Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Hai 11:09 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phát biểu hai ý kiến, một là vấn đề như đồng chí Hà Công Long nói tức là Viện kiểm sát có tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp của Tòa án hay không, hay chỉ những việc khi xét thấy cần thiết. Ngoài những lý lẽ như đại biểu Hà Công Long phát biểu, tôi xin thêm hai ý.

Một, muốn nói gì thì nói nhưng thực tế chúng ta đã đánh giá và tổng kết chất lượng xét xử các vụ án dân sự trong thời gian qua là thấp và một trong những nguyên nhân đó đã thể hiện trên thực tế là Viện kiểm sát có vai trò kháng nghị đối với các bản án dân sự, nhưng trên thực tế việc kháng nghị các bản án dân sự của Viện kiểm sát thời gian qua là rất ít. Chúng tôi đã đi địa phương từ khi công tác ở Ủy ban Pháp luật có những Viện kiểm sát huyện ba năm không kháng nghị một vụ án nào về dân sự. Trong khi đó tòa phúc thẩm xét xử hủy, cải sửa những bản án sơ thẩm là không ít, đấy là một việc không thể không tính đến.

Thứ hai, theo tôi về kỹ thuật lập pháp mà cũng là nguyên tắc không nên Quốc hội đưa ra một qui định rằng làm gì đó tùy cơ quan ấy xét thấy cần thiết, mà Quốc hội phải qui định rõ ràng, minh bạch để Viện kiểm sát cũng phải thực hiện theo qui định của Quốc hội. Tôi chỉ xin thêm hai ý kiến đó về vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, về việc Tòa án trong quá trình xét xử các vụ án có thẩm quyền hủy các quyết định của cơ quan, tổ chức khác khi thấy những quyết định đó là trái pháp luật hay không. Đúng là Pháp lệnh năm 1989 có quy định này, tuy nhiên suốt 15 năm từ khi ban hành, từ năm 1989 cho đến khi ban hành Bộ luật tố tụng dân sự hoàn toàn không có một trường hợp nào Tòa án trong khi xét xử các vụ án dân sự đã ra những bản án hủy những quyết định sai trái. Vì sao?

Thứ nhất, Tòa án hiện nay cho đến bây giờ vẫn tổ chức theo đơn vị hành chính có Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao, có tỉnh, có huyện là các cơ quan hay Tòa án. Với cơ quan Tòa án gắn liền với cơ quan hành chính thì một thẩm phán ở Tòa án huyện không thể hủy quyết định của Chủ tịch huyện, vấn đề này vừa có pháp lý, vừa có thực tế. Pháp lý ở đây về nguyên tắc chung ở nước ta chỉ có cấp trên mới hủy được cấp dưới, ngay cả cơ quan quyền lực Nhà nước, Hội đồng nhân dân hay Quốc hội đối với những quyết định cũng chỉ giám sát rồi có kiến nghị, không thể trực tiếp hủy được. Ngay cả hành chính cấp trên khi kiểm tra cấp dưới cũng có thể hủy nhưng hậu quả sau hủy là gì? Hủy xong phải ban hành văn bản khác. Cho nên lý lẽ ở đây nói việc không hủy đó gây cản trở cho hoạt động xét xử của Tòa án gây chậm trễ v.v... quyết định đó là nội dung, là căn cứ để tòa xét xử vụ án nhưng hủy đi rồi còn đâu có căn cứ, anh hủy rồi vẫn phải chờ cơ quan hành chính ban hành văn bản mới. Tôi ví dụ quyết định về giá đền bù đất, có thể phát hiện ra quyết định đền bù giá này không đúng với quy định của Hội đồng nhân dân, của Chính phủ nhưng Hội đồng xét xử có hủy đi nữa cũng không quyết được việc đền cho người dân bao nhiêu cho đúng vẫn phải là Ủy ban nhân dân hay một cấp có thẩm quyền đó của cơ quan hành chính ban hành một văn bản khác làm cơ sở căn cứ cho việc xét xử và giải quyết của tòa án, vì tất cả những lý do đó cho nên suốt 15 năm từ năm 1989 đến năm 2004 không có một trường hợp nào có thể hủy được.

Hai nữa là ở đây viết cũng khó hiểu và pháp lệnh cũ cũng khó hiểu nên không ai biết được. Khi chúng ta nói tòa án xét xử thì đó là tòa án chung, nhưng khi đối với một vụ việc cụ thể, một vụ án cụ thể là hội đồng xét xử. Ở đây không rõ ràng trong khi xét xử vụ án dân sự cụ thể thì hội đồng xét xử hủy hay tòa án? Bộ luật tố tụng dân sự quy định rất rõ trước khi mở có những vấn đề phải là tòa án mà tòa án ở đây là chánh án, khi đã ra phiên tòa thì người quyết định đó là hội đồng xét xử và có đồng chí thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết. Cho nên quy định tòa án hủy ở đây cũng là một quy định rất mơ hồ không ai biết như thế nào để thực hiện, nếu phát hiện trước khi người ta nhận hồ sơ, người ta thụ lý hồ sơ người ta thấy có quyết định cần hủy thì hội đồng xét xử đã được chỉ định là ông thẩm phán hủy, chánh án hủy hay ai, chỗ này không rõ. Cho nên tòa án cấp nào hay hội đồng xét xử hủy văn bản của cơ quan nào và hơn nữa ở đây còn có chữ "tổ chức", tổ chức của chúng ta thì rất nhiều, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội v.v... không biết ở đây Pháp lệnh năm 89 có hạn chế là không làm rõ được tất cả những vấn đề này cho nên không thể thực hiện được mà bây giờ chúng ta định lặp lại thì rất khó. Ở đây muốn nói tổ chức nào, văn bản gì, kể cả quyết định cũng không rõ, quyết định đây là một văn bản hành chính hay là một văn bản quy phạm. Chữ "quyết định" có hai nghĩa, một nghĩa với tư cách là một hình thức văn bản ví dụ như quyết định của Thủ tướng, quyết định của Chủ tịch tỉnh, đó là hình thức văn bản, quy phạm nhưng đồng thời quyết định cũng là hành động quyết định ví dụ Quốc hội đang bàn để quyết định việc này như thế nào nhưng quyết định rồi thì nó lại ở trong luật, cho nên bản thân chữ "quyết định" nó cũng không minh bạch, nó cũng không rõ ràng, tóm lại quyết định là văn bản gì, tòa án là tòa án cấp nào, cơ quan, tổ chức là tổ chức nào, tất cả mọi chuyện ở đây đều không rõ ràng cho nên không thể thực hiện được. Cho nên việc năm 1989 có quyết định như vậy nhưng đến năm 2004 chúng ta không tiếp tục được nữa, việc ban hành pháp lệnh với lý do như vậy, cho nên bây giờ có đưa vào nữa cũng không giải quyết vấn đề gì. Tôi xin báo cáo lại là lần này dù tòa án hay hội đồng xét xử có hủy thì vẫn phải chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành một văn bản mới thì mới có cơ sở để giải quyết vụ án đó. Tóm lại, tôi đề nghị không nên đưa quy định này vào luật, tôi xin hết.

Các văn bản liên quan