Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc – Bình Thuận

Thứ Hai 11:09 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia ý kiến về hai vấn đề. Một là về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong vụ án dân sự. Hai là về thủ tục đặc biệt xem xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân, về cơ bản tôi tán thành Viện kiểm sát nhân dân không tham gia vào các vụ án dân sự như nhiều đại biểu đã nêu. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, có một số vụ án có lẽ phải có một vai trò nhất định nào đó của Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là một cơ quan nhà nước để bảo vệ những bên yếu thế. Tôi lấy ví dụ trong các vụ án dân sự mà có sự tham gia của các tổ chức có vị thế độc quyền trong các vụ cạnh tranh không lành mạnh hoặc lợi dụng vị thế độc quyền thì thông thường các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các doanh nghiệp có vị thế yếu không thể tự mình đứng ra khởi kiện những doanh nghiệp có vị thế độc quyền trong các vụ án. Tôi đề nghị cân nhắc trong những trường hợp như vậy cần phải quy định trong luật về vai trò nhất định nào đó của Viện kiểm sát.

Tham khảo kinh nghiệm của các nước tôi thấy rằng đối với vụ án độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh thì người ta có một cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp có vị thế yếu trên thị trường. Chỗ này tôi đề nghị cần cân nhắc để có thể bổ sung quy định. Tôi cũng tán thành không nên quy định chung chung là "khi Viện kiểm sát xét thấy cần thiết", như thế không cụ thể.

Vấn đề thứ hai, về cơ chế đặc biệt để xem xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy có những quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thời gian qua cho thấy có những trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng. Như vậy rõ ràng trong trường hợp nào mà nhận định như thế thì Tòa án nhân dân tối cao trong trường hợp này thì thực chất là không tối cao, không tối cao về mặt xét xử để khi có một thực tiễn mà phát hiện ra là đến mức Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán mà có những sai phạm nghiêm trọng thì niềm tin của người dân, của các doanh nghiệp vào Tòa án nhân dân tối cao của chúng ta như thế nào? Tôi đề nghị phải xem xét lại thực tiễn này. Để giải quyết thực tiễn này thì vấn đề không phải là tạo ra những thủ tục khác, tối cao khác, mà chính là giải pháp về tổ chức, về chọn lựa thẩm phán và bảo đảm thế nào các thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải là những người hiểu về pháp luật và áp dụng pháp luật ở trình độ cao nhất, có thực tiễn nhất, được chấp nhận với tư cách là cơ quan xét xử cao nhất. Nếu chúng ta đưa ra những thực tiễn chứng minh như thế này tôi thấy phải có một Tòa án tối cao khác, Tòa án hiến pháp hay Hội đồng bảo hiến thì cũng không phải là cơ quan được hình thành ra để xem xét lại các bản án của Tòa án nhân dân tối cao mà Tòa án bảo hiến hay Hội đồng bảo hiến là chỉ xem xét tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành, hoặc các văn bản do Chính phủ ban hành chứ không phải là để xem xét lại các bản án của Tòa án nhân dân tối cao. Vì thế ở trong này chúng ta đưa ra giải pháp mà giải pháp này cũng đã được đưa ra trong Luật về tố tụng hành chính, nhưng chúng tôi vẫn thấy băn khoăn nhiều đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước cũng băn khoăn, nhưng lần này không phát biểu thì tôi cho rằng chắc các đại biểu này cũng tán thành. Nhưng riêng cá nhân vẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao cân nhắc là chúng ta có nên tạo ra một cơ chế đặc biệt như trong dự thảo không. Nếu theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay theo đề nghị của Ủy ban Tư pháp tức là biến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp thành một cơ quan trong tố tụng có nên không? Tôi cho rằng chỗ này cần phải cân nhắc, Ủy ban Tư pháp kiến nghị được còn các Ủy ban khác của Quốc hội xét về mặt nội dung của vụ án có quyền kiến nghị như vậy không? Bởi vì Ủy ban Tư pháp cũng là một khía cạnh, còn các Ủy ban khác người ta hiểu nội dung người ta có thể kiến nghị như vậy không như vụ án về sở hữu trí tuệ, vụ án về kinh tế v.v.... Tôi đề nghị cân nhắc.

Thứ hai, ở đây có một nguyên lý mà chúng tôi cũng đã kiến nghị là Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp là cơ quan có quyền duy nhất giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Bên cạnh đó Tòa án nhân dân tối cao cũng là cơ quan áp dụng pháp luật.Vậy thì phải chăng trong trường hợp giữa giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác với hiểu và áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao phải xem xét lại bản án của mình phù hợp với giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tôi cho rằng nên áp dụng cơ chế giải thích Hiến pháp và luật như vậy, cơ chế gián tiếp như vậy hay hơn là để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp hoặc một Ủy ban nào đó của Quốc hội tham gia vào quá trình tố tụng. Làm như vậy chúng ta lại bắn ra một tín hiệu với thế giới và nhân dân trong nước rằng Tòa án nhân dân tối cao của chúng ta chưa phải là cơ quan xét xử cao nhất. Đề nghị cân nhắc vấn đề này. Xin hết.

Các văn bản liên quan