Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị

Thứ Năm 11:30 17-06-2010

Cho đến bây giờ thì không có đại biểu nào đăng ký phát biểu thêm nữa và thời gian của chúng ta còn rất ít, cho nên đồng chí Trưởng ban soạn thảo, Tổng thanh tra Chính phủ có đề nghị cho xin phép là thôi, tôi xin có một vài ý kiến gom lại như sau:

Kính thưa Quốc hội,

Cho đến lúc này đã có 22 đại biểu Quốc hội đăng ký và đã phát biểu tại hội trường. Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rất phong phú và rất sôi nổi, mang tính tranh luận cao. Nhiều ý kiến rất sâu sắc và cụ thể, góp vào từng điều, khoản một của những vấn đề lớn mà chúng tôi đã đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Vấn đề thanh tra chúng ta biết rằng đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, cho nên tại nhiều kỳ họp, mỗi khi mà xem xét thông qua các dự án luật thì đại biểu Quốc hội đều phát biểu rất nhiều về vấn đề thanh tra. Lần này Chính phủ trình với Quốc hội dự án Luật thanh tra (sửa đổi) để chúng ta có một cơ hội, một dịp để xem xét lại tất cả các tổ chức hoạt động thanh tra hiện nay của chúng ta.

Đại biểu Quốc hội thấy rằng việc tổng kết đánh giá một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện pháp luật thanh tra hiện nay đề nghị với cơ quan soạn thảo cần phải tiến hành thêm. Nhiều bất cập, thiếu sót được nêu trong Báo cáo tổng kết gửi cho đại biểu Quốc hội trong tài liệu, qua ý kiến nhiều đại biểu thấy rằng những vấn đề này cũng chưa được giải quyết, xử lý một cách thỏa đáng và triệt để ở dự án luật này, cho nên vẫn đang còn những vấn đề mà chúng ta băn khoăn .Ví dụ như thẩm quyền của cơ quan thanh tra, địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, cơ chế vận hành như thế nào để có thể nói là cơ quan thanh tra có được hiệu lực, hiệu quả và có thể tránh được sự chồng chéo, vướng mắc trong hoạt động thanh tra. Đó là những vấn đề đề nghị các đồng chí trong Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên chú ý thêm. Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thì có đề cập đến mấy vấn đề lớn như sau:

Một là về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Xin báo cáo với Quốc hội là như chúng ta biết và đại biểu Quốc hội cũng đã nêu là mô hình cơ quan thanh tra và tên gọi thanh tra từ khi chúng ta lập nước đến nay thì cũng rất khác nhau, có 7 mô hình, có 7 tên gọi khác nhau. Chính vì vậy xác định địa vị pháp lý của nó cho đến bây giờ có thể nói là ý kiến đang còn khác nhau trong các vị đại biểu Quốc hội. Nhưng trên cơ sở dự án Luật và thực tế hiện nay thì chúng ta thấy rằng cơ quan thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thanh tra, ở đây có việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra đối với hệ thống thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, có việc quản lý Nhà nước về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thì đấy là trách nhiệm quản lý Nhà nước của thanh tra. Nhưng đồng thời thanh tra là công cụ hữu hiệu của Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính Nhà nước để tiến hành thanh tra các vụ việc trong phạm vi quản lý Nhà nước của mình. Chính chỗ đại biểu Quốc hội đang băn khoăn, vậy thì thanh tra có phải là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho Thủ trưởng cơ quan hành chính thuần túy hay là cơ quan thanh tra có vị trí vai trò độc lập tương đối để nó tiến hành hoạt động thanh tra một cách khách quan, chủ động và tự chịu trách nhiệm về chuyện này thì mới bảo đảm hiệu quả. Chính chỗ này là trong dự thảo luật chúng ta đã thể hiện theo hướng này nhưng mà cũng chưa rõ được. Tôi đề nghị đây là vấn đề rất lớn nên chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa báo cáo lại Quốc hội trong kỳ họp tới vì chỗ này xin báo cáo thêm. Nếu theo trước đây như Bác Hồ đã nói "thanh tra là tai mắt của trên là bạn của dưới, coi thanh tra là công cụ, là phương tiện của cơ quan quản lý, của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước". Bây giờ có hai loại ý kiến, có đại biểu nói là ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó có thanh tra nhưng cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội nói rằng ở đâu có quản lý thì ở đó có kiểm tra còn thanh tra chỉ là hình thức đặc thù trong một số trường hợp nào đó, đây có thể nói là những vấn đề về lý luận cho nên chũng tôi xin phép là để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và báo cáo lại Quốc hội trong thời gian tới.

Thứ hai, hoạt động của thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính trong Báo cáo thẩm tra mà nhiều đại biểu hôm nay phát biểu cũng cho rằng trong Điều 5 thì chúng ta cũng chưa thể hiện rõ được phạm vi khi nào thì thanh tra hành chính, khi nào thì thanh tra chuyên ngành, mà cả hai bên đều thể hiện chỗ thanh tra là việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ngành lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Còn thanh tra chuyên ngành, thêm các quy chuẩn kỹ thuật, về quy trình cái này, cái kia thì ở chỗ này đề nghị chúng ta phải làm rõ hơn trong dự án luật.

Về tổ chức cơ quan thanh tra thì hiện nay đi theo hướng là trên cơ sở của luật năm 2004, gồm có thanh tra hành chính. Ở Trung ương thì có Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. thanh tra chuyên ngành thì có thanh tra bộ và thanh tra sở. Dự thảo luật lần này kiến nghị thêm một hệ thống thanh tra nữa là thanh tra tổng cục, cục và chi cục ở những lĩnh vực đặc thù về quản lý Nhà nước. Chỗ này mà ý kiến trong đại biểu Quốc hội và quá trình thẩm tra cho ý kiến về dự án luật này cũng rất khác nhau. Có ý kiến nói là bây giờ cần thiết thì thành lập để đảm bảo yêu cầu quản lý. Nhưng việc thành lập này cũng phải được kiểm soát chặt chẽ chứ không là phình bộ máy hành chính ra và chưa chắc đã bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, ví dụ như tăng biên chế, ví dụ như không đủ số lượng cán bộ để thực hiện thanh tra. Cho nên nên gắn chức năng thanh tra ở tổng cục, cục với những cán bộ, những chuyên viên hay chuyên gia mà làm ở lĩnh vực đó như đề xuất của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đây cũng là vấn đề đề nghị còn phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi hơn nữa.

Về nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan thanh tra. Cần phải làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền độc lập và tiến hành các hoạt động của thanh tra từ việc thành lập đoàn thanh tra, ra quyết định thành lập đoàn, kết luận của đoàn thanh tra, báo cáo thủ trưởng như thế nào thì ở đây ý kiến còn rất khác nhau. Chúng tôi cũng muốn vừa là làm rõ được thẩm quyền của cơ quan này, còn trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện vi phạm pháp luật hoặc có phát hiện những kiến nghị xử lý không triệt để, chúng tôi đề nghị cũng phải quy định rõ, tránh tình trạng qua hoạt động thanh tra xong, qua hoạt động giám sát kiểm tra, chúng ta phát hiện ra có những vụ thanh tra không làm đúng pháp luật hoặc là bị bỏ qua hoặc không làm tròn trách nhiệm hoặc là bao che. Ý kiến ở đây là muốn quy định rõ trách nhiệm của đoàn thanh tra và của thanh tra viên.

Về vấn đề thanh tra nhân dân, xin báo cáo Quốc hội, qua ý kiến đại biểu Quốc hội đa số đề nghị cần tiếp tục kế thừa quy định phần thanh tra nhân dân trong luật năm 2004 để đưa vào Luật thanh tra (sửa đổi) lần này khi chúng ta chưa làm được Luật thanh tra nhân dân thành một luật riêng. Với tinh thần đó cũng muốn sửa đổi những nội dung chưa hợp lý, hoặc bất cập hoặc còn thiếu trong các chương của luật năm 2004 để đưa vào luật này, vì luật này chúng ta còn thời gian mấy tháng nữa chúng ta mới trình Quốc hội xem xét thông qua. Sau này tốt nhất là chúng ta xây dựng luật về thanh tra nhân dân riêng.

Về phạm vi, tính chất là giám sát hay thanh tra việc này, việc kia, chức năng, nhiệm vụ như thế nào phải tiếp tục nghiên cứu. Với tinh thần đó xin phép Quốc hội cho dừng lại ở đây, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan