Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Năm 11:22 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy đại biểu Đặng Như Lợi, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu trước tôi đánh giá rất cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, tôi muốn đánh giá vừa phải. Mặc dù Báo cáo thẩm tra này nêu được nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề về lý luận nhưng chính kiến của Ủy ban chưa rõ ràng, ví dụ cần phân biệt giữa thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, vấn đề lý luận thế này, thế kia v.v... trong lúc chúng ta đang bàn về lý luận thì thực tiễn đặt ra những vấn đề khác.

Thực tiễn thấy thanh tra của chúng ta được tổ chức như thế này kém hiệu quả và nhân dân thấy thanh tra kéo dài, mà kéo dài cũng vi phạm tới công lý bởi vì nguyên tắc của pháp luật công lý chậm trễ là công lý bất công, dân ta "chờ vạ, má xưng", nhưng chờ kết luận thanh tra không làm gì được. Tôi thấy đã đến lúc chúng ta phải xem lại một cách nghiêm túc và toàn diện vấn đề thanh tra, kể cả về lý thuyết như một số đại biểu nêu, cũng như cách tổ chức hệ thống thanh tra của nhà nước ta.

Tôi thiên về ý các đại biểu nói có quản lý, có thanh tra, nhưng tôi muốn nói là có quản lý, có kiểm tra. Thanh tra là hình thức đặc biệt, đặc thù của kiểm tra, cho nên chúng ta phải tăng cường hoạt động kiểm tra. Vì có quản lý, có kiểm tra cho nên thanh tra như kiểu thanh tra dự án pháp luật này đề ra, thì tôi thấy nó có bài bản, như thế này phù hợp với thanh tra hành chính, thanh tra nội bộ, chứ không phù hợp với cái chúng ta đang gọi là thanh tra chuyên ngành, cho nên chúng tôi cũng thông cảm với nhiều đại biểu cho rằng nên chăng ta xây dựng một luật gọi là Luật thanh tra hành chính.

Còn thanh tra chuyên ngành thì bàn xem có hay không nên có thanh tra chuyên ngành, tôi có cảm giác hình như không cần thanh tra chuyên ngành, chuyên ngành là kiểm tra. Thành lập chuyên ngành này, thành lập ngành này, ngành kia thì đã có ngành thì có kiểm tra mà kiểm tra thì có xử lý. Nếu thấy không xử lý được, cần phải tổ chức cách thức thế này hoặc không đủ thẩm quyền thì chuyển lên cấp trên, nếu cấp trên không đủ thẩm quyền hoặc những vụ lớn quá thì chuyển sang cơ quan tư pháp. Tại sao lại dứt khoát phải có thanh tra chuyên ngành mà thanh tra chuyên ngành như các đại biểu nêu là một bộ máy vừa cồng kềnh, vừa tốn kém, vừa chẳng hiệu quả. Tại sao một ông Cục trưởng chuyên ngành lại phải phụ thuộc vào một ông thanh tra chuyên ngành do mình đặt ra, mà chuyên ngành ấy chịu trách nhiệm. Cho nên theo tôi thanh tra chuyên ngành không có nhưng nên có kiểm tra hoặc nếu có thanh tra chuyên ngành theo kiểu gắn thanh tra chuyên ngành ấy với chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành, không lập thêm bộ phận thanh tra chuyên ngành, không có thanh tra viên chuyên ngành. Bên Bộ Công an, cảnh sát giao thông là một thanh tra viên chuyên ngành, cũng cần phải có một thanh tra viên chuyên ngành trong Cục cảnh sát giao thông, anh ta đi phát hiện và xử lý nếu quá thẩm quyền thì đề nghị cấp trên xử lý, nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm hình sự chuyển ngay cho cơ quan hình sự. Tại sao lại phải chờ, vì trong này quy định muốn thanh tra phải có quyết định thanh tra, hoạt động thanh tra bắt đầu, như thế nhiêu khê quá. Trong lúc đó quản lý phải phản ứng nhanh, không kể trong lĩnh vực giao thông mà trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong lĩnh vực bảo vệ rừng như kiểm lâm hoặc trong vệ sinh an toàn thực phẩm là những cán bộ của các cơ quan quản lý ấy cần phải xử lý nhanh, không phải chờ vào một quyết định nào nữa, mà phải giao nhiệm vụ cho người ta, phát hiện thấy đổ rác thì vi phạm môi trường phải xử lý ngay. Cho nên tại sao thanh tra môi trường là kém hiệu quả mà từ khi thành lập Cục cảnh sát môi trường thì có hiệu quả hơn, bởi vì cảnh sát môi trường nó xử lý được ngay. Chứ còn thanh tra môi trường thì phải nhiêu khê lắm, tức là phải bài bản, phải có quyết định, phải họp bàn, phải có thành lập đoàn, là phải có thủ tục A, B, C gì đấy như là cuộc điều tra hình sự, tôi thấy cái này không phù hợp với thanh tra chuyên ngành. Cho nên tôi đề nghị nghiên cứu luật này chỉ đi theo hướng nếu có Luật thanh tra thì có lẽ thanh tra hành chính và thanh tra hành chính như thế là phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước, rồi ông ta có thể cử một đoàn đến để làm việc A, B, C như thế theo thủ tục này rồi về báo cáo lại ông và ông có quyết định xử lý hay không hoặc là có khiếu nại, có tố có thì giao cho thanh tra hành chính. Còn lại thì giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành và có lẽ không nên thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Đấy là ý kiến của tôi, tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan