện kiểm sát thực hành chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mà kiểm sát hoạt động tư pháp là nhằm mục đích để bảo vệ pháp luật, để bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trong trường hợp điều kiện bây giờ nước ta thì trình độ hiểu biết pháp luật của dân ta có thể nói đang còn hạn chế.

Về số lượng luật sư, hiện nay báo cáo với các đại biểu Quốc hội là chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác tố tụng và nhiều người dân cũng chưa có điều kiện về mặt tài chính để có thể nói là mời luật sư tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước  tòa. Chính từ thực tiễn này thì chúng ta mới thấy rằng qua bao nhiêu năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì thiếu vai trò của Viện kiểm sát không có điều kiện để tham gia vào thì nó có thể nói là không đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên như vậy. Cho nên lần này cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng tình cần có sự tham gia của Viện kiểm sát vào trong tố tụng dân sự.

Còn các vị cũng đồng ý rằng bây giờ tham gia nhưng mà tham gia ở mức độ thế nào và mỗi giai đoạn tố tụng thì cần có sự phân biệt. Cũng báo cáo với Quốc hội trong dự thảo luật đã có qui định ở giai đoạn sơ thẩm thì Viện kiểm sát tham gia để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng chứ không tham gia với vai trò để phát biểu về nội dung của vụ việc. Vì lúc đó chưa có bản án, chưa có quyết định của Tòa án còn từ giai đoạn phúc thẩm và giai đoạn Giám đốc thẩm thì Viện kiểm sát tham gia vừa là bảo đảm tuân thủ pháp luật tố tụng, nhưng đồng thời cũng để có điều kiện phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án, bởi vì lúc đó đã có bản án, có quyết định của Tòa án rồi và Viện kiểm sát còn thực hiện chức năng kháng nghị của mình nếu như thấy bản án hoặc quyết định có vi phạm pháp luật. Chính vì vậy đa số đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo nên có sự tham gia của Viện kiểm sát.

Vấn đề thứ hai là đại biểu Quốc hội có nêu vấn đề là bây giờ vai trò của Tòa án đối với các quyết định của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án có quyền hủy các quyết định đó hay không? Trong Báo cáo giải trình của Thường vụ Quốc hội đề nghị cho Tòa án có quyền đó, nhưng trên thực tế và qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cũng thấy rằng đây là vấn đề cũng cần cân nhắc thêm với lý lẽ là bây giờ hầu hết tất cả các vụ án dân sự đều giao cho Tòa án sơ thẩm cấp huyện để xét xử, trừ những vụ có yếu tố nước ngoài. Bây giờ quyết định hành chính kể cả văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức khác thì do rất nhiều cơ quan chúng ta ban hành và theo những thủ tục thẩm quyền trình tự rất khác nhau. Nếu Tòa án cấp huyện có thẩm quyền thấy rõ ràng là trái pháp luật rồi mà có quyền hủy quy định đó mặc dù có thể nói cả sơ thẩm, phúc thẩm sau này sẽ có quyền để xem xét lại thì cũng có vấn đề rất phức tạp. Đây là vấn đề không ngẫu nhiên mà trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 Quốc hội đã không quy định vấn đề này nữa như Pháp lệnh năm 1989 thì chỗ này xin phép Quốc hội là để chúng tôi bàn bạc trong các cơ quan và báo cáo với Thường vụ Quốc hội và sẽ giải trình trước Quốc hội về vấn đề này cho kỹ.

Thứ ba, về thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao trong thủ tục xét xử đối với bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới ảnh hưởng đến việc giải quyết nội dung của vụ án. Đây là vấn đề có ý kiến rất khác nhau từ khi soạn thảo dự án luật này cho đến quá trình tham gia vào dự án, cũng như tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội thì ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng rất khác nhau. Cũng phải xuất phát từ thực tế là đối với những bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về cơ bản là đúng pháp luật, bảo đảm công lý. Nhưng cũng có trường hợp các bản án của Hội đồng hay nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng, gây oan sai cho người dân, cho đương sự. Qua hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, qua hoạt động giám sát của Ủy ban tư pháp và các Ủy ban của Quốc hội, qua dư luận xã hội. Chính bản thân đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc chính bản thân đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng thấy rằng bản án, quyết định của Hội đồng thẩm phán không đúng pháp luật, gây oan sai cho người dân.

Bây giờ trong nhà nước pháp quyền, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo đúng pháp luật mà chúng ta không có cơ chế nào để giải quyết, khắc phục những trường hợp như vậy thì có được không. Chính vì chỗ này trao đổi nhiều lần trong nhiều cơ quan và thấy trong điều kiện của chúng ta nếu cứ để như vậy thì không ổn. Cho nên lần này xin phép Quốc hội có bổ sung thêm một cơ chế đặc biệt, với những thủ tục, trình tự rất chặt chẽ để Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao có điều kiện xem xét lại quyết định của mình để sửa sai quyết định của mình với tinh thần như các điều quy định ở đây. Chính vì vậy trong Luật thủ tục tố tụng hành chính đã trình ra và được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 cũng đã bổ sung cơ chế đặc biệt này, thì lần này cũng xin phép Quốc hội cho bổ sung cơ chế để xem xét giải quyết lại những bản án quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng.

Còn những vấn đề khác, ví dụ như Viện kiểm sát tham gia tất cả hay xét thấy cần thiết. Qua ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chúng tôi thấy rằng nên tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để quy định chặt chẽ là Viện kiểm sát phải tham gia tất cả chứ không nói là khi thấy cần thiết như đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chấp nhận và có những giải pháp để tăng cường biên chế, tổ chức, sắp xếp lực lượng của mình để giải quyết những vụ việc này khi đã được Quốc hội quy định trong luật.

Điều 310a và một số vấn đề về kỹ thuật chúng tôi xin tiếp thu cho chặt chẽ, thể hiện rõ ràng về mặt pháp lý để tránh sự hiểu lầm sau này có những cách hiểu khác nhau, vấn đề kỹ thuật chúng tôi sẽ xử lý trong lần báo cáo với Quốc hội để xem xét thông qua. Bây giờ xin mời Quốc hội nghỉ, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan