Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Ngọc Xuyên – Bạc Liêu

Thứ Hai 11:06 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi nhất trí với bản giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình ra Quốc hội. Tuy nhiên khi nghiên cứu cụ thể các điều luật trong dự thảo này tôi xin có 4 ý kiến góp ý như sau:

Thứ nhất, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 31 là tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà không nhất thiết phải giải quyết qua thủ tục hòa giải tại cơ sở thì dự thảo Điểm a có viết là: về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo tôi việc hiểu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể do người sử dụng lao động hoặc do lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên trong trường hợp này dự thảo luật chỉ đề cập đến trường hợp người lao động bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Do vậy, để khẳng định rõ tôi đề nghị sửa lại như sau:

Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đó là ý kiến thứ nhất.

Thứ hai, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 85 thu thập chứng cứ có quy định thẩm phán có thể tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ bằng biện pháp đối chấp. Theo tôi quy định như vậy là không phù hợp, vì thẩm phán giải quyết vụ án là những người nhân danh pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên không thể có việc đối chấp với nguyên đơn hoặc bị đơn, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do vậy, tôi đề nghị sửa biện pháp đối chấp bằng biện pháp tổ chức đối chấp có nghĩa là thẩm phán tổ chức đối chấp giữa các đương sự trong vụ án chứ không thể là thẩm phán đối chấp được.

Thứ ba, tại Điều 176 quyền yêu cầu phản tố của bị đơn. Tôi thấy nội dung của điều này gồm 3 khoản thì mở rộng hơn ngoài phạm vi của quyền đã đề cập đến nội dung và yêu cầu phản tố của bị đơn. Do vậy, tôi đề nghị xem xét cân nhắc lại tiêu đề của điều này theo hướng mở rộng hơn để bao quát hết các nội dung mà điều này đề cập.

Thứ tư, tại Điều 189 tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, điều này nêu ra 6 trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì tôi cũng nhất trí với các nội dung này. Tuy nhiên, để thống nhất với cách trình bày trong các Điều 202, 275, 277, 297 thì tôi đề nghị bổ sung thêm một câu chung trước khi liệt kê các trường hợp bị đình chỉ giải quyết vụ án là Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án đương sự trong các trường hợp sau. Tức là sau tiêu đề thì có một câu chung trước khi đi vào các khoản. Xin cảm ơn Quốc hội, xin hết.

Các văn bản liên quan