DỰ LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH: Cách chức cán bộ không chịu thi hành án?

Thứ Hai 11:19 16-08-2010

DỰ LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH: Cách chức cán bộ không chịu thi hành án?

 

Án phải tuyên rõ để không thể hiểu lấp lửng rồi cố tình không thi hành án.

Góp ý về dự luật tố tụng hành chính mới đây, một đại diện Bộ Tư pháp cho biết hiện nay các án hành chính không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ. Khó khăn lớn nhất là khi cơ quan, công chức nhà nước thua kiện thì chính họ lại là nơi thi hành án (THA). Họ có tâm lý luôn bảo vệ đến cùng quyết định hành chính đã ban hành, không phục các quyết định của tòa… Cơ quan THA rất khó thi hành những bản án này.

Quy định rõ biện pháp chế tài

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự Nguyễn Thanh Thủy đề nghị khi hủy quyết định hành chính, tòa cần tuyên rõ “khi bản án có hiệu lực pháp luật thì quyết định đương nhiên bị hủy”. Làm như vậy để tránh chuyện bị hiểu lấp lửng, bên thua kiện không chịu hủy quyết định sai. Ngoài ra, bản án tòa cần tuyên cụ thể, rõ ràng về tài sản và quyền tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên để không ai cãi được.

Ông Thủy đề nghị thêm: “Luật tố tụng hành chính cần quy định thời hiệu yêu cầu THA và trách nhiệm, biện pháp chế tài đối với cơ quan, cá nhân bị THA nếu có vi phạm...”. 

Đồng tình, luật sư Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nói: “Nếu bên phải THA không tự nguyện thì phải cưỡng chế chứ không thể bó tay. Chung quanh quyết định THA luôn là những mối quan hệ hành chính, mệnh lệnh hoặc quan hệ ràng buộc khác giữa những cơ quan nhưng chúng ta phải tách biệt mọi chuyện. Nếu THA không cưỡng chế được thì khó đảm bảo quyền và lợi ích của người dân”.

Mạnh dạn hơn, Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp Hà Văn Thượng và Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh đề xuất: “Biện pháp chế tài cụ thể là cách chức những người ra quyết định hành chính sai nhưng không chịu thi hành bản án của tòa”.

Ông Thượng kiên quyết: “Tại sao khi người dân sai thì cứ đè ra xử, còn cơ quan nhà nước hoặc người có trách nhiệm của cơ quan đó sai thì không xử lý? Tôi đảm bảo cứ quyết liệt như vậy thì không ông chủ tịch nào dám chây ỳ THA nữa!”.

Bộ Tư pháp quản lý THA

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phạm Quý Tỵ, pháp lệnh hiện hành giao cho Chính phủ quản lý thống nhất việc THA. Tuy nhiên, pháp lệnh lại chưa quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp và cơ quan chuyên môn giúp ủy ban theo dõi việc THA. Thế nên cũng chưa có chế tài xử lý trường hợp không chấp hành án. Vì vậy phải quy về một đầu mối, giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý chỉ đạo, kiểm tra việc THA hành chính.

Ông Nguyễn Thanh Thủy và ông Hà Văn Thượng cũng thống nhất nên giao cho Bộ Tư pháp. Bởi theo quy trình hiện hành, việc tổng hợp đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm THA không có cơ quan nào làm. Khi giao về cho Bộ Tư pháp đảm nhiệm, Tổng cục THA dân sự và các cơ quan THA dân sự sẽ giúp Bộ quản lý. Cạnh đó, khi xét xử xong, tòa án cần gửi cho cơ quan quản lý THA một bản án để tiện theo dõi.

Thiếu quy định, thi hành án lỏng lẻo

“Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành không quy định thủ tục THA hành chính rõ ràng. Vì thế dẫn đến chuyện quá nhiều đầu mối theo dõi, giám sát việc thi hành nhưng không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm việc đôn đốc, tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm, thống kê kết quả THA. Pháp lệnh cũng chưa có quy định về trách nhiệm và chế tài xử lý với các trường hợp cố tình không chấp hành bản án, tạo ra tình trạng THA khó khăn.” 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hộiPHẠM QUÝ TỴ

Luật mâu thuẫn nhau

Theo khoản 2 Điều 74 của pháp lệnh thì thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi giám sát việc THA hành chính. Nhưng theo Luật Khiếu nại tố cáo thì cơ quan cấp trên lại là nơi giải quyết khiếu nại lần hai. Vì thế nếu bản án của tòa ngược lại với nội dung giải quyết khiếu nại lần hai thì việc THA khó có kết quả tốt.

Thậm chí có trường hợp không chỉ làm lơ nhiệm vụ giám sát, thủ trưởng cấp trên còn chỉ đạo cho cấp dưới không nên THA ngay mà phải khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, luật tố tụng hành chính cần quy định cụ thể chế tài với các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền cố tình không THA.

Chánh án TAND TP.HCMBÙI HOÀNG DANH

Tránh vô hiệu hóa án đã có hiệu lực

Có trường hợp TAND Tối cao dựa vào tình tiết mới là sau khi xử phúc thẩm phía UBND hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại không đúng để xem xét bản án theo trình tự tái thẩm. Theo tôi, việc kháng nghị tái thẩm trên là không đúng vì không thể coi việc UBND hủy bỏ quyết định hành chính sau khi án đã có hiệu lực là tình tiết mới được. Vì thế, việc ban hành một quy định cụ thể về việc THA là rất cần thiết để tránh chuyện lợi dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm làm vô hiệu hóa bản án của tòa.

Luật sưPHAN TRUNG HOÀI,Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH TÙNG – Theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/8/2010

 

Các văn bản liên quan