Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 11:06 28-03-2011

Tôi xin phép được phát biểu về việc đại diện Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự. Tôi thấy rằng trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một quan điểm dung hòa cụ thể là đã quy định Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm khi xét thấy cần thiết và kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân thủ tuân theo pháp luật về tố tụng của thẩm phán Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Trong phiên tòa phúc thẩm kiểm sát viên còn phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, theo tôi quy định như trên là chưa phù hợp với nguyên tắc việc dân sự cốt ở đôi bên, tức là nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong giải quyết các vụ án dân sự, tại sao vậy?

Thứ nhất, Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một bên đương sự.

Thứ hai, vị trí, chỗ đứng của Viện kiểm sát là lợi ích của nhà nước, không phải lợi ích của một trong hai bên đương sự. Do đó theo tôi trong những vụ án dân sự mà đối tượng tranh chấp là tài sản công, tài sản của nhà nước thì kiểm sát viên tham gia có quyền phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Ví dụ, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối là một bên tranh chấp thì Viện kiểm sát có quyền phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Lúc đó Viện kiểm sát đứng ở vị trí lợi ích của nhà nước để phát biểu quan điểm bảo vệ quyền lợi của nhà nước, còn các bên đương sự là công dân thì kiểm sát viên không thể phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Tôi ủng hộ ý kiến giữ lại quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành là Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối với các vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự khiếu nại.

Ngày hôm qua đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong báo cáo công tác của ngành kiểm sát nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII cho rằng do quy định trên đây Viện kiểm sát chỉ tham gia 0,44% phiên tòa xét xử sơ thẩm dân sự nên Viện kiểm sát không đủ điều kiện để thực hiện trách nhiệm kiểm sát tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Theo tôi được biết dù Viện kiểm sát có tham gia hay không tham gia thì thực tế hồ sơ vụ án dân sự đều được gửi đến Viện kiểm sát nên thông qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án Viện kiểm sát hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các vụ án dân sự. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan