Góp ý của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa – TP Đà Nẵng

Thứ Tư 14:38 27-10-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Tôi rất tán thành với 18 nội dung trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật tố tụng hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo. Đặc biệt tôi nhất trí cao với 2 nội dung cuối cùng của bản giải trình, sửa đổi 2 điều là Điều 136 và Điều 138 của Luật đất đai và quy định thêm một điều chuyển tiếp Điều 163 là rất sát với tình hình thực tế nhằm mở rộng quyền khiếu nại, khởi kiện của công dân, khắc phục được những vướng mắc bất cập mà lâu nay chúng ta chưa thể giải quyết được. Ở đây tôi xin tham gia 3 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất là về khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 104 của dự thảo luật. Đây là một hướng mở rất nhân văn nhằm trao cho người dân quyền được tự lựa chọn một trong hai trường hợp là kiện cơ quan hành chính hoặc kiện ra Tòa án, không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Việc quy định cơ chế thông thoáng, dân kiện quan không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà cho cả Tòa án trong việc thụ lý giải quyết các vụ án hành chính. Đồng thời nhằm hạn chế, khắc phục những biểu hiện lạm dụng quyền lực, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, công chức nhà nước trong việc giải quyết công việc cho người dân, tạo cho công chức nhà nước ý thức tôn trọng pháp luật và biết sợ pháp luật. Vì nếu không làm đúng pháp luật thì bị người dân khởi kiện.

Vấn đề thứ hai, việc xem xét và quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại các Điều 228, Điều 229, Điều 237, Điều 238 của dự thảo luật, tôi đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng đồng tình với đại biểu Dũng ở Hà Tĩnh: sau khi phát hiện bản án có sai lầm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có quyền kiến nghị, nhằm khắc phục những vướng mắc về cơ chế xét xử của Tòa án trong thời gian qua. Cần thiết phải quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, tôi cũng rất phân vân và đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại một cách thận trọng hai vấn đề sau đây có liên quan đến nguyên tắc xét xử của Tòa án được quy định trong Hiến pháp năm 1992. Điều 130 Hiến pháp quy định khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Khoản 2, Điều 229 và Khoản 2, Điều 238 dự thảo luật quy định tại phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngoài sự tham dự có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và có thể mời cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp. Tôi cho rằng dự thảo quy định các thành phần nêu trên tham dự phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là chưa phù hợp. Bởi lẽ Điều 127 của Hiến pháp quy định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền xem xét, đồng thời trong công tác xét xử của Tòa án thì chỉ có Viện kiểm sát mới có quyền kiểm sát xét xử, các cá nhân, cơ quan Nhà nước khác không được can thiệp vào công việc xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định việc xem xét lại bản án của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là một thủ tục đặc biệt đối với tố tụng hành chính kể cả sau này sửa đổi Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự. Nên trước khi xét xử vụ án Tòa án có thể gửi các tài liệu đã thu thập được cho các thành phần nêu trên nghiên cứu, xem xét và gửi lại ý kiến của mình cho Tòa án để Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tham khảo trước khi tiến hành xét xử lại vụ án. Quy định như vậy vừa đảm bảo tranh thủ được trí tuệ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước và cá nhân, vừa đảm bảo với Hiến pháp hiện hành. Tóm lại, để đảm bảo tính khách quan trong xét xử của Tòa án, tôi đề nghị thiết kế lại quy định của Khoản 2, Điều 229 và Khoản 2, Điều 238 dự thảo luật theo hướng phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ cần có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là đủ. Điều 131 Hiến pháp và Điều 6 Luật tổ chức Tòa án nhân dân quy định Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, theo cách hiểu này thì đa số có nghĩa là trên 50%. Trong khi đó tại Khoản 3, Điều 228 và Khoản 3, Điều 237 dự thảo luật quy định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành. Tôi đề nghị cân nhắc lại quy định này sao cho đảm bảo nguyên tắc hợp hiến và hợp pháp. Theo tôi chúng ta không nên tuyệt đối hóa quy định của pháp luật mà nên quy định một nguyên tắc xét xử chung theo đúng quy định tại Điều 131 Hiến pháp và Điều 6 Luật tổ chức Tòa án nhân dân đó là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Vấn đề thứ ba, về quyết định của Hội đồng xét xử, Hội đồng xét xử quyết định bản án là kết thúc việc giải quyết một vụ án hành chính. Thực tế thời gian qua Tòa án chỉ tuyên hủy quyết định hành chính đơn thuần, không giải quyết những hệ quả kéo dài của vụ việc dẫn đến tình trạng nửa vời làm cho người dân dù thắng kiện cũng phải vất vả, gian nan trong việc thực hiện quyền của mình. Do đó tôi hoàn toàn nhất trí quy định tại Điều 164 dự thảo luật là: giao cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết toàn diện, triệt để vụ án, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân. Đồng thời buộc các cơ quan nhà nước, các công chức nhà nước phải thận trọng trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính. Xin hết, cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan