Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hoa – TP Hà Nội

Thứ Năm 11:18 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Luật thanh tra năm 2004 đã phát huy tác dụng trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, trong qúa trình thực hiện đã xuất hiện một số bất cập làm hạn chế công tác quản lý Nhà nước trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt lĩnh vực thuộc các ngành quản lý. Tôi đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của Chính phủ về việc xử lý những bất cập trong công tác thanh tra trong thời gian qua bằng Nghị định số 128/2008 về việc đưa hoạt động trở lại thanh tra chuyên ngành đã giải quyết được những bức xúc trong thực tế, trong công tác thanh tra của các ngành.

Tôi nhất trí cao về Tờ trình của Chính phủ cũng như hai báo cáo, gồm báo cáo tổng kết thực hiện Luật thanh tra 2004 - 2009 của Chính phủ và báo cáo đánh giá tác động Luật thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những bất cập có tính chuyên sâu trong hoạt động thanh tra, đặc biệt thanh tra chuyên ngành.

Việc ban hành Luật thanh tra (sửa đổi) lần này là rất cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn bất cập trong hoạt động thanh tra ở các cấp, các ngành. Là người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực thanh tra chuyên ngành, tôi đã nghiên cứu kỹ toàn bộ dự án luật. Sau khi nghiên cứu tôi thấy phạm vi điều chỉnh đã được thể hiện trong các điều của luật, đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong hoạt động thanh tra và phù hợp với các luật khác, đặc biệt trong các luật chuyên ngành, trong đó đã làm rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi và phương thức hoạt động của thanh tra, đặc biệt đã phân biệt rõ nét những hoạt động thanh tra chính và thanh tra chuyên ngành cũng như sự phối hợp giữa các hoạt động trong thanh tra của các ngành, các cấp, sau khi tiếp xúc cử tri ở các ngành có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Luật thanh tra, tôi thấy cử tri hoan ngênh và đánh giá cao nội dung điều chỉnh trong Luật thanh tra (sửa đổi) lần này. Các quy định trong luật đã cơ bản giải quyết được những bất cập trong Luật thanh tra năm 2004. Để hoàn thành luật theo gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin có một số ý kiến nhấn mạnh như sau:

Về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra ở Điều 13, tôi thấy phù hợp với chức năng, tổ chức và nhân sự của thanh tra Chính phủ. Về hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tôi hoàn toàn đồng ý theo Điều 5 đã quy định. Trong đó, Khoản 2 và Khoản 5 đã phân biệt rõ hoạt động của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành từng câu từ rõ ràng, dễ hiểu. Còn để phân biệt rõ hơn thì Khoản 2 và Khoản 4 ở Điều 22 trong dự thảo luật cũng đã quy định. Tôi cũng đồng ý với các đại biểu trước đã phát biểu, tức là tùy từng ngành chúng ta mới có thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, ở mỗi một ngành đều có dự thảo, đều có luật riêng hoặc pháp lệnh riêng thì trong pháp lệnh hoặc luật đó sẽ được Quốc hội quy định có thanh tra chuyên ngành hay không.

Về trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện các vi phạm pháp luật hoặc có phát hiện nhưng kiến nghị, xử lý không triệt để, tôi thấy là cần thiết. Nó có tác dụng nâng cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra cũng như cá nhân, cán bộ làm công tác thanh tra. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay tôi thấy rất khó có thể thực hiện được việc này, hay nói cách khác, khó quy trách nhiệm đến cho từng cá nhân hoặc cơ quan thanh tra vì nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Theo tôi, để xử lý triệt để các vi phạm, ngoài trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân thanh tra cần phải có chế tài, xử lý đủ mạnh như: mức phạt phải cao, tình tiết tăng nặng thích đáng ở các lần tái phạm và phải có sự phối hợp của các cơ quan, chính quyền các cấp.Tôi lấy một ví dụ trong một đợt thanh tra chuyên ngành, sau khi thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm, do mức phạt quá thấp hoặc một vài lý do khác cho nên người kinh doanh tiếp tục vi phạm, dẫn đến tái phạm và cơ quan thanh tra tiếp thụ xử phạt. Sau nhiều lần tái phạm cơ quan thanh tra đề nghị cơ quan cấp phép rút giấy phép kinh doanh và đề nghị chính quyền địa phương cưỡng chế, nếu cơ sở không tự giác thực hiện việc ngừng kinh doanh. Nhưng các cơ quan này đã không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả, vậy lỗi này thuộc về ai. Trong thực tế việc đình chỉ kinh doanh là rất phức tạp, do vậy nếu đưa quy định này vào Luật thanh tra thì phải có các quy định khác trong luật này hoặc các luật khác tương tích, quy trách nhiệm cho từng cá nhân, từng ngành, từng cấp có liên quan. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên đưa cụ thể quy định này vào dự án Luật thanh tra hay không.

Về thanh tra nhân dân trong Điều 64, theo tôi không điều chỉnh trong luật này và cũng không áp dụng trong Luật thanh tra 2004 cũng như các đại biểu khác trước tôi đã phát biểu, đề nghị có một văn bản dự thảo luật khác quy định. Và cũng theo gợi ý của Chủ tọa là việc ra quyết định xử phạt khi chúng ta tiến hành kiểm tra và thanh tra, chúng tôi thấy đây cũng là vấn đề Quốc hội cần bàn. Trong thực tế thanh tra chuyên ngành chúng tôi thường vận dụng 2 vấn đề này để hỗ trợ lẫn nhau. Tôi nói ví dụ để tiến hành một cuộc kiểm tra thì việc kiểm tra rất đơn giản và nhẹ nhàng, các điều kiện thủ tục cũng rất dễ. Nhưng khi chúng tôi tiến hành kiểm tra và phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm, chúng tôi tiến hành xử lý thì thường thường chúng tôi không xử lý trực tiếp và chỉ lập biên bản kiểm tra sau đó về Chánh thanh tra tiếp tục nghiên cứu tất cả những điều đó có vi phạm quy định không và chánh thanh tra lúc đó mới xử lý vi phạm, như vậy phải qua một nấc trung gian. Tôi đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu để chúng ta làm sao đưa hai vấn đề xử lý vi phạm này một cách thuận lợi nhất, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan